Sẻ chia và tri ân
Gắn bó với công tác nuôi dưỡng người có công, người ít thì cũng vài ba năm, người nhiều thì cũng xấp xỉ hơn mười năm công tác; nhưng tất cả cán bộ, nhân viên Trung tâm Nuôi dưỡng - điều dưỡng người có công tỉnh (Sở LĐ-TB&XH) đều tự dặn lòng phải nỗ lực hết mình trong việc chăm sóc những người có công tại trung tâm, bằng sự tận tụy của mình. Chị Đinh Thị Minh Hội - Tổ trưởng cấp dưỡng tại trung tâm chia sẻ, cán bộ ở trung tâm, ai cũng thuộc lòng từng thói quen và hiểu tính nết của các cụ, các bác là thương bệnh binh nặng, người có công đang ở trung tâm. “Cống hiến cho Đảng, cho Nhà nước trong chiến tranh, trở về trung tâm, các cụ hầu hết đều bị giày vò bởi các vết thương, bởi tuổi tác và cả những nỗi niềm về hoàn cảnh gia đình. Do đó, chúng tôi đều tâm niệm phải gần gũi, lắng nghe, hiểu và chia sẻ với các cụ. Đặt mình vào vị trí con cháu các cụ là cách để chúng tôi có thể chăm sóc được tốt nhất cho các cụ, như những người thân thuộc của gia đình mình” - chị Hội nói.
Với muôn vàn công việc có tên và không tên, các cán bộ ở trung tâm đều phải lưu ý từng việc nhỏ nhất, từ miếng ăn đến giấc ngủ cho các bác, các cụ. Một bữa cơm tươm tất, đúng khẩu vị, chế độ dinh dưỡng phù hợp với sức khỏe, bệnh tình của 30 người có công đang được nuôi dưỡng tại trung tâm, cũng đòi hỏi phải thức khuya dậy sớm, cân đối, khéo léo vun vén cho từng cụ. Đó là chưa kể, mỗi năm trung tâm tiếp nhận điều dưỡng khoảng 3.000 người có công (3 đợt/tháng) của các địa phương. Bằng tất cả sự sẻ chia, lòng tri ân, các cán bộ trung tâm không chỉ làm tốt nhiệm vụ của mình, tạo được lòng tin yêu của các cụ, các bác. Ông Tôn Thất Hoàng, Giám đốc trung tâm chia sẻ: “Thông qua những việc làm cụ thể, thiết thực trong nhiệm vụ chuyên môn, ý thức tự giác và tinh thần trách nhiệm của cán bộ tại trung tâm được nâng cao, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong rèn luyện đạo đức tác phong, nâng cao tinh thần trách nhiệm. Đó cũng chính là cách học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người thiết thực nhất, ý nghĩa nhất mà những đảng viên, cán bộ nhân viên trung tâm luôn tâm niệm”.
PHƯƠNG GIANG