Đoàn tụ sau 45 năm thất lạc

NHƯ TRANG 11/05/2015 08:34

Chiến tranh đi qua, để lại bao nhiêu mất mát thương đau, trong số ấy phải kể đến những cuộc chia ly đầy nước mắt. Không từ bỏ nơi chôn nhau cắt rốn, họ quyết tâm tìm về quê hương đoàn tụ với gia đình. Đó là cuộc tìm về của chị em bà Hồ Thị Thanh Trà (SN 1959) và bà Hồ Thị Vinh (SN 1963).

Cụ Nguyễn Thị Dần bên mộ chồng. Ảnh: NHƯ TRANG
Cụ Nguyễn Thị Dần bên mộ chồng. Ảnh: NHƯ TRANG

Tại thôn Hưng Lộc, xã Bình Định Nam, huyện Thăng Bình, trong căn nhà nhỏ đã cũ, cụ Nguyễn Thị Dần (SN 1930) kể lại câu chuyện ly tán và cuộc hội ngộ diệu kỳ của gia đình sau 45 năm.

Ly tán

Vào đầu tháng 5.1970, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ vào giai đoạn khốc liệt, cụ Dần về làm vợ ông Hồ Văn Long - một chiến sĩ cách mạng. Trước đó cụ Long đã có một đời vợ và sinh được 3 người con gái. Người vợ đầu đã hy sinh trong một trận đánh với địch tại địa phương. Cụ Nguyễn Thị Dần về làm vợ thứ và chăm lo cho 3 người con riêng của chồng là Hồ Thị Thức, Hồ Thị Thanh Trà và Hồ Thị Vinh. Sáu tháng sau, đúng vào ngày 5.10.1970, gia đình cụ Dần lâm vào cảnh tan đàn xẻ nghé. Cụ Dần ra trước khoảnh sân nhà kể lại trong nước mắt: “Đúng vào buổi sáng hôm đó, chỗ cái sân ni, lính ngụy tới sắp hàng dài, chìa họng súng tra hỏi, lục soát tìm chồng tôi. Lúc đó chồng tôi đã đi vận chuyển gạo muối lên núi tiếp tế cho cách mạng. Tìm không được ông, tụi lính đánh đập mẹ con tôi rồi bắt con Trà, con Vinh đi. Hai đứa biệt tăm từ đó”.

Khi ông Hồ Văn Long trở về nhà, không thấy hai con đâu khóc thương đi khắp nơi trong tỉnh tìm kiếm suốt mấy ngày liền nhưng không thấy. Sau năm 1975, ông Long cũng đã nhờ đồng đội cũ ở các nơi truyền tin tìm kiếm nhưng cũng chỉ là chờ mong trong vô vọng. Đến năm 2005, tuổi cao sức yếu, cụ Long qua đời với di nguyện tìm được các con - Trà và Vinh. Người con gái Hồ Thị Thức lấy chồng xa, căn nhà nhỏ chỉ còn lại cụ Nguyễn Thị Dần sống trong sự bảo bọc của bà con chòm xóm thôn Hưng Lộc. Bình Định Nam là xã khó khăn của huyện Thăng Bình, vì vậy thỉnh thoảng các đoàn từ thiện về tặng quà cho bà con. Mỗi lần có đoàn từ thiện nào về cụ Dần cũng gửi tin nhờ tìm giúp các con. Cụ Dần chia sẻ: “Ngày nào tôi cũng chống gậy lên mộ thắp hương khấn chồng phù hộ tìm lại các con. Không phải mẹ ruột nhưng tôi thương chúng như con ruột, ngày nào cũng mong cũng nhớ!”.

Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, bà Hồ Thị Thanh Trà (ở Kon Tum) và bà Hồ Thị Vinh (ở Đồng Nai) không ngần ngại chia sẻ về quãng thời gian lưu lạc. Năm 1970 đau buồn ấy, sau khi lính ngụy bắt đi, bà Trà và Vinh bị chia thành 2 ngả. Bà Trà bị đưa tới Quảng Ngãi sau đó được một gia đình nhận nuôi. Đến năm 1976 sau khi đất nước giải phóng, bà đi kinh tế mới và định cư ở thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum. Còn bà Vinh bị bắt đưa ra Quảng Trị và lưu lạc khắp nơi, sau đó mới định cư và sống ở xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai. Ngày lưu lạc tuổi còn quá nhỏ, cả bà Trà và bà Vinh không thể nào nhớ đường về nhà gặp cha mẹ. Ngày đó khi bị lính ngụy bỏ ở giữa đường, các bà vừa đi vừa khóc kêu tìm cha mẹ. Khi được người ta hỏi nhận nuôi, các bà chỉ biết gật đầu và lớn lên thì lăn vào cuộc sống mưu sinh, lấy chồng, sinh con.

Duyên kỳ ngộ

Mãi đến năm 2006, một duyên kỳ ngộ đã đến. Con trai bà Trà là anh Nguyễn Thanh Khê (SN 1983) và con gái bà Vinh là chị Lê Thị Mỹ Châu (SN 1984) tình cờ gặp nhau tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đồng Nai. Hai người làm quen rồi kết bạn với nhau. Khi biết quê ngoại Khê ở Quảng Nam, Châu kể chuyện mẹ mình cũng quê Quảng Nam và cả vụ việc mẹ bị lính ngụy bắt đưa đi khiến thất lạc tổ tông cho đến nay vẫn chưa tìm được.

Nghe lời Châu kể hao hao giống câu chuyện mẹ thường nhắc mỗi khi nhớ về quê hương Quảng Nam, Khê liền gọi điện thoại báo tin về nhà. Thông qua Châu và Khê, hai gia đình đã có sự liên lạc với nhau để xác minh thông tin. Nhận ra khả năng đích thực bà Vinh là em gái thất lạc bao nhiêu năm nay, bà Trà liền từ Kon Tum xuống Đồng Nai tìm gặp. Sau khi hỏi rõ ngọn ngành mọi tình tiết trong vụ việc lính ngụy bắt đi năm 1970 hoàn toàn trùng khớp nhau, hai người nhận nhau chị em và ôm khóc nức nở. Chị em kể cho nhau nghe về khoảng thời gian lưu lạc, xa cách. Tuy nhiên, về cha và người mẹ kế ở quê thì bà Trà và bà Vinh dường như không lưu giữ được gì trong ký ức, chỉ nhớ mang máng rằng có cha làm cách mạng ở quê hương Thăng Bình.

Đầu năm 2015, khi cuộc sống đã bớt nhọc nhằn, bà Trà nói con trai lớn là anh Nguyễn Thanh Điền (SN 1978) về huyện Thăng Bình, truy tìm gốc gác quê ngoại. Nhờ sự chỉ dẫn của người dân, anh Điền đã tìm được cụ Nguyễn Thị Dần ở thôn Hưng Lộc, xã Bình Định Nam và xác nhận máu mủ ruột rà. “Lúc thằng Điền về, tôi đang ở trên gò quét dọn mộ cho ông nhà. Khi thằng Điền kể lại mọi sự và kêu tôi là bà ngoại, thiệt tình lúc đó tôi còn tưởng là đang mớ ngủ” - cụ Dần nhớ lại.

Sau chuyến đi xác nhận thông tin của Điền, cận Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, bà Trà và bà Vinh hẹn nhau đưa con cháu trở về quê hương. Cả cụ Dần, bà Thức, bà Trà và bà Vinh cùng các cháu ôm nhau khóc trong phút giây hội ngộ.

Chia sẻ với chúng tôi qua điện thoại, bà Trà nói: “Nếu không tìm được cội nguồn, cuộc đời chị em chúng tôi cũng như con số “không” mà thôi. May nhờ phước đức, duyên lành, chúng tôi mới tìm gặp lại sau mấy chục năm xa cách”. Gia đình bà Hồ Thị Thanh Trà và Hồ Thị Vinh đã có những ngày sống trong niềm hạnh phúc giữa mảnh đất quê hương với tình yêu thương của họ hàng và chòm xóm thôn Hưng Lộc.

Sau cuộc tìm về nơi chôn nhau cắt rốn, bà Trà và bà Vinh ngỏ lời muốn đưa cụ Dần về chăm sóc nhưng cụ nhất quyết không chịu rời quê. Cụ Dần nói: “Tìm được các con coi như tôi và ông nhà đã mãn nguyện rồi. Bây giờ có chết tôi cũng không nuối tiếc gì nữa”.

NHƯ TRANG

NHƯ TRANG