Vải thiều Việt Nam rộng đường xuất ngoại
Một tín hiệu vui cho nỗ lực đưa trái cây Việt Nam xuất ngoại khi mới đây, ngày 12.5, báo chí Australia đồng loạt đăng tải thông tin cho biết Bộ Nông nghiệp nước này đã thông qua quyết định nhập khẩu vải thiều từ Việt Nam.
Đài ABC đưa tin sau 12 năm kể từ lần đầu tiên xin cấp giấy phép, Việt Nam có thể xuất khẩu vải thiều tươi sang Australia. Bộ Nông nghiệp Australia đã nhất trí cho phép nhập khẩu vải thiều đã được xử lý vệ sinh an toàn thực phẩm của Việt Nam và sẽ thông báo cho các nhà nhập khẩu trong nước về quyết định này. Quyết định của Australia được đưa ra trong bối cảnh Việt Nam chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch vải thiều, bắt đầu trong vài tuần tới và kéo dài đến giữa tháng 7.2015. Các lô hàng vải thiều của Việt Nam được phép xuất khẩu sang Australia bằng đường không hoặc đường biển sẽ phải qua kiểm dịch khi tới nước này. Chính phủ Việt Nam hy vọng đây sẽ là lần đầu tiên có thể xuất khẩu nhiều loại trái cây nhiệt đới, trong đó có xoài và thanh long. Derek Foley - người đứng đầu Hiệp hội trồng vải Australia ở khu vực Electra, bang Queensland cho biết ông không lo ngại về việc hàng nhập khẩu của Việt Nam cạnh tranh với hoa quả địa phương.
Vải thiều Việt Nam rộng đường xuất ngoại. (Ảnh: Internet) |
Một số báo khác dẫn lời ông Foley nhận định việc nhập khẩu vải từ Việt Nam giúp Australia đa dạng các mặt hàng trái cây nhập khẩu, nhưng vấn đề vệ sinh, khử trùng phải được đảm bảo. Theo ông Foley, danh tiếng của quả vải nhập khẩu đã bị ảnh hưởng khi Trung Quốc xuất khẩu vải được xử lý bằng nhiệt hơi vào Australia năm 2005. Ông Foley nhận định: “Xử lý nhiệt hơi không thích hợp với vải quả và nó được chuyên chở bằng thuyền. Thật không may, toàn bộ thương vụ đã sụp đổ vì cách xử lý nhiệt hơi này và Australia vẫn đang cố gắng để tiếp cận được thị trường Trung Quốc. Chúng tôi đang yêu cầu cân nhắc biện pháp chiếu xạ và sắp xếp đối ứng”.
Ngành công nghiệp vải quả của Australia mang lại giá trị 20 triệu USD mỗi năm, xuất khẩu sản phẩm đã được chiếu xạ đến New Zealand và gần đây đã được chấp thuận vào thị trường Mỹ. Ông Foley cho biết ngành công nghiệp vải quả của Australia không nhanh chóng mở rộng sản xuất, nhưng điều đó sẽ thay đổi nếu họ tiếp cận được thị trường Trung Quốc. Thực tế, ngành vải quả Australia đang đặt mục tiêu tận dụng các cơ hội xuất khẩu mới, đặc biệt là trong khu vực châu Á.
Thêm một tín hiệu vui nữa khi Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cho biết sẽ giảm 20% giá cước vận tải cho mặt hàng vải thiều xuất sang thị trường Pháp. Nhằm hỗ trợ và khuyến khích nguồn hàng vải quả tươi xuất sang thị trường Pháp trong mùa vải năm 2015 và thúc đẩy việc mở rộng tiêu thụ xuất khẩu mặt hàng này sang các thị trường khác tại châu Âu trong những năm tới, Vietnam Airlines đề xuất mức giá cước vận chuyển cho nguồn hàng vải thiều đi Pháp là 1,7USD/kg (tương đương giảm 20% so với mức giá cước hiện hành đang áp dụng), như vậy giá bao gồm phụ phí nhiên liệu và phụ phí bảo hiểm khoảng 2,95USD/kg.
Trước đó, theo thông tin từ Bộ Công Thương, phía Mỹ đã đồng ý kiểm tra và cấp hai mã số vùng trồng vải xuất khẩu đi Mỹ cho 20ha vải thiều của Hải Dương. Như vậy, vải thiều của Việt Nam đang rộng đường xuất ngoại.
AN XUYÊN (theo ABC news & Vietnamnews)