Hừng đông từ phía biển

Ghi chép của PHƯƠNG GIANG - XUÂN KHÁNH 17/05/2015 08:27

Nếu muốn một lần nhìn thấy mặt trời lặn giữa những cơn sóng đỏ rực dưới ráng chiều hay buổi bình minh lấp lóa nắng trên những ruộng tỏi xếp thành bàn cờ ở chân ngọn Thới Lới, thì Lý Sơn sẽ là trải nghiệm đủ để mỗi bàn chân bước lên tàu đều ngoái nhìn với lời hẹn, ngày nào đó sẽ trở lại.

Cánh đồng tỏi dưới chân ngọn Thới Lới, Lý Sơn.Ảnh: KHÁNH GIANG
Cánh đồng tỏi dưới chân ngọn Thới Lới, Lý Sơn.

Giọt mồ hôi trên cát

Sự rộn ràng của cảng Sa Kỳ, điểm cuối đất liền để đến với “vương quốc tỏi” Lý Sơn, càng gia tăng cảm giác nôn nao vượt sóng trong lòng chúng tôi sau hành trình dài cho kịp giờ ra đảo. Khách đến và đi, không còn đơn thuần là con dân Lý Sơn và những thương lái như ngày cũ mà phần đông là khách du lịch từ thập phương đổ về. “Từ Tết âm lịch tới giờ, cuối tuần nào cũng chật ních khách”, anh nhân viên soát vé phân trần với dòng người đang chen chân đổ ra cầu cảng. Tàu An Vĩnh 01 có sức chứa khoảng 300 hành khách, nhưng nhiều hôm phải tăng cường thêm vài lượt đi về cùng 2 tàu nữa mới đủ phục vụ nhu cầu đến và đi ở Lý Sơn. Cuối tháng Tư, nắng đẹp, gió biển lồng lộng và sắc xanh ngọc bích miên man quanh mình đủ để quên đi cảm giác khó chịu sau những lần tàu chồm lên mặt sóng. Khép lại hải trình chỉ kéo dài chừng một giờ đồng hồ, đảo đón khách bằng những lá cờ đỏ rực đang phần phật bay trên vô số nóc tàu neo ở cảng cá cùng sự ồn ào vốn dĩ của nơi “đông vui” nhất trên mảnh đất vỏn vẹn hơn hai vạn cư dân này.

Trong vô số những khuôn mặt sạm đi vì nắng gió mà tôi đã gặp ở cầu cảng Lý Sơn, có quá nửa là những người đàn bà mà giọt mồ hôi rơi đều hai chỗ: cảng cá và cánh đồng tỏi. Chồng đi biển, họ ở nhà với ruộng tỏi và những lo toan. Đến độ chồng về, lại tất tả bán cá, vá lưới, chuẩn bị cho chuyến biển tiếp theo giữa muôn trùng sóng ngoài kia. “Nắng tỏi, mưa hành”, hết mùa tỏi, họ trồng hành, chạy chợ nuôi con, gánh tất bật áo cơm chạy đi chạy về giữa các chuyến tàu ra vào đảo. Đận trước, thời thuyền gỗ còn là “cuống rốn” nối đảo với đất liền, thi thoảng lắm những người đàn bà biển mới bước ra khỏi cái guồng quay lam lũ đó để “đi Quảng” (đi đất liền – PV) được một lần. Rồi lại bán mặt, bán lưng cho những luống tỏi, luống hành lúp xúp khó nhọc trên cát trắng, đôi lúc bán cả nước mắt và những đêm trắng đợi bóng chồng. Bởi trong số những đàn ông đi biển, có người không bao giờ trở lại…

Chúng tôi ra thăm cánh đồng tỏi trải dài dưới chân xóm mới. Những ruộng tỏi ngăn cách nhau bằng đá. Đá tầng tầng lớp lớp, ngăn cát chảy, ngăn đồi dốc thành những thửa ruộng bậc thang trồng tỏi, trồng hành. Bình quân, mỗi gia đình có xấp xỉ 100 -150 mét vuông đất, nằm chen chúc nhau dưới chân những núi, những “hòn”. Cây hành, cây tỏi mọc lên, tưới tắm bằng chính những giọt mồ hôi của những người dân đảo. Có cảm giác ruộng tỏi, ruộng hành như tấm chiếu manh, trở thành chỗ dựa an lành dẫu khó nghèo, dẫu cuộc mưu sinh của người đàn ông trên biển đầy rủi may, bất trắc. Vậy đó, nên họ vần từng viên đá núi be bờ, đưa đá kè hàng chục mét đất để đào giếng lấy nước tưới. Cứ nhìn những giếng nước ở Lý Sơn thì rõ, không ở đâu đào giếng lại “hoành tráng” như ở Lý Sơn. Gia đình anh Nguyễn Quảng (thôn Tây, xã An Vĩnh, Lý Sơn) làm một giếng tưới, tốn xấp xỉ một trăm năm mươi triệu đồng. Là gì, nếu không phải mồ hôi của ròng rã gần tháng trời đào đất, xếp đá để lắng lọc, để chắt chiu tưới tắm cho những ruộng tỏi, ruộng hành của người dân đảo?

“Sống trọn 24 giờ”

Khó nghèo vậy đó, trăm năm rồi đó, vậy mà Lý Sơn bừng tỉnh chỉ bằng một đổi thay mà bao đời dân đảo chờ đợi: điện. Điện về đến Lý Sơn, là cuộc đổi đời bắt đầu bừng lên. Bây giờ dân đảo đã có quyền “sống trọn 24 giờ”, như quả quyết của anh bạn là dân bản địa: “Từ giờ, đố ông già nào dám nói nhậu tới khi tắt điện thì… nghỉ”. Điện sáng cả ngày cả đêm, bảng hiệu bắt đầu mọc chen chúc ở ngã ba, ngã tư đường. Rất nhanh, cuộc đổ bộ của công nghệ thông tin vào trường học, các cơ quan công sở và đời sống người dân cũng bắt kịp với sự rộn ràng đó. Có điện, khách du lịch đổ về ngày một đông. Dịp lễ vừa qua, chính quyền sở tại đã phải mở cổng trường học làm nơi tá túc cho hàng nghìn du khách, khi hệ thống khách sạn, nhà nghỉ và homestay của người dân không còn đủ sức chứa. Ông Đãi, chủ khách sạn Lý Sơn Central nói với chúng tôi rằng trước đây, ông đổ vào Lý Sơn 10 tỷ đồng, nhưng đến hè không dám ra ở vì… nóng. Có điện chưa đầy một năm, con số đầu tư lên đến 25 tỷ đồng, từ Tết âm lịch đến nay không một ngày nào không “cháy phòng”. Bữa cơm của người ở đảo cũng không còn im lặng với những lo toan như trước, mà là vô vàn tin tức về đất liền, về cuộc sống ngoài kia… Điện mang về một cuộc “cách mạng” cho dân Lý Sơn, để dân đảo bớt đi những nhọc nhằn lầm lũi. Ông Phạm Hoàng Linh, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn không giấu niềm vui, khẳng định với chúng rồi rằng nơi này rồi sẽ đông khách hơn nữa. Số lượt khách đã và sẽ còn vượt dự báo. Bởi, từ 5 khách sạn nhà nghỉ trước tết, chỉ sau bốn tháng, nay đã lên 13 khách sạn nhà nghỉ và 20 cơ sở lưu trú trong dân, với công suất hơn 200 phòng. Không đủ, vì du khách cứ ùn ùn kéo đến. Thành ra, từng ngõ từng nhà ở Lý Sơn, người ta bắt đầu nghĩ và nói nhiều hơn về du lịch, một giấc mơ mà chỉ mới năm ngoái thôi, còn vời vợi xa với dân đảo.

Vụ mùa mới trên cánh đồng tỏi.
Vụ mùa mới trên cánh đồng tỏi.

Trong niềm hân hoan còn đang kéo dài mãi đó, chừng như nụ cười trở lại thường trực hơn,  sáng lên trên khuôn mặt sạm đen của những người đàn bà ở đảo. Chị Trương Thị Hoa, ở thôn Đông, xã An Hải nói với chúng tôi rằng, điện trở thành “nhân công không biết mệt”. Thay vào vòng chu chuyển sáng nấu cơm, chạy chợ đón tàu, rồi tưới hành tưới tỏi, lại đón con rồi còng lưng với tỏi, nay điện làm giúp hơn nửa phần việc. Đã có nồi cơm điện, rồi ù chạy ra đồng bật công tắc hệ thống tưới tự hành, canh giờ ra tắt máy, khỏe như thả được đôi quang gánh quanh năm cong oằn trên vai. “Chừ khỏe re rồi. Có điện, có máy lọc nước, có tủ lạnh, nồi cơm điện, tưới tiêu cũng đứng ngó chán chê rồi về. Đỡ khổ đi một nửa” - chị Hoa cười.

Điện mang về 24 giờ trọn vẹn, Lý Sơn thành “người ngủ muộn” sau dặm dài hàng trăm năm. “Không chỉ chuyện du lịch đâu. Chúng tôi còn đang nghĩ đến một nhà máy chế biến tinh dầu tỏi, một cơ sở chế biến cá hộp. Ngư trường rộng lớn kia, những cánh đồng tỏi kia đã chờ điện rất lâu rồi…”- ông Huỳnh Lũy, Bí thư Đảng ủy xã An Hải nói với chúng tôi. Những nghĩ suy ấy của ông Bí thư xã là những tính toán đầu tiên cho cuộc thức tỉnh của Lý Sơn, từ bây giờ.

Ráng chiều đỏ rực trên mặt biển. Hoàng hôn ở đảo, phía duy nhất có thể thấy mặt trời lặn xuống sau đường chân trời. Tôi để ý thấy, nhiều nhà vẫn giữ thói quen ăn cơm tối từ rất sớm - như ngày chưa có điện. Nhưng chắc chắn, đêm Lý Sơn không ngủ như giấc ngủ hàng trăm năm đã qua. Một “hừng đông” mới, hừng đông từ phía biển, đang bắt đầu…

Ghi chép của PHƯƠNG GIANG - XUÂN KHÁNH

Ghi chép của PHƯƠNG GIANG - XUÂN KHÁNH