Một tấm lòng nhân hậu

VÕ THỊ NHƯ TRANG 29/05/2015 09:31

Với người dân xã Điện Phước, thị xã Điện Bàn, hình ảnh ông Võ Nga (Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ, Chủ tịch Hội Khuyến học xã Điện Phước) luôn miệt mài trên hành trình kết nối những tấm lòng thơm thảo đến với mảnh đời bất hạnh, đã quá quen thuộc trong suốt 15 năm nay.
TÌM kiếm các nguồn tài trợ để giúp người bệnh tật, người neo đơn hay thậm chí là nhận phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng… là công việc mà ông Nga làm hàng ngày. Làm công tác chữ thập đỏ và khuyến học ở địa phương từ năm 2000 đến nay, ông không ngại xa, ngại khó lặn lội vào tận TP.Hồ Chí Minh liên hệ gặp gỡ hội đồng hương tìm kiếm nguồn tài trợ đóng góp vào quỹ từ thiện giúp người nghèo khó. Gần 70 tuổi, ông Nga vẫn nỗ lực học Internet, tìm kiếm các tổ chức nhân đạo, doanh nghiệp và xin tài trợ. Ông chủ động làm sợi dây kết nối họ với hàng chục trẻ em bệnh tim và xây những ngôi nhà tình thương khang trang. Từ năm 2012, ông Nga đã vận động ông Trương Phú Chiến (Tổng Giám đốc Công ty CP Bibica) hỗ trợ 100 triệu đồng xây nhà tình thương. Bên cạnh đó còn nhận phụng dưỡng 4 Bà mẹ Việt Nam anh hùng với số tiền 400 nghìn đồng/tháng. Hay ông bà Soucy Tremblay gửi tặng 4 máy tính và 5 nghìn USD mua sắm các trang thiết bị cho Trường Mẫu giáo xã Điện Phước. Ngoài ra, ông Nga còn vận động tổ chức Good morning Việt Nam hỗ trợ 5 học sinh nghèo từ lớp 2 đến đại học mỗi tháng 500 nghìn đồng và 50 triệu đồng giúp các hộ nghèo chăn nuôi gia súc… Hỏi ông Nga về cách ông thuyết phục và làm lay động các nhà hảo tâm, ông cười và nói thật giản đơn: “Chỉ cần đến tận nơi gõ cửa trái tim từng người và nhiệt tình dẫn đường họ đến trao quà, trao tiền trực tiếp cho trường hợp khó khăn. Cứ như thế thì họ sẽ tin tưởng và giúp đỡ kịp thời!”.

Ông Võ Nga trong lễ bàn giao nhà tình thương cho bà Nguyễn Thị Hiên, 82 tuổi, thôn Nông Sơn 2, xã Điện Phước. (ảnh: nhân vật cung cấp).
Ông Võ Nga trong lễ bàn giao nhà tình thương cho bà Nguyễn Thị Hiên, 82 tuổi, thôn Nông Sơn 2, xã Điện Phước. (ảnh: nhân vật cung cấp).

Không chỉ làm tốt vai trò và trách nhiệm của người cán bộ, ông Nga còn là người cha, người chú luôn động viên những học sinh nghèo vững tin trên hành trình tìm kiếm con chữ. Ông vẫn hay nói với học sinh, đặc biệt với những em nghèo vượt khó, rằng có chữ mới thoát được cảnh nghèo.

Bao nhiêu năm qua, ông Nga giúp hàng trăm học sinh vượt khó học giỏi ở địa bàn xã Điện Phước. Ấn tượng với ông Nga là em Trương Ánh Diệu (hiện là sinh viên năm 3 Trường Đại học Y Dược Huế). Trường hợp của em Diệu rất khó khăn, nhà thuộc diện nghèo, cha cùng anh trai và em trai của Diệu đều bị nhiễm chất độc da cam. Diệu đỗ thủ khoa Đại học Kinh tế Đà Nẵng và đỗ Đại học Y Dược Huế với số điểm 28. Nhưng mẹ của Diệu thì bệnh nặng, con đường đại học của Diệu có thể đã chấm dứt nếu như không gặp ông Nga. Ông vận động và kêu gọi nguồn tài trợ giúp em suốt thời gian học đại học. Diệu chia sẻ: “Bố Nga là nguồn động lực lớn nhất để em phấn đấu học tập. Em sẽ cố gắng để trở thành một bác sĩ giỏi, chữa trị và chăm sóc sức khỏe cho những người nghèo khó như mong muốn của bố Nga!”. Ngoài Diệu, ông Nga còn nặng lòng với các em sinh viên có hoàn cảnh khó khăn khác. Chẳng hạn như em Mai Thị Xuân Quỳnh (sinh viên năm cuối Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng) nhà nghèo lại mồ côi cha. Ông Nga kêu gọi Ngân hàng NN&PTNT TP.Đà Nẵng giúp đỡ em với số tiền 5 triệu đồng mỗi năm. Em Nguyễn Hoàng Gia Bảo (sinh viên năm cuối Đại học Bách khoa Đà Nẵng) mồ côi cha mẹ, mắc bệnh bại não nhưng lại học rất giỏi. Ông Nga tìm đến Tổ chức Trẻ em Việt Nam xin hỗ trợ cho Bảo suốt thời gian học đại học. Thấu hiểu nỗi đau mồ côi cha mẹ của Bảo, ông Nga cũng thường xuyên gặp và động viên em vượt qua thử thách cuộc sống.

Tận tâm giúp đỡ người khó khăn và tìm mọi con đường khai sáng niềm ham học cho các em học sinh nghèo, nhưng không phải lúc nào công việc của ông Nga cũng thuận lợi như mong muốn. Đó là những lúc số lượng người cần giúp quá nhiều, trong khi đó số tiền quỹ kêu gọi không được bao nhiêu. Vừa qua, trường hợp bà Mai Thị Hòa (37 tuổi, thôn Hạ Nông Trung, xã Điện Phước) mắc phải căn bệnh ung thư buồng trứng, không có tiền và bảo hiểm đi bệnh viện, bà Hòa đến nhà ông Nga khóc cầu cứu. Đúng lúc nguồn quỹ hết, ông Nga phải lấy tiền túi và đích thân đi mua bảo hiểm trao cho bà Hòa kịp thời ra Đà Nẵng chữa bệnh.

Chia tay chúng tôi, hình ảnh ông Võ Nga với một tấm lòng nhân hậu luôn đọng lại trong tâm trí khiến không ít người thán phục. Có lẽ vì thế mà trong 5 năm liền (2009-2013) ông được nhận bằng khen của Hội Chữ thập đỏ. “Một con người luôn sống hết mình vì người nghèo, một vị cán bộ luôn làm tròn nghĩa vụ và trách nhiệm” - đó cũng là lời nhận xét của ông Phạm Phú Phương (Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thị xã Điện Bàn) dành cho ông Nga.

VÕ THỊ NHƯ TRANG

VÕ THỊ NHƯ TRANG