Chống xói lở bờ biển Cửa Đại
Việc tìm giải pháp phòng chống bồi lấp cửa sông, chống sạt lở và tôn tạo bờ biển Cửa Đại (Hội An), ứng dụng công nghệ vào giám sát diễn biến đường bờ biển… là chủ đề của buổi hội thảo khoa học mới đây, do Trường Cao đẳng Công nghệ, kinh tế và thủy lợi miền Trung phối hợp với Đại học Tohoku (Nhật Bản) tổ chức.
|
Quang cảnh buổi hội thảo tìm giải pháp chống xói lở bờ biển Cửa Đại.Ảnh: H.L |
GS-TS. Lương Phương Hậu (Đại học Xây dựng Hà Nội): “Cần có giải pháp tổng hợp bảo vệ bờ biển Cửa Đại”
Cửa Đại, vùng hạ lưu của sông Thu Bồn là cửa sông có nhiều đặc tính riêng, không giống những cửa sông khác ở miền Trung. Đó là hiện tượng uốn khúc, cắt thẳng luân phiên trong đoạn sông từ Giao Thủy (Đại Lộc) đến Câu Lâu (Duy Xuyên), là hiện tượng đảo trôi có tính du đãng ở đoạn nhập lưu từ Câu Lâu đến Hội An, sự chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng bắc nam của mũi cát trong đoạn cửa sông. Cũng như là biến động vào ra, khắc nhập, khắc xuất (lúc tách ra khỏi bờ ra xa, lúc ghép vô trở lại) của bar chắn cửa hình móng ngựa, đặc biệt là tình trạng sạt lở đột xuất của bờ biển, bãi biển bắc và nam cửa sông… Thông thường, sẽ có 5 giải pháp chống sạt lở cửa sông, bờ biển như: gia cố bờ, triển khai mỏ hàn biển, làm đê giảm sóng, nuôi bãi và giải pháp được ứng dụng nhiều ngày nay là tổ hợp nhiều giải pháp lại với nhau.
Việc bảo vệ bờ biển Cửa Đại, bảo vệ Hội An trước nguy cơ sạt lở nặng; trả lại cho phố cổ những bãi cát tuyệt đẹp thời xa xưa là điều hoàn toàn có thể thực hiện được, nếu có giải pháp tổng thể dựa trên cơ sở nghiên cứu khoa học thực tiễn, có sự hợp tác trong nước với các chuyên gia nước ngoài cũng như huy động tốt nguồn lực xã hội hóa… Với bài toán phòng chống sạt lở bờ biển Cửa Đại, phải làm sao để hiệu quả, nhưng không quá đắt, phải đảm bảo được các yếu tố: kỹ thuật, kinh tế và huy động được nguồn lực xã hội hóa. Một yếu tố nữa là việc triển khai công trình “cứng” như đê, kè, mỏ hàn… phải đảm bảo không làm mất đi mỹ quan du lịch, cần bố trí sao cho công trình nằm ở dưới mực nước, còn nếu bố trí nổi thì phải đảm bảo được tính thẩm mỹ.
PGS-TS. Trần Thanh Tùng (Đại học Thủy lợi Hà Nội): “Nên bổ sung nguồn cát cho toàn bộ vùng hạ lưu Thu Bồn và khu vực Cửa Đại”
Liên quan đến giải pháp hạn chế xói lở Cửa Đại, cần tính đến phương pháp ngắn hạn và dài hạn. Về giải pháp ngắn hạn, hoàn toàn có thể thực hiện được trong nay mai, ví như giải pháp công trình xử lý xói lở, tuy nhiên, hạn chế là nếu bảo vệ được chỗ này thì sẽ gây hại cho chỗ khác. Có thể thấy, hiện tượng xói lở xuất phát từ lượng bùn cát bị thiếu hụt ở bãi biển. Vì vậy, cần bổ sung nguồn cát cho toàn bộ vùng hạ lưu và khu vực Cửa Đại. Cần kết hợp song song giải pháp công trình và công nghệ nuôi bãi ở Cửa Đại, ví như kết hợp xây dựng đập phá sóng ngầm, đập mỏ hàn đơn, đập mỏ hàn chữ T, chữ L hoặc đuôi cá… nhằm giảm năng lượng sóng, giảm lượng bùn cát thất thoát, tái tạo nhanh bãi biển… Với giải pháp nuôi bãi, khó khăn không phải là yếu tố công nghệ, mà là kinh phí, chúng ta không đủ kinh phí tái tạo bãi sau 5 năm. Vì vậy, khả thi nhất là triển khai đồng bộ cả giải pháp công trình lẫn tạo bãi, nuôi bãi…
GS-TS. Hitoshi Tanaka (Đại học Tohoku, Chủ tịch Hội Xây dựng Nhật Bản): Sẽ có chuyên gia Nhật Bản giúp Hội An giải pháp chống sạt lở
Chúng tôi xin chia sẻ kinh nghiệm thú vị về việc xử lý sạt lở giữa sông Tenryu (Nhật Bản). Qua những thông số do camera giám sát diễn biến đường bờ biển, giám sát lượng bùn cát, chúng tôi nhận thấy lưu vực hai con sông này có những yếu tố tương đồng. Đặc biệt, hai con sông đối diện với nguy cơ sạt lở nghiêm trọng ở hạ lưu. Hiện, sông Tenryu đã được xử lý bởi những đập phá sóng ngoài khơi, có những kè bảo vệ bờ, bên cạnh giải pháp mềm là nuôi bãi, giúp tăng trở lại lượng bùn cát từ phía thượng lưu. Giải pháp này được xem là phát huy hiệu quả đối với sông Tenryu, Nhật Bản và cũng là cơ sở quan trọng cho việc nghiên cứu, đề xuất giải pháp đối với hạ lưu Thu Bồn vùng Cửa Đại.
Hệ thống camera quan trắc vốn là công nghệ đã được áp dụng tại Nha Trang, có thể áp dụng tương tự cho Cửa Đại trong thời gian tới. Hệ thống này giúp đánh giá lượng bùn cát dọc bờ, đánh giá cơ chế xói lở, đó là cơ sở, tiền đề quan trọng giúp chúng ta lựa chọn giải pháp cấp thiết đối với Cửa Đại - Hội An.
Đứng trước những vấn đề sạt lở nói trên, tôi cùng với đồng sự là PGS-TS. Nguyễn Trung Việt - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ, kinh tế và thủy lợi miền Trung đã làm đề cương, xin kinh phí của Chính phủ Nhật Bản để triển khai dự án. Nếu thuận lợi, hy vọng sẽ có chuyên gia Nhật Bản đến giúp sức cùng Hội An. Việc chống sạt lở bờ biển Cửa Đại, bên cạnh yếu tố kỹ thuật, quan trọng là yếu tố dữ liệu, thông tin đầu vào, nghĩa là dữ liệu và thông tin đó phải chính xác, có độ tin cậy cao, có cơ sở khoa học…
HOÀNG LIÊN (ghi)