Đủ kiểu phân trần…
Có dịp đi trên nhiều tuyến xe, đủ các loại phương tiện, Sáu Còi tôi “hóng hớt” được một vài câu chuyện của người dân, mà Sáu Còi cũng muốn chia sẻ…
1. Đi trên tuyến xe buýt 2 chiều Tam Kỳ - Núi Thành, hành khách phàn nàn về giá vé xe 14 nghìn đồng/lượt. Họ “méc”: có một xe - là người nhà cán bộ Hợp tác xã Dịch vụ vận tải và kinh doanh tổng hợp TP.Tam Kỳ, thu trội 1.000 đồng, cho tròn số 15.000 đồng/lượt. Nhiều bà con có sẵn tiền lẻ 14.000 đồng theo giá niêm yết, nhưng cũng không được, nhất định phải đong đủ 15 nghìn đồng/lượt. Kỳ lạ là chỉ riêng xe được cho của người nhà cán bộ Hợp tác xã Dịch vụ vận tải và kinh doanh tổng hợp Tam Kỳ. Đã lên xe rồi, vì một nghìn đồng kỳ kèo, hành khách ngại xuống xe để bắt tuyến khác. Chênh nhau 1.000 đồng không nhiều, nhưng với những hành khách thường xuyên phải dùng xe buýt, gom góp lại một tháng, trở thành số tiền lớn đối với họ. Thế nên họ ý kiến cũng phải!
2. Thêm chuyện xe chạy hợp đồng và xe chạy tuyến cố định. Lần này ý kiến phàn nàn là của cánh xe buýt Đà Nẵng - Tam Kỳ. Họ “tố” rằng, có một phương tiện ô tô dạng xe tư nhân, xe hợp đồng nhưng… chạy như tuyến cố định từ Đà Nẵng vào Tam Kỳ. Mỗi sáng sớm xe này hợp đồng đón khách từ Đà Nẵng, và cũng bắt khách dọc đường. Thật ra đối với nhiều hành khách mà nói, họ hài lòng với dịch vụ này. Bởi, xe đi sớm, đáp ứng nhu cầu của phần đông cán bộ, nhân viên vào trung tâm tỉnh lỵ làm việc đúng giờ quy định. Thành thử, lượng khách cũng không nhỏ với giá tiền phải chăng. Còn với cánh xe buýt chạy tuyến cố định, phân trần như vậy là cạnh tranh không lành mạnh. Vì đã là xe hợp đồng, trong khi không phải chịu đóng mức phí như họ, sao lại còn bắt khách dọc đường?
3. Mới đây nhất Sáu tôi nghe được là thắc mắc của người dân sống dọc theo tuyến quốc lộ 1 vừa mới được mở rộng xong. Họ nói không biết có quy định về khoảng cách giữa dải phân cách đi ngang qua khu vực dân cư. Thường, các dải phân cách qua khu dân cư là dải phân cách mềm, có thể trồng cây xanh, còn đằng này dải phân cách với diện tích rất hẹp, bằng kim loại phân ngang hai làn đường. Điều phiền toái đầu tiên là dưới ánh nắng mùa hè, ánh sáng phản quang từ dải phân cách kim loại chiếu trực tiếp vào nhà dân, với những hộ buôn bán gặp nhiều khó khăn. Điều phiền toái thứ hai là phân bổ mở lối đi cho tiện lưu thông giữa các dải phân cách. Đơn cử như đoạn đi ngang thị trấn Nam Phước mà Sáu tôi nhìn thấy. Ngay ngã ba tất nhiên được mở lối, hướng bắc 20m có trạm xăng được mở lối, nhưng về hướng nam 20m có ngả rẽ tuyến đường liên xã lại không có. Thành thử, từng đoàn người lưu thông từ hướng bắc vào, hoặc từ hướng tây huyện Duy Xuyên xuống, tất cả đều “sang ngang” giữa trục ngã ba đường và ngược chiều. Đặc biệt, đối tượng học sinh khá nhiều. Thêm nữa là sự phàn nàn của những hộ dân dọc ven quốc lộ phần lớn buôn bán hộ gia đình, quốc lộ mở rộng cộng thêm dải phân cách đã gây rất nhiều khó khăn. Điều người dân mong muốn là việc phân bố hợp lý, đừng gây “tréo ngoe”, dẫn đến nỗi bất an, sợ hãi mỗi khi lưu thông trên đường.
SÁU CÒI