Điện thoại cho người khiếm thị

KIM OANH 23/05/2015 09:28

Một đột phá công nghệ gây chú ý trong tuần qua khi những người bị điếc và khiếm thị tham gia cuộc thử nghiệm đầu tiên trên thế giới bằng điện thoại chữ nổi Braille.

Sản phẩm mang tính nhân văn này có tên gọi Braille Cap-tel (điện thoại chữ nổi Braille) do công ty công nghệ cao Ultratec tại Mỹ sáng chế. Cuộc thử nghiệm kéo dài 6 tháng tại Mỹ và Australia. Trong số những người may mắn được tham gia thử nghiệm có 5 phụ nữ khiếm thị Australia, sinh sống tại các bang New South Wales, Victoria và Queensland. Giám đốc Ultratec, Christopher Engelke giải thích cơ chế hoạt động của điện thoại chữ nổi Braille: “Cách thức toàn thể hệ thống hoạt động là một người điếc, hoặc lảng tai nặng, khi nói chuyện có thể sử dụng điện thoại như những điện thoại khác, giống như có phụ đề trên ti vi. Những người sử dụng có thể đọc những phụ đề đó bằng những chữ Braille nổi. Do đó họ có thể nghe được, nói được và đọc được tất cả những gì người khác nói với họ bằng cách đọc chữ Braille trên điện thoại”.

Bà Michelle Stevens sử dụng Braille Cap-tel để liên lạc với người thân. Ảnh: Guardian
Bà Michelle Stevens sử dụng Braille Cap-tel để liên lạc với người thân. Ảnh: Guardian

Một trong số những người tham gia cuộc thử nghiệm được cho là mang tính lịch sử này là bà Michelle Stevens, năm nay 58 tuổi. Bà bị mất thị giác khi mới chào đời. Vài năm sau đó, thêm nỗi bất hạnh ập đến khi bà mất luôn cả thính giác do nhiễm trùng nặng ở tai. Từ đó, Michelle Stevens thấy mình như bị cô lập với thế giới bên ngoài. Nhưng bằng cuộc điện thoại qua hệ thống chữ nổi Braille, Michelle Stevens giờ đây đã có thể liên lạc với chị của mình sau hàng chục năm. Và Stevens tin tưởng một ngày không xa, Braille Cap-tel sẽ giúp những người khuyết tật như bà hòa nhập với cộng đồng và hỗ trợ họ trong việc làm. Riêng tại Australia, nơi có đến khoảng 330.000 người điếc và mù, vì thế, việc ra đời các sản phẩm công nghệ trên được xem như làn gió mới làm thay đổi những cuộc đời không may mắn.

Đến nay, một số sản phẩm công nghệ ra đời được ứng dụng cho người khiếm thị. Như năm ngoái, chiếc điện thoại cầm tay đầu tiên sử dụng hệ thống chữ nổi Braille, làm phương tiện giao tiếp cho người khiếm thị được chào bán. Đây là sản phẩm của công nghệ 3D do Công ty OwnFone (Anh) sáng chế. Đối với người dùng khiếm thị nhưng lại không đọc được chữ nổi, OwnFone cũng có phiên bản sử dụng ký tự chữ viết thường được in ở dạng nổi. Chiếc điện thoại có thể được cá nhân hóa bằng việc tùy biến và lập trình trước với các nút chữ nổi Braille được in 3D phía trước và sau máy, giúp người khiếm thị có thể kết nối nhanh đến bạn bè, gia đình, người chăm sóc hoặc các dịch vụ khẩn cấp.

Trước đó, năm 2013, Học viện Công nghệ Delhi tại Ấn Độ ra mắt điện thoại thông minh, sử dụng một màn hình cảm ứng đặc biệt cho phép thay đổi bề mặt linh hoạt, để biến thành dạng chữ nổi Braille giúp người khiếm thị có thể đọc tin nhắn SMS hay email, thậm chí có thể lướt web.

KIM OANH

KIM OANH