Nghĩa tình biên giới

ALĂNG NGƯỚC 12/05/2015 09:11

Góp mỗi người một ít ngày lương, chương trình “Nghĩa tình biên giới” vừa được huyện Tây Giang phát động đã thực sự lan tỏa, trở thành cầu nối giúp đồng bào ở các cụm bản huyện Kà Lừm (tỉnh Sê Kông, Lào) thêm điều kiện ổn định cuộc sống.

Lãnh đạo huyện Tây Giang nhận ủng hộ từ các nhà tài trợ.  Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Lãnh đạo huyện Tây Giang nhận ủng hộ từ các nhà tài trợ. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Theo ông Arất Blúi - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, chương trình không chỉ đóng góp kinh phí hỗ trợ xây dựng các công trình dân sinh tại cụm bản của huyện Kà Lừm, mà còn mang ý nghĩa của tình đoàn kết hữu nghị, vì mục tiêu phát triển đồng bào vùng biên giới Việt Nam - Lào. Lần đầu tiên được phát động, chương trình thu hút sự quan tâm, góp sức của đông đảo các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cán bộ và nhân dân trên địa bàn huyện. “Toàn bộ số tiền thu được từ việc gây quỹ sẽ được triển khai thực hiện các hạng mục công trình phúc lợi tại các cụm bản của huyện Kà Lừm, giúp các bạn Lào có thêm điều kiện phát triển, ổn định cuộc sống”- ông Blúi cho hay.

Mỗi người góp một ít ngày lương, những cán bộ ở huyện Tây Giang xem đó là một phần trách nhiệm của bản thân đối với đồng bào ở nước bạn Lào. Bởi, đa số đồng bào các bộ tộc Lào ở cụm bản giáp ranh là người Cơ Tu, có mối quan hệ mật thiết với đồng bào Cơ Tu ở huyện Tây Giang. Bởi vậy, chương trình “Nghĩa tình biên giới” không chỉ là hành động đẹp, ý nghĩa mà còn thể hiện tinh thần tương thân tương ái trên thông điệp “giúp bạn là giúp mình”. Nghĩa tình của người dân Tây Giang dành cho bà con các bộ tộc Lào đã vượt khỏi giới hạn của tình hợp tác hữu nghị, trở thành câu chuyện đẹp của đồng bào vùng biên. Trong rất nhiều câu chuyện cảm động, đồng bào vùng biên Tây Giang có lẽ không thể nào quên hình ảnh của một bí thư huyện ủy đã tự thân đứng ra vận động các doanh nghiệp trong và ngoài huyện hỗ trợ hàng trăm triệu đồng xây dựng ngôi trường giúp con em ở cụm bản Tà Vàng (huyện Kà Lừm) có chỗ ăn học. Bây giờ, ngôi trường đã được dựng lên, vang tiếng học trò mỗi ngày. Trong từng câu chuyện của người dân ở cụm bản Tà Vàng, ngôi trường mới này còn có tên gọi khác mang tên ông Bh’riu Liếc.

Sức lan tỏa của chương trình “Nghĩa tình Biên giới” đang vượt kế hoạch ban đầu khi ngày càng có nhiều cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện nhiệt tình hưởng ứng. Ông C’lâu Nghi - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Tây Giang cho biết, khi chương trình gây quỹ “Nghĩa tình biên giới” được phát động, rất nhiều cán bộ ở các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện hưởng ứng, ủng hộ ngày lương của mình. Ngoài ra, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện còn kêu gọi người dân, doanh nghiệp trên địa bàn ủng hộ vào quỹ. “Ngoài mục đích giúp nhân dân các cụm bản Lào ở vùng giáp ranh với huyện Tây Giang có điều kiện xây dựng các công trình phục vụ dân sinh, như: san ủi mặt bằng bố trí dân cư, kéo hệ thống nước sinh hoạt, xây dựng trường học... chương trình “Nghĩa tình biên giới” còn là hoạt động ý nghĩa, nhân văn, từng bước tháo gỡ những khó khăn trong cuộc sống của người dân vùng biên, góp phần vào việc giữ vững an ninh, chính trị ở hai bên biên giới Việt Nam - Lào”- ông Nghi cho biết thêm.

ALĂNG NGƯỚC

ALĂNG NGƯỚC