Ruộng bậc thang ở miền tây xứ Quảng

TẤN VỊNH 23/05/2015 08:34

Trên vùng núi cao, có nơi đến 1.500 mét so với mặt nước biển, với tay lên có thể đụng mây trời mà con người có thể tạo nên những thửa ruộng để canh tác và sinh sống, người ta gọi là “sơn điền” hay ruộng bậc thang.

Ruộng bậc thang ở Trà Nam. Ảnh: TẤN VỊNH
Ruộng bậc thang ở Trà Nam. Ảnh: TẤN VỊNH

Người Xơ Đăng sinh sống trên hệ núi Ngok Linh và người Cơ Tu ở khu 7 từ rất lâu đời đã tích lũy nhiều kinh nghiệm trong việc làm ruộng bậc thang. Đến các bản làng của họ, ta thường thấy những thửa ruộng bậc thang xếp từ chân núi lên đến các sườn núi. Hệ thống thủy lợi được làm một cách thông minh từ những rãnh đá, thân cây đủng đỉnh, những thanh tre được bổ làm đôi thành các máng nước, được nối lại với nhau và bao quanh lấy thửa ruộng.

Từng bậc, từng bậc ôm lấy sườn núi, gối vào nhau từ thấp lên cao trông như những nấc thang nên gọi là ruộng bậc thang. Ruộng bậc thang chẳng những mang lại cho đồng bào lúa gạo ăn quanh năm, tự túc được lương thực mà còn vẽ nên một bức tranh đa sắc vừa kỳ vĩ vừa thơ mộng. Từ thời ông bà xa xưa đã biết ăn hạt thóc làm trên các thửa ruộng ở ngang lưng núi. Tương truyền rằng, khi chưa có công cụ bằng sắt, đồng bào nơi đây đã biết dùng đá hoặc gỗ đẽo thành xẻng, thành cuốc để làm ruộng bậc thang. Để làm ruộng bậc thang, đồng bào thường chọn những sườn núi có độ dốc vừa phải, không có nhiều hốc đá và đặc biệt là gần khe suối để dẫn nước về tưới ruộng. Đầu tiên là người ta vạt thẳng góc vào các sườn núi để tạo bình độ mặt ruộng. Nếu núi không dốc, chỉ cần vạt sâu vào núi chừng nửa mét, người ta sẽ có mặt ruộng tương đối rộng. Mặt ruộng rộng thì các nấc thang ruộng không bị quá dốc, sự canh tác được thuận lợi hơn. Nước là yếu tố quyết định để làm ruộng bậc thang. Nước từ các khe suối theo các ống tre hay các đường mương đựơc đồng bào dẫn vào thửa ruộng cao nhất và từ đó chúng phân bố đều cho các thửa ruộng phía dưới.

Đối với các dân tộc cư trú trên núi cao, ruộng đất khan hiếm thì ruộng bậc thang chính là vựa thóc của bản làng. Ruộng bậc thang chính là nơi níu chân họ lập nên làng định cư. Mỗi thửa ruộng bậc thang có thể canh tác lâu năm khi có mùn của rơm rạ, cây cỏ, phân hữu cơ làm nên màu mỡ cho đất. Ruộng bậc thang cũng làm cho đồng bào bỏ dần tập quán phá rừng làm rẫy. Có nơi đồng bào hoàn toàn đoạn tuyệt với cái rìu mà chuyển sang dùng trâu cày và dùng cuốc để làm ruộng. Canh tác trên những thửa ruộng bậc thang chắc chắn, ổn định, lâu dài hơn trên những nương rẫy dốc dễ rửa trôi, bạc màu, phụ thuộc vào nước trời, tức là những cơn mưa mùa, nếu khô hạn thì bị mất trắng. Làm ruộng bậc thang giữ được môi trường sinh thái tự nhiên, giữ được rừng nguyên sinh đầu nguồn. Điều đó chẳng những phục vụ cho đồng bào tại chỗ, đảm bảo nước cho sinh hoạt, trồng trọt mà còn mang lại nguồn sống cho những cư dân vùng hạ lưu.

Dân tộc Xơ Đăng là tộc người rất giỏi về canh tác ruộng bậc thang. Vùng núi Ngok Linh có núi cao giống như Tây Bắc nên lối canh tác của người Xơ Đăng cũng không khác mấy so với người Mông. Không làng nào mà không có ruộng bậc thang. Trong hệ Ngọc Linh, từ Trà Nam cho đến Trà Linh, giữa màu xanh hùng vĩ của núi rừng nguyên sinh, điểm xuyết những thửa ruộng bậc thang. Đó là những bức tranh tuyệt tác mà tự bản thân nó đã ca ngợi bàn tay lao động của con người, họ biết dựa vào thiên nhiên, hòa mình với thiên nhiên, duy trì cuộc sống ở những nơi thâm sơn cùng cốc. Cảnh quan thiên nhiên vùng núi cao càng trở nên sinh động, độc đáo hơn khi có những thửa ruộng bậc thang. Mỗi thời điểm của vụ mùa canh tác chúng tạo ra mỗi sắc màu khác nhau. Khi ruộng được cày xong xăm xắp nước chuẩn bị cấy, mỗi thửa ruộng như dát một lớp bạc bởi màu nắng và màu mây. Khi lúa đang thì con gái,  màu xanh tươi non điệp vào màu cây cỏ, núi rừng. Và thời điểm đẹp nhất là lúc lúa chín, từng thửa ruộng như những dải gấm vàng dệt lên ngang trời. Ruộng bậc thang càng trở nên đẹp hơn khi chúng ẩn hiện trong màn sương sớm hay làn khói núi vắt ngang sau cơn mưa tạnh.

Ruộng bậc thang là “pho sử” về phương thức canh tác, tâm linh, văn hóa, lịch sử tộc người. Năm 1995, UNESCO vinh danh ruộng bậc thang của người Philippines, là di sản của nhân loại, là kỳ quan của thế giới. Năm 2007, ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải, Yên Bái được Bộ VH-TT&DL chính thức công nhận là Di tích văn hóa cấp quốc gia. Năm 2013 ruộng bậc thang Sa Pa được Bộ VH-TT&DL công nhận là Di tích danh thắng cấp quốc gia. Đặc biệt, ruộng bậc thang Sa Pa đã được Tạp chí du lịch Travel and Leisure của Mỹ bình chọn và công bố là một trong 7 thửa ruộng bậc thang đẹp, kỳ vĩ nhất châu Á và thế giới. Ruộng bậc thang thôn Arầng, xã A Xan huyện Tây Giang cũng đã được xếp hạng Di tích danh thắng cấp tỉnh.

Qua bao đời, người dân miền núi cao đã tích lũy một kho tàng tri thức bản địa trong việc khai khẩn làm ruộng bậc thang. Những thửa ruộng nằm chon von trên sườn núi chẳng những mang lại hạt thóc nuôi sống dân làng mà còn tạo ra cảnh quan kỳ vĩ, trở thành di tích danh thắng có thể khai thác thành sản phẩm du lịch đặc trưng thu hút khách tham quan khi tuyến đường Nam Quảng Nam thông tuyến lên Kon Tum. Ở vùng cao Ngọc Linh, nhờ ruộng nước, đồng bào Xơ Đăng đã giữ được rừng để trồng sâm, duy trì, phát triển nguồn dược liệu quý, góp  phần vào việc xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu.

TẤN VỊNH

TẤN VỊNH