Khi người dân đồng thuận
Trong khi một bộ phận người dân liên tục nêu yêu sách, cản trở thi công mở rộng quốc lộ 1, thì cũng tại Thăng Bình, rất nhiều hộ dân trong vùng dự án đã gương mẫu chấp hành chủ trương chung, sẵn sàng bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án.
Bàn giao mặt bằng sớm, QL 1 đoạn qua nhà thầy Cư đã hoàn thiện mặt đường. Ảnh: C.T |
Tháng 6.2014, vợ chồng thầy giáo hưu trí Bùi Văn Cư ở tổ 7, thị trấn Hà Lam đã bàn giao mặt bằng gần 50m2 đất ở cho chủ đầu tư, nhà thầu để triển khai dự án mở rộng quốc lộ (QL) 1. “Hôm nay, lãnh đạo thị trấn đến tuyên truyền vận động, ngày hôm sau tôi chặt 2 cây tỏa bóng mát trước nhà ngay lập tức và thuê xe chở đến cho nhà người khác làm củi. Còn chuyện nhận tiền, vợ chồng để đó tính sau” - thầy Bùi Văn Cư chia sẻ. Quan điểm của thầy Cư, con đường mở ra sẽ giải quyết nhiều vấn đề như chỉnh trang đô thị, thuận lợi cho buôn bán và hạn chế tai nạn giao thông. Thầy Cư nói: “Thấy tôi bàn giao sớm, một số người xì xào chắc gia đình này “ăn gì” của nhà thầu rồi nên mới ra như thế. Song “cây ngay không sợ chết đứng”, mình hành động dứt khoát vì thấy được trách nhiệm của công dân. Chấp hành chủ trương của Nhà nước không những vì lợi ích chung mà còn vì chính bản thân”. Ở thị trấn Hà Lam, hộ bà Trương Thị Nhạn, trú tổ 7 hay Nguyễn Văn Hùng và Nguyễn Thị Mai cùng trú tổ 12 cũng là một trong những gia đình đi đầu trong việc bàn giao mặt bằng. Chẳng hề nghĩ chuyện “a dua” theo một số người tỏ vẻ chống đối, họ còn đứng ra động viên các hộ khác cần phải tuân thủ luật pháp, đừng đòi hỏi quá đáng những gì không thuộc về mình.
Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Thăng Bình - ông Nguyễn Đình Chi thông tin, hôm nay (20.5), địa phương tổ chức cưỡng chế các hộ Nguyễn Ngọc Cương, Trần Thanh Hùng (thôn Thanh Ly 1, xã Bình Nguyên). Sau đó, huyện sẽ tiếp tục cưỡng chế hộ ông Nguyễn Em trú tổ 12 (thị trấn Hà Lam). Cùng nằm trong danh sách tống đạt quyết định cưỡng chế đợt đầu, hộ ông Nguyễn Thanh Tuấn (thôn Thanh Ly 1) đã nhận tiền, bàn giao mặt bằng và nhà thầu đang tổ chức thi công. Đối với hộ Nguyễn Đình Tuấn, địa phương đang cân nhắc lại thời điểm bởi hiện tại mẹ của ông này đang bị bệnh rất nặng phải nằm thở oxy. Tiếp tục công tác đả thông tư tưởng, lãnh đạo huyện Thăng Bình đã, đang phân công tổ chức đối thoại trực tiếp lần cuối cùng và sẽ kết thúc trong hôm nay (20.5). Theo đó, Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Ngữ đối thoại với nhóm 12 hộ dân có thửa đất hoang; Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Hương đối thoại nhóm 17 hộ đòi bồi thường đất ở, 2m lề và không chịu nhận tiền bồi thường, hỗ trợ; Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thức đối thoại với nhóm 13 hộ đòi bồi thường đất ở, 2m lề và chưa chịu nhận tiền; Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Húy đối thoại nhóm 8 hộ tại thị trấn Hà Lam cũng đòi bồi thường đất ở và 2m lề. Thăng Bình đang củng cố hồ sơ và chuẩn bị tống đạt quyết định cưỡng chế các hộ ở xã Bình Nguyên gồm: Dương Đức An, Nguyễn Bạn, Nguyễn Ngọc Lai, Dương Thị Tuyết (thôn Thanh Ly 1), Nguyễn Đình Thân (thôn Liễu Trì). |
Về “điểm nóng” Bình Nguyên, chúng tôi tiếp xúc với các hộ dân Nguyễn Thành Long, Phan Sự (trú cùng tổ 2, thôn Liễu Trì), Phan Thị Lại, Nguyễn Hoàng (sống ở tổ 8, thôn Thanh Ly 1) - những tấm gương điển hình tuân thủ tốt chủ trương giải phóng mặt bằng phục vụ dự án mở rộng QL 1. Bà Phan Thị Lại cho biết, vẫn còn nhiều hộ dân trong thôn dây dưa chưa chịu nhận tiền và đòi hỏi quyền lợi lung tung. Để bây giờ, những gia đình chấp hành nghiêm chỉnh lại chịu “lây” điều xấu. Phía trước đường, nhà thầu đã lên cấp phối đá dăm, nhưng do chưa đủ chiều dài cần thiết cho quy trình triển khai thảm bê tông nhựa vì vướng mặt bằng từ phía bà con hàng xóm nên xe chạy qua là bụi bay tứ tung. “Gần 1 năm trước, tôi được chính quyền địa phương phổ biến chủ trương thực hiện dự án mở rộng QL 1. Thấy mẹ còn lơ mơ, những đứa con động viên, giải thích thêm vậy là tôi nhất trí “trao” 87m2 đất ở. Từ tận tâm can, tôi mong ai còn cố chấp hãy mau hợp tác. Mình có khiếu nại khiếu kiện thì để sau tòa án sẽ giải quyết. Mà tôi thấu hiểu, Nhà nước sẽ không để thiệt thòi ai bao giờ” - bà Lại nói.
“Để vậy chết sao” là câu nói đầu tiên mà ông Nguyễn Hoàng (tổ 8, thôn Thanh Ly 1) lý giải. Sống ven QL 1, ông Hoàng lúc nào cũng thấp thỏm khi chứng kiến nhiều tai nạn giao thông. Bởi tuyến giao thông huyết mạch quốc gia này quá hẹp, phương tiện qua lại đông đúc mà ý thức tuân thủ quy tắc khi tham gia giao thông của bà con chưa cao nên tai nạn xảy ra như cơm bữa. Ông Hoàng nói: “Bởi vậy khi nghe mở đường tôi rất ủng hộ, hy vọng sẽ giảm được vấn nạn giao thông”. Ngoài việc tiên phong nhận đền bù theo quy định, vợ chồng ông Hoàng còn rất ủng hộ để việc thi công đoạn đường qua trước nhà tiến hành nhanh hơn. Ông cho biết, vẫn có người giả mạo đề nghị giúp gia đình khiếu kiện đền bù, nhưng theo ông Hoàng: “Với những chính sách chung thì luôn cần sự ủng hộ của người dân, vì chung cuộc hơn là cái lợi trước mắt của một vài cá nhân nào”.
Bên cạnh một số hộ dân còn chây ỳ bàn giao mặt bằng, cố tình cản trở không cho thi công khiến công trình trọng điểm quốc gia qua địa bàn Thăng Bình dang dở, địa phương này có rất nhiều tấm gương sáng xứng đáng được trân trọng. Tiếc rằng, vẫn còn đó một số người dân chỉ vì quyền lợi cá nhân mà quên đi lợi ích của cả cộng đồng.
CÔNG TÚ