"Phương thuốc" quý cho người bệnh

KHẢI KHIÊM 28/05/2015 08:23

Đầu tư cho công tác chăm sóc bệnh nhân bằng cách nâng cao chất lượng phục vụ của đội ngũ điều dưỡng là một “phương thuốc” quý mà Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi (ĐKKVMN) phía Bắc Quảng Nam đã chú trọng.

Điều dưỡng đóng vai trò quan trọng trong chăm sóc người bệnh.Ảnh: D.T.V
Điều dưỡng đóng vai trò quan trọng trong chăm sóc người bệnh.Ảnh: D.T.V

Chăm sóc người bệnh đóng vai trò quan trọng trong công tác khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế. Ngoài cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, triển khai nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao, bệnh viện muốn phát triển thì quan tâm đầu tư cho chăm sóc người bệnh vẫn đóng vai trò vô cùng quan trọng. Cử nhân điều dưỡng Nguyễn Thị Hồng - Trưởng khoa Điều dưỡng Bệnh viện ĐKKVMN phía Bắc Quảng Nam lý giải, đội ngũ điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên chiếm 2/3 tổng số nhân lực trong bệnh viện. Họ là đối tượng tiếp xúc với người bệnh nhiều nhất từ lúc vào viện đến khi ra viện, khi em bé cất tiếng khóc chào đời hoặc thời điểm bệnh nhân hấp hối đều có mặt người điều dưỡng bên cạnh chăm sóc và chia sẻ. Phải khẳng định rằng, chăm sóc bệnh nhân là liên tục, việc hài lòng của nhân dân phụ thuộc phần lớn vào chất lượng chăm sóc của điều dưỡng. Cũng theo bà Nguyễn Thị Hồng, bệnh viện hằng ngày có trên 1.000 bệnh nhân nằm điều trị nội trú và có khoảng 600 lượt người đến khám. Do vậy, chăm sóc điều dưỡng người bệnh càng phải được quan tâm đặc biệt.

Dưới sự chỉ đạo của Đảng bộ Bệnh viện ĐKKVMN phía Bắc Quảng Nam, thời gian gần đây, công tác này đã được chú trọng. Với tổng số 406 điều dưỡng, hộ sinh và kỹ thuật viên, đơn vị áp dụng mô hình chăm sóc theo nhóm ở hầu hết khoa lâm sàng với mục tiêu lấy người bệnh làm trung tâm, chăm sóc toàn diện và liên tục. Người bệnh điều trị nội trú được điều dưỡng lập kế hoạch chăm sóc toàn diện từ lúc vào đến khi ra viện và tự chăm sóc sức khỏe tại nhà. Ngược lại, điều dưỡng nâng cao được trình độ trong khám, chẩn đoán và xây dựng kế hoạch chăm sóc một cách phù hợp nhất cho từng đối tượng; phát huy được chức năng độc lập cũng như phối hợp với thầy thuốc. Hỗ trợ đắc lực cho công tác chăm sóc là vấn đề dinh dưỡng. Hằng ngày, Khoa Dinh dưỡng (thành lập tháng 8.2014) cung cấp khoảng 300 suất ăn bệnh lý đến tận giường bệnh. Sự trợ lực ấy giảm được vất vả cho gia đình, đặc biệt là bệnh nhân nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện miền núi xuống.

“Hầu hết bệnh nhân đều rất nhạy cảm, dễ tủi thân, tự ti và hay cáu gắt vì bệnh tật... Họ mong mỏi được điều dưỡng viên nói riêng, cán bộ y tế nói chung thấu hiểu tâm lý, những đau đớn về thể chất cũng như tinh thần để cảm thông và chia sẻ. Họ rất cần điều dưỡng viên giỏi về y lý, thành thạo về y thuật và giàu về y đức. Ba vấn đề này không phải bẩm sinh mà thừa hưởng từ sự giáo dục, rèn luyện và tu dưỡng” - bà Nguyễn Thị Hồng chia sẻ. Nhận thức chuyên môn và y đức là hai vấn đề song hành, Phòng Điều dưỡng Bệnh viện ĐKKVMN phía Bắc Quảng Nam thường xuyên giám sát, kiểm tra đôn đốc hướng dẫn và đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng giao tiếp ứng xử của điều dưỡng viên. Các chủ đề thiết thực được triển khai như: nghệ thuật chăm sóc người bệnh trong môi trường bệnh viện; nghệ thuật gây thiện cảm; nghệ thuật ứng xử trong giao tiếp; văn hóa giao tiếp trong môi trường bệnh viện; kỹ năng giải quyết xung đột và nghệ thuật giảm stress... Từ đó, điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên được trang bị các kỹ năng trong giao tiếp với người bệnh, gia đình và đồng nghiệp. Nhờ gần gũi động viên và chia sẻ, người điều dưỡng tạo được lòng tin đối với bệnh nhân.

Được biết, Bệnh viện ĐKKVMN phía Bắc Quảng Nam còn phối hợp với Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam mở lớp đào tạo về quản lý điều dưỡng. Công tác nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực chăm sóc người bệnh luôn được chú trọng. Năm 2015, có 28 đề tài nghiên cứu khoa học đã được hội đồng khoa học bệnh viện duyệt xong đề cương và đang thu thập số liệu. Đây là bước tiến quan trọng để cải tiến chất lượng chăm sóc. Cẩn thận hơn, mỗi giường bệnh đều có gắn bảng kế hoạch chi tiết chăm sóc riêng từng đối tượng. Qua đó, đội ngũ điều dưỡng sẽ góp phần xây dựng hình ảnh bệnh viện thân thiện trong lòng mỗi người dân của khu vực các huyện phía bắc tỉnh nhà.

KHẢI KHIÊM

KHẢI KHIÊM