Vùng ven mơ ước
Dù có vị trí thuận lợi khi nằm sát khu phố cổ nhưng nhiều năm qua phường Cẩm Nam dường như vẫn đứng ngoài cuộc trong sự phát triển của du lịch Hội An…
Du khách tại Ngày hội bắp nếp Cẩm Nam. Ảnh: V.L |
Có thể nhận thấy, phát triển du lịch vùng ven nhằm giảm áp lực cho phố cổ đang là chủ trương chính của Hội An những năm gần đây. Để hiện thực hóa điều này, không gian du lịch đã được mở rộng ra các vùng nông thôn đến các xã, phường lân cận như Cẩm Châu, Cẩm Thanh, Thanh Hà, Cẩm Hà…. Đặc biệt, trong chương trình kế hoạch triển khai Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Hội An giai đoạn 2015 - 2020 được UBND thành phố ban hành cuối năm 2014 khẳng định, phát triển du lịch Hội An sẽ được phân vùng theo không gian mở, có trọng điểm và mang tính chuyên đề. Ngoài phố cổ là trọng tâm sẽ tập trung hướng đến phát triển các loại hình du lịch khác mà Hội An có tiềm năng như du lịch biển - đảo, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, làng nghề… Theo đó, trong số 7 cụm du lịch được phân vùng, Cẩm Nam nằm trong hệ thống chuỗi du lịch sinh thái sông nước Thu Bồn, Cổ Cò, Đế Võng và Rừng dừa bảy mẫu Cẩm Thanh nhằm hướng đến xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng là cảnh quan vùng sông nước và các bãi nổi trên sông cũng như các công viên sinh thái, vườn sinh vật cảnh; khu dã ngoại cắm trại ngoài trời….
Cẩm Nam chỉ mới được nhắc đến trong những năm gần đây bằng các Ngày hội bắp nếp. Dù vậy, đây vẫn là sản phẩm du lịch “lạ”, đem hương vị đồng quê để hấp dẫn du khách. Không chỉ để “ăn” bắp hay đẩy mạnh đầu ra cho nông sản đặc trưng vùng miền mà khách du lịch sẽ được tìm hiểu lịch sử vùng đất qua những nét văn hóa miền quê. Ông Nguyễn Sự - Bí thư Thành ủy Hội An khẳng định, việc tổ chức Ngày hội bắp nếp là ý tưởng rất đúng đắn nhằm hướng đến xây dựng một sản phẩm du lịch đặc thù, tạo sinh kế mới cho người dân, để bất kỳ người dân nào cũng có thể giàu lên từ cây bắp và bằng chính nghề trồng bắp. “Hội An phải xây dựng những sản phẩm du lịch độc đáo “không giống ai” mới có thể thu hút khách, vì vậy việc tổ chức Ngày hội bắp nếp không chỉ giúp hình thành sản phẩm du lịch mới cho Hội An mà còn là cơ hội để thúc đẩy hoạt động thương mại dịch vụ các vùng ven như Cẩm Nam cũng phát triển” - ông Sự nói.
Hàng quán ở Cẩm Nam thường có các món ăn dân dã như chè bắp, bánh đập, hến trộn... |
Thực tế, những năm qua thương mại, dịch vụ, du lịch Cẩm Nam chỉ chiếm tỷ trọng tương đối trong tổng cơ cấu ngành địa phương (năm 2014 khoảng 32%, doanh thu trên 55 tỷ đồng). Do vậy, ngoài việc thúc đẩy xây dựng thương hiệu bắp theo hướng du lịch thì mục tiêu của phường những năm tới là tạo nên một sản phẩm du lịch có giá trị thương mại dịch vụ cao, góp phần cải thiện đời sống người dân, nhất là những hộ trồng bắp. “Năm 2014 dù có trên 26 nghìn lượt khách tham quan Cẩm Nam nhưng thật ra nguồn thu nhiều nhất vẫn là lưu trú và kinh doanh thương mại ăn uống ven sông” - ông Phạm Kiêu, Phó Chủ tịch UBND phường Cẩm Nam cho biết. Hiện Cẩm Nam có khoảng 40 homestay cùng một số hàng quán ăn chủ yếu phục vụ khách du lịch như chè bắp, bánh đập, hến trộn... Dự kiến thời gian tới sẽ tập trung phát triển thêm một số điểm đến tham quan như âu thuyền, chài lưới, thúng chai trên sông… nhằm tạo sinh kế mới cho nhiều hộ dân cũng như mang đến sự phát triển đồng đều cho Cẩm Nam.
Dù có rất nhiều thuận lợi của một vùng ven cạnh Hội An, vấn đề khó khăn nhất của Cẩm Nam hiện nay đang đối diện chính là hạ tầng giao thông cách trở khi cầu Cẩm Nam quá nhỏ hẹp nên xe trọng tải lớn khó chở khách qua. “Thành phố quy định giới hạn xe qua cầu chỉ có trọng tải dưới 8 tấn và trên 30 chỗ ngồi dẫn đến một số doanh nghiệp khách sạn lưu trú tại Cẩm Nam như khách sạn Phố Hội, Vạn Lợi… dù địa thế rất đẹp nhưng không thể đón khách được. Nếu Cẩm Nam có cây cầu lớn hơn thì sẽ thuận tiện hơn cho việc vận chuyển khách và phát triển du lịch nơi đây rất nhiều” - ông Kiêu lý giải.
VĨNH LỘC