Ước mơ của đôi vợ chồng khiếm thị

XUÂN KHÁNH 15/05/2015 09:32

Bị mù, nhưng vợ chồng anh Trần Ngọc Quang và chị Nguyễn Thị Thu luôn giúp đỡ người cùng cảnh. Cơ sở Xoa bóp - xông hơi “Bàn tay thay cho ánh mắt” nằm trên đường Cửa Đại (Hội An) là nơi anh chị thực hiện điều đó.

Hai mảnh đời

Trưa, vãn khách. Chị Thu kể, mình vốn lành lặn từ lúc mới sinh ra ở làng quê nghèo Duy Hải (Duy Xuyên). Năm 3 tuổi, bệnh sốt phát ban và sởi đã cướp đi ánh sáng của đôi mắt chị. Tuổi thơ khép lại từ đó. Năm 1995, chị ra Đà Nẵng học chữ nổi, được 10 năm thì trường có tổ chức lớp học massage và chị đăng ký học. “Toàn bộ chi phí học đều được miễn hết, sau 6 tháng là tôi hoàn thành khóa học. Nhưng phải thêm 2 năm chữ nổi nữa, đường học hành của tôi mới xong xuôi” - chị Thu cho biết.

Có chứng chỉ hành nghề massage trong tay, nhưng vì khiếm thị nên chị Thu gặp nhiều khó khăn khi xin việc. Đành rời Đà thành, lặn lội vào Nha Trang để tìm chốn mưu sinh vào năm 2008. Tại đây, chị gặp anh Quang quê ở Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận). Hai mảnh đời đau khổ, vá víu dìu nhau trong hành trình cuộc đời đầy bóng tối. Anh Quang nhớ lại: “Hồi mới gặp nhau, tuy cả hai đều mù lòa nhưng vẫn mặc cảm với nhau; đứa thì nghĩ mình sẽ làm khổ “người ta”, kẻ thì nghĩ, liệu rằng mình có lo được cho “họ” hay không. Nhưng rồi thương nhau quá, bất chấp tất cả, lấy đó làm động lực trong cuộc sống”. Cũng như chị Thu, từ lúc mới sinh anh Quang vẫn lành lặn. Năm 1975, đất nước thống nhất với ngổn ngang khói súng. Khi ấy anh 6 tuổi, nghịch đạn, khói thuốc bay vào mắt dẫn đến mù lòa. Anh không được học nhiều chữ nổi. Còn nghề massage thì đến năm 2005 mới qua một lớp đào tạo 6 tháng.

Anh Quang massage cho khách. Ảnh: XUÂN KHÁNH
Anh Quang massage cho khách. Ảnh: XUÂN KHÁNH

Sau một năm quen nhau, hai người nên nghĩa vợ chồng. Đến năm 2011, bé gái đầu lòng kháu khỉnh của anh chị chào đời. Nghĩ, ở lại làm không đủ ăn. Cả gia đình dắt díu nhau về đất Quảng, chọn phố cổ Hội An làm nơi “cắm dùi”. Trước đã khó khăn, giờ càng thêm khổ cực. Khó lắm mới xoay xở đồng vốn để mở cơ sở, thì gặp ngay khúc mắc mới là gian nan thuê mặt bằng và xin giấy phép do cả hai vợ chồng đều khiếm thị. Phải trải qua nhiều gian truân, anh chị mới có được cảm giác hạnh phúc vào ngày cơ sở của mình được khai trương và đi vào hoạt động.

Giúp người cùng cảnh

Từng phải trải qua bao khó khăn mới hòa nhập được với cộng đồng, nên khi ổn định chỗ làm, anh chị đã nghĩ ngay đến việc giúp đỡ những người cùng hoàn cảnh. “Mình đi qua rồi mình biết, người khiếm thị xin việc khó lắm, nhiều khi chỗ mình xin việc còn bị xúc phạm nữa. Hồi cơ sở mới mở, có những người lành lặn đến xin làm nhưng vợ chồng không đồng ý. Rồi nhờ người quen, hay gọi một số anh em làm chung trước đây về làm. Cơ sở mình nhỏ, chỉ có 2 phòng và 7 giường nên chỉ có thể tạo việc làm cho 4 người cùng cảnh ngộ” - anh Quang cho hay.

Anh Vinh, một người cùng quê Bình Thuận với anh Quang cho biết, trước khi về cơ sở anh Quang làm, anh đi xin việc rất nhiều nơi. Chỗ nào anh nộp đơn cũng nhận được cái lắc đầu, thậm chí là nói lời nặng nhẹ. Cả 4 người làm ở đây đều được vợ chồng anh Quang lo cho chỗ ở, thậm chí anh Hiếu (quê Quảng Ngãi), tuy đã lập gia đình nhưng vì khó khăn, nên anh Quang vẫn luôn sẵn lòng giúp đỡ. Anh Vinh tâm sự: “Thân khiếm thị, lại lang bạt xa quê, nên khi được vợ chồng chị Thu cưu mang, mình thấy ấm lòng lắm. Dần dần tự tin hòa nhập với cộng đồng, trừ ăn uống, tính ra mỗi tháng mình kiếm cũng được vài ba triệu đồng, đủ lo cho bản thân và gửi về giúp gia đình ít nhiều. Làm nghề này, tuy không vất vả lắm, nhưng nhiều lúc lâm vào cảnh dở khóc dở cười vì nhiều khách cũng đòi hỏi trong khi mình còn nhiều hạn chế. Nhưng rồi nhờ được anh Quang, chị Thu bên cạnh chia sẻ nên dần mình đã chững chạc hơn, tự tin với nghề”.

Dù vậy, chị Thu cho biết ước mơ của vợ chồng chị vẫn còn dang dở. Chị muốn được giúp nhiều người hơn, nhưng gặp khó trong mở rộng cơ sở và phải “gánh” nhiều chi phí khác. Thêm nữa, khách đến cơ sở thường là khách quen, và chủ yếu là giúp đỡ người khiếm thị. Lượng khách này tuy ổn định, nhưng không đủ nếu mở rộng cơ sở. Chị Thu cho biết, cơ sở cũng hay đón khách nước ngoài, họ đến vì khâm phục sự vượt khó của anh em khiếm thị. Chị còn khoe, cách đây một vài năm, có người khách đến từ Úc tên là Jennifer, thời gian lưu lại ở Hội An là khách “ruột” của cơ sở. Nhận thấy sự khó khăn, nhất là trong giao tiếp với người nước ngoài của nhân viên, vị khách này đã tặng cơ sở 1 bảng hiệu với đầy đủ thông tin bằng tiếng Anh. Nhờ bảng hiệu này, khách nước ngoài đến nhiều hơn và việc giao tiếp thuận tiện hơn.

XUÂN KHÁNH

XUÂN KHÁNH