Tri ân ở "vùng đất lửa"

HÀN GIANG 25/05/2015 12:47

Cùng với cả tỉnh, những năm qua, huyện Núi Thành luôn chú trọng làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa với nhiều cách làm hay, thiết thực...

Đến nay, huyện Núi Thành đã cơ bản hoàn thành việc xóa nhà tạm cho đối tượng người có công.  Ảnh: HÀN GIANG
Đến nay, huyện Núi Thành đã cơ bản hoàn thành việc xóa nhà tạm cho đối tượng người có công. Ảnh: HÀN GIANG

Thấy lòng ấm áp

Năm nay tròn 85 tuổi, sức khỏe bà Hồ Thị Lộc (thôn Tịch Tây, xã Tam Nghĩa, Núi Thành) thêm yếu vì bệnh tật. Bà Lộc đi đứng rất khó khăn, cả người bà phải còng xuống để giữ thăng bằng, bước lò dò chậm chạp bởi đôi chân mang thương tật từ hồi chiến tranh. Làng Tịch Tây nằm dưới chân Tượng đài chiến thắng Núi Thành - nơi diễn ra trận đánh đã đi vào huyền thoại của quân dân xứ Quảng. Thời con gái, bà Lộc tham gia công tác liên lạc tại địa phương. Khi ấy, được tổ chức phân công, bà thường vác cái cuốc xuống các xã ở phía hạ nguồn sông Trường Giang làm đồng áng. Đợi chiều tối, bà lần hồi đưa cán bộ cách mạng về làng hoạt động. Bà Lộc bày tỏ, mấy hôm nay nghe đài truyền thanh, nghe ti vi đưa tin về công tác chuẩn bị tổ chức kỷ niệm 50 năm chiến thắng Núi Thành mà thấy lòng rất đỗi bồi hồi. Ký ức của bà ùa về hình ảnh của những người anh, đồng chí tham gia hoạt động dưới vòng kiềm tỏa của kẻ thù trong những năm tháng khói lửa.

Năm 2009, được Nhà nước và một doanh nghiệp hỗ trợ 30 triệu đồng, thân nhân bà Lộc đầu tư thêm 31 triệu đồng, rồi bà con hàng xóm chung tay góp công sức giúp bà xây dựng một căn nhà khang trang, vững chãi. Theo lời bà Lộc, từ khi có căn nhà mới, cuộc sống đơn chiếc của bà như được tiếp thêm sức sống mới, không còn sợ cảnh gió lùa, mưa dột như trong căn nhà xuống cấp xập xệ, chật chội trước kia. Các ngày lễ 27.7 hay tết cổ truyền, bà Lộc đều được lãnh đạo địa phương quan tâm thăm hỏi, động viên tinh thần. “Có chế độ ưu đãi gì những đối tượng như tôi sống tại địa phương cũng đều được ưu tiên. Hồ sơ làm chế độ bị địch bắt tù đày của tôi vừa được làm xong. Như vậy là những đóng góp của tôi cho cách mạng một lần nữa được Nhà nước ghi nhận. Đó là một niềm an ủi rất lớn khi tuổi đã xế chiều” - bà nói.

Chia sẻ về công tác đền ơn đáp nghĩa tại địa phương, ông Châu Ngọc Hồng - Bí thư Đảng ủy xã Tam Nghĩa cho biết, những năm qua, công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm lo cho người có công cách mạng luôn được địa phương chú trọng thực hiện. “Cùng với chính quyền địa phương, các doanh nghiệp làm ăn trên địa bàn cũng tham gia tích cực vào công tác đền ơn đáp nghĩa đối với vùng “đất lửa” Tam Nghĩa. Trở thành hoạt động thường xuyên, hằng năm, vào dịp lễ 27.7, các doanh nghiệp tổ chức trao tặng hàng chục sổ tiết kiệm và phần quà cho đối tượng người có công địa phương. Bởi họ có cùng quan điểm là phải làm gì đó thật thiết thực để tri ân vùng đất cách mạng này. Có thể khẳng định, công tác đền ơn đáp nghĩa, tri ân đối tượng người có công, gia đình chính sách đã trở thành cái nếp của địa phương” - ông Hồng nói.

5 chương trình tình nghĩa

Theo ông Nguyễn Xướng - Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Núi Thành, từ khi mới chia tách huyện (ngày 3.12.1983), dù đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức nhưng Núi Thành vẫn xác định tập trung ưu tiên chăm lo công tác đền ơn đáp nghĩa. Trong điều kiện ngân sách khó khăn, huyện Núi Thành đã có cách làm sáng tạo, đó là kêu gọi các doanh nghiệp nhà nước khi đó như Công ty Xuất khẩu Núi Thành, Công ty Thương nghiệp Núi Thành nhận đỡ đầu, nuôi dưỡng con liệt sĩ mồ côi, có gia cảnh đặc biệt. Nhờ vậy, thế hệ con em liệt sĩ ngày ấy được chăm lo nuôi dưỡng, ăn học nên người, trở thành những công dân có ích cho xã hội. Ông Xướng nhấn mạnh: “Một dấu ấn trong công tác đền ơn đáp nghĩa đó là việc thực hiện xóa nhà tạm cho đối tượng người có công. Từ năm 2001 - 2010, Núi Thành đã xây dựng và thông qua 3 đề án về “Xóa nhà tạm cho người có công”. Và với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị huyện, giai đoạn 2010 - 2014, Núi Thành đã hoàn thành cơ bản việc xóa nhà tạm cho đối tượng người có công với khoản kinh phí hỗ trợ trên 14 tỷ đồng”.

Thời gian qua, tại Núi Thành, phong trào toàn dân chăm sóc người có công đã được cụ thể hóa bằng 5 chương trình tình nghĩa. Đó là các chương trình xây dựng và sửa chữa nhà tình nghĩa; vận động xây dựng quỹ đền ơn đáp nghĩa; tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa; chăm sóc cha, mẹ, vợ liệt sĩ già yếu, neo đơn không nơi nương tựa, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Đặc biệt, trong thực hiện chương trình ổn định đời sống thương binh, bệnh binh có tỷ lệ thương tật 81% trở lên (loại 1), các cấp ủy địa phương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các ngành chức năng, tổ chức đoàn thể phối hợp thực hiện chặt chẽ, tích cực. Từ nỗ lực này, đến nay, 100% thương bệnh binh loại 1 luôn phấn đấu xây dựng gia đình đạt chuẩn văn hóa, nuôi dạy con cháu học hành nên người, có công ăn việc làm ổn định. “Điều trăn trở nhất hiện nay của chúng tôi đó là việc giải quyết hồ sơ thủ tục cho đối tượng phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin của địa phương, để họ được hưởng chế độ theo quy định. Trước đây, ngành đã tiến hành điều tra khảo sát và ghi nhận có 3.400 trường hợp người tham gia kháng chiến của địa phương bị nghi phơi nhiễm chất độc da cam. Tuy nhiên, đến nay, chỉ mới có 200 hồ sơ được giám định và được giải quyết hưởng chế độ. Tôi mong thủ tục giải quyết hồ sơ cho đối tượng này sớm được hoàn thiện nhằm đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của đông đảo người có công ở địa phương” - ông Xướng bày tỏ.

HÀN GIANG

HÀN GIANG