"Ách tắc" trên đường cao tốc - Bài 1: Vướng mặt bằng
Dù vẫn xem là dự án “đánh nhanh thắng nhanh” nhưng thời gian qua nhiều nhà thầu thi công tuyến đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi qua địa bàn Quảng Nam triển khai rất chậm chạp, thậm chí “đắp chiếu” phương tiện, thiết bị máy móc ngoài công trường vì vướng GPMB.
Vướng bụi tre!
Giữa tháng 5, đi dọc tuyến đường cao tốc từ huyện Núi Thành ra thị xã Điện Bàn, chúng tôi gặp nhan nhản các tấm biển báo của người dân đặt tại ruộng, đất rừng hoặc cạnh kề công trường đang thi công với nội dung “cấm đổ đất đám ruộng này, bồi thường sai”, “đất chưa bàn giao mặt bằng”, “đám này chưa được làm”… Từ các xã Tam Thái, Tam Đại (Phú Ninh) về xã Tam Ngọc (TP.Tam Kỳ) đường đã khai mở vài cây số, nhưng vẫn tồn tại hàng chục ngôi mộ chưa di dời. Có khu vực đang thi công dang dở án ngữ giữa lòng đường là một ngôi mộ nhìn rất “khó coi”. Muốn vào địa điểm thi công đường cao tốc ở thôn Bích An (xã Tam Xuân 1, Núi Thành), phải đi vòng vèo trên con đường bê tông kéo dài vài cây số, nhà thầu hầu như không thể đem thiết bị, phương tiện tiếp cận hiện trường do vài hộ dân có nhà cửa và đất vườn chưa chịu bàn giao mặt bằng. Bà Bùi Kim Dung (thôn Bích An, xã Tam Xuân 1) đã nhận bồi thường (BT) 1 tỷ đồng khi bị giải tỏa trắng nhà cửa và 3.000m2 đất vườn nhưng vẫn chưa thống nhất với phương án BT, hỗ trợ của địa phương, vì thế trên vườn đồi này nhiều tháng nay vẫn chưa được giải tỏa. Theo các nhà thầu, nếu không mở đường ở một số điểm huyết mạch thì sẽ kéo theo hàng loạt khu vực khác “đứng bánh” vì không tiếp cận với đường thi công.
Nhiều ngôi mộ nằm rải rác cản trở thi công đoạn km27+200 - km28+200 qua địa bàn Duy Xuyên. Ảnh: C.T |
Tại xã Tam Mỹ Đông (Núi Thành), từ cuối năm 2014 đến nay, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện vẫn chưa lập xong phương án BT đất ở và đất rừng cho người dân. Theo tìm hiểu của nhóm phóng viên, do quản lý yếu kém nên 44 thửa đất dù đã quy hoạch rừng phòng hộ nhưng dân địa phương đã sử dụng trồng cây. Ở huyện Thăng Bình, chính quyền lỏng lẻo trong quản lý 5% đất công ích nên người dân tự do lấn chiếm sản xuất, canh tác lâu dài, nảy sinh tranh chấp dai dẳng. Như đường cao tốc đi qua đoạn thôn Xuân Đài (xã Điện Quang, thị xã Điện Bàn) ách tắc chỉ vì vướng mỗi bụi tre của hộ ông Phan Văn Năm. Bụi tre này vẫn đứng “sừng sững” và chủ nhân của nó một mực không cho nhà thầu gói 3B tiến hành bất cứ công việc nào tại gần trụ P5 của cầu VD07 (thuộc xã Điện Quang). Chính quyền đã dùng mọi cách tuyên truyền, giải thích, cả đối thoại nhưng vẫn không lung lay tư tưởng hộ ông Năm. Chính vì vậy, chủ đầu tư buộc phải đề nghị UBND thị xã Điện Bàn lập các thủ tục cưỡng chế, trong khi để các ngành chức năng tham mưu về trình tự, hồ sơ ra quyết định cưỡng chế đôi khi mất vài tháng trời! Chưa kể, dọc tuyến đường qua địa bàn này còn rải rác hơn 200 ngôi mộ chưa di dời. Các thiết bị máy móc thi công đoạn km27+200 - km28+200 thuộc huyện Duy Xuyên ngừng hoạt động do 47 ngôi mộ chắn dọc ngang. Chính quyền các huyện Phú Ninh, Duy Xuyên, Núi Thành thừa nhận, tiến độ GPMB mồ mả chậm chạp do chưa tìm được khu tái định cư cho… người chết. Các hộ dân vin vào lý do xem ngày di dời mộ chưa được; cá biệt không ít trường hợp yêu sách đòi hỗ trợ hơn 2 triệu đồng cho… một cái hòm nhỏ!
Chưa rục rịch
Trên tuyến cuối địa phận Quảng Nam như địa bàn xã Tam Nghĩa (Núi Thanh), tiến độ GPMB các mỏ đá, hệ thống đường dây điện, các công trình công cộng gần như chưa rục rịch gì. Có mặt tại nhà máy sản xuất, chế biến đá làm vật liệu xây dựng của Công ty CP Wei Xern Sin (xã Tam Nghĩa) vào sáng 15.5, chúng tôi ghi nhận, công ty này hoạt động bình thường. Các xe tải chở vật liệu nối đuôi nhau ra vào khu vực khai thác. Toàn bộ diện tích nhà xưởng, khu vực khai thác mỏ, văn phòng làm việc của công ty đều bị ảnh hưởng bởi đường cao tốc. Các phương án BT, di dời đến địa điểm mới đã được các ngành chức năng của tỉnh bố trí, song công tác GPMB nơi đây rất ì ạch. Theo Trung tâm Phát triển quỹ đất (Sở Tài nguyên – môi trường), hiện có 13 mỏ đá ở xã Tam Nghĩa bị ảnh hưởng và đang tiến hành lập phương án di dời cho một số doanh nghiệp. Theo chủ trương của tỉnh, các mỏ đá sẽ di chuyển đến phía tây đường cao tốc, nhưng việc chọn vị trí mới, đánh giá lại tác động môi trường, thỏa thuận các phương án BT với doanh nghiệp mất nhiều thời gian và tiền bạc. Ông Nguyễn Tiến Thành, Phó Giám đốc Ban Quản lý đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi (thuộc Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam) cho biết, thời điểm này chưa có doanh nghiệp khai thác đá vật liệu xây dựng nào ở Núi Thành bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư. Khó khăn nhất vẫn là tìm địa điểm tái sản xuất cho họ. Từ năm 2014 đến nay, ngành điện loay hoay di dời các công trình điện do mình quản lý để bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư. Theo thống kê, 20 vị trí đường điện 20kV và 35kV vẫn “bám trụ” tại 2 huyện Phú Ninh và Thăng Bình. Còn đường dây điện dân sinh dài 100m đi ngang qua tại km21+600 (huyện Duy Xuyên) chưa thể hạ xuống.
Tính đến ngày 12.5, còn hàng nghìn trường hợp hộ dân chưa bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư. Cụ thể, Điện Bàn còn 155 hộ và 1 ngôi miếu chưa bàn giao mặt bằng; Duy Xuyên 62 hộ; Thăng Bình 118 hộ; Phú Ninh còn 176 hộ; huyện Núi Thành có 145 hộ chưa nhận tiền BT- hỗ trợ và 615 thửa đất chưa giải quyết BT.... Làm việc với Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu yêu cầu các địa phương còn “nợ mặt bằng” phải tập trung tháo gỡ ách tắc, hoàn thiện các khu tái định cư và bố trí đất di dời mồ mả. |
Đường cao tốc qua xã Tam Nghĩa dài hơn 7,1km, mới triển khai 1,7km, chủ yếu giải tỏa phần đất nông nghiệp. Phó Chủ tịch UBND xã Tam Nghĩa – ông Nguyễn Thành Đạt cho biết, 43 hộ dân trên địa bàn đã kiểm kê áp giá, nhưng tiền BT còn thiếu, việc chi trả tiền hỗ trợ đời sống cho người dân có đất rừng bị ảnh hưởng quá chậm nên mặt bằng cũng bị “treo”. “Đất tái định cư cho người sống lẫn người chết vẫn chưa bố trí; tiền chi trả chậm… là những nguyên nhân dẫn đến trì trệ trong công tác GPMB” - ông Đạt nhìn nhận. Thậm chí, đường cắt qua xã Tam Xuân 2 (Núi Thành) dài hơn 4,4km nhưng hiện vẫn chưa động đậy mặt bằng một mét vuông nào...
Sau Tết Nguyên đán đến nay, các nhà thầu gói số 2 đứng ngồi không yên bởi các phương tiện, thiết bị máy móc tập kết xây dựng mố A2 của cầu LRB06 thuộc thôn Phong Thử 2 (xã Điện Thọ, thị xã Điện Bàn) rơi vào cảnh “đắp chiếu” nằm chờ. Cán bộ nhà thầu này than thở: “Nếu tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công. Bởi lẽ, chúng tôi có mặt bằng sạch mới xử lý nền đất yếu, đóng cọc cát và chờ gia tải mất khoảng 15 tháng trời”. Theo tìm hiểu của chúng tôi, khu vực thi công mố A2 vướng nhà ở của 3 hộ dân gồm hộ ông Phạm Văn Dũng, Phan Quang Trung và Trần Thị Khánh vì Nhà nước chưa xây dựng khu tái định cư bố trí cho họ. Ngoài chậm giải quyết các thủ tục hồ sơ từ phía địa phương, việc bố trí vốn chi trả BT, hỗ trợ phát sinh cũng rất hạn chế. Dự án đường cao tốc sử dụng nguồn vốn vay của tổ chức JICA Chính phủ Nhật và vốn vay Ngân hàng Thế giới, một số gói thầu sử dụng vốn đối ứng của địa phương nên có thời điểm chậm chi tiền BT, phải xác lập lại thủ tục hồ sơ nhiều lần. Trong khi chưa hoàn tất các thủ tục, hồ sơ pháp lý đảm bảo quyền lợi cho người dân thì một số nơi nhà thầu tiến hành san ủi mặt bằng nên phát sinh tình trạng xung đột, cản trở thi công.
Phóng sự: HỮU PHÚC – CÔNG TÚ
Bài 2: Phập phồng an cư
Tình trạng thiếu đất tái định cư đã gây áp lực trong giải phóng mặt bằng cho các địa phương. Trong khi đó, quá trình thi công tuyến đường cao tốc cũng ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sản xuất, sinh hoạt của người dân.