"Đôi chân" cho người tàn tật
Những năm qua, Hội Từ thiện tỉnh đã làm tốt vai trò cầu nối, vận động trao tặng hàng nghìn chiếc xe lăn, xe lắc làm phương tiện di chuyển, mưu sinh cho người tàn tật.
Cầu nối
Ở Quảng Nam, những chương trình trao tặng xe lăn, xe lắc tay cho người tàn tật hàng chục năm qua đã san sẻ khó khăn với người tàn tật, đặc biệt là thương, bệnh binh. Hội Từ thiện tỉnh là một trong những tổ chức đi đầu trong việc vận động, trợ giúp người tàn tật có phương tiện đi lại. Theo ông Võ Hồng Phúc - Phó Chủ tịch Hội Từ thiện tỉnh, chương trình trao tặng xe lăn, xe lắc tay cho người khuyết tật là một trong 8 chương trình hoạt động chính của hội. Chỉ tính riêng năm 2014, các cấp hội từ thiện đã vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước trao tặng gần 1.000 xe lăn, xe lắc tay cho người khuyết tật, với tổng trị giá trên 1 tỷ đồng. Ông Phúc cho biết, ngoài việc giúp đỡ cho người khuyết tật có phương tiện đi lại, di chuyển dễ dàng trong sinh hoạt hàng ngày, rất nhiều người khi được trao xe lắc tay đã tự tìm kế sinh nhai tự nuôi sống bản thân, vượt khó vươn lên bớt đi gánh nặng cho gia đình.
Những chiếc xe lắc nghĩa tình của đồng hương Quảng Nam tại TP.Hồ Chí Minh đến với người tàn tật. Ảnh: VINH ANH |
Vừa qua, Hội Từ thiện tỉnh tiếp tục tổ chức đợt trao tặng xe lắc tay đầu tiên trong năm 2015 cho người tàn tật trên địa bàn tỉnh. Chương trình được tài trợ bởi đồng hương Quảng Nam tại TP.Hồ Chí Minh thông qua sự vận động của Hội Từ thiện tỉnh. Ông Phúc cho biết, trong số 28 xe lắc tay (3,9 triệu đồng/xe) được trao tặng trong đợt này đều được tài trợ bởi những người con quê hương Quảng Nam đang sinh sống tại TP.Hồ Chí Minh; có người đóng góp 1 xe, cũng có những đơn vị ủng hộ hàng chục chiếc. Đó là tình cảm quý báu, sự sẻ chia của những người xa quê dành cho quê hương mình. Chia sẻ cảm xúc trong buổi lễ trao tặng xe lắc tay cho người tàn tật mới đây, bà Vũ Thị Huyền Thi - Giám đốc Doanh nghiệp sản xuất dệt, nhuộm vải Phú Lộc (TP.Hồ Chí Minh), một người con quê hương Duy Trinh (Duy Xuyên), nói: “Hôm nay được tận thấy những chiếc xe lắc đến với người tàn tật, giúp họ có phương tiện để mưu sinh, vượt khó, khiến chúng tôi - những nhà tài trợ rất xúc động, vui mừng. Và không chỉ một lần này, tôi sẽ cố gắng cùng với bạn bè, gia đình tôi hướng về quê hương mình bằng việc làm thiết thực hơn, nhằm giúp đỡ những người khó khăn, bất hạnh”.
“Đôi chân” cho người tàn tật
Không đơn thuần là phương tiện đi lại, những chiếc xe lắc tay đã và đang trở thành “đôi chân” để người tàn tật làm kế sinh nhai, kiếm sống mỗi ngày với những việc như bán vé số, bán hàng rong. Là người tàn tật đến từ huyện Quế Sơn, anh Nguyễn Hòa (SN 1971), cho biết rất vui mừng vì may mắn được nhà tài trợ tặng xe lắc tay lần này. Anh Hòa kể, sau một trận ốm nặng, lúc đó mới 23 tuổi, từ một người khỏe mạnh anh thành người tàn tật. Nguyên phần cơ thể phía dưới bị liệt hoàn toàn. “Lúc đó, tôi đã rất đau khổ, không có chút tinh thần nào để sống tiếp. Tuy nhiên, sau này nhờ sự động viên của gia đình, tôi đã nỗ lực tập luyện, cố gắng tập di chuyển bằng nạng gỗ, xe lăn tay,… dù rất đau đớn và khó khăn” - anh Hòa chia sẻ. Không muốn suốt cuộc đời làm gánh nặng cho gia đình, anh Hòa tìm cách tự kiếm sống, mưu sinh bằng nghề bán vé số tại thị trấn Đông Phú (Quế Sơn). Anh bảo, dù đôi chân bị liệt không đi lại được nhưng nhờ chiếc xe lắc tay mà hơn mười năm nay anh đã tự kiếm sống nuôi sống bản thân và phụ gia đình bằng nghề bán vé số. Anh quý chiếc xe lắc tay hơn bất cứ thứ gì. “Mình đi đâu, làm gì cũng phải nhờ đến chiếc xe. Nó (chiếc xe lắc) như đôi chân mình vậy. Đôi lúc nó “trở chứng”, hư hỏng bất thường là mình lo lắng không yên” - anh Hòa nói. Được biết, từ lúc sử dụng xe lắc, anh Hòa đã phải thay thế nhiều chiếc xe vì qua thời gian xe bị hỏng. Đây là lần đầu tiên anh được nhà tài trợ trao tặng, trước đó anh đều phải mua lại của người khác. “Chiếc xe cũ ở nhà đã gần hỏng rồi. Hôm nay được nhận xe mới, tôi sẽ để dành đó vài hôm nữa xe cũ hỏng tôi đem ra “xài” - anh Hòa nói.
Cũng có hoàn cảnh tương tự, nhưng anh Nguyễn Khôi (SN 1972), quê ở Đại Tân (Đại Lộc) lại bị cụt hai chân từ khi 15 tuổi do dẫm phải mìn chiến tranh. Do phải ngồi nhiều một chỗ, ít di chuyển, đi lại nên anh bị béo phì, sinh ra nhiều bệnh tật. Anh Khôi chia sẻ, được nhận xe lắc tay đối với anh là điều may mắn, vì từ nay trở đi anh sẽ dùng chiếc xe để đi bán vé số kiếm sống, đồng thời giúp bản thân được di chuyển nhiều hơn nhằm giảm bớt bệnh tật.
Những chiếc xe lắc tay hay một chương trình trợ giúp nào khác dành cho người tàn tật luôn là niềm khích lệ lớn lao để họ hòa nhập cộng đồng. Tình cảm, sự giúp đỡ của xã hội, của những nhà hảo tâm vì thế luôn đáng trân trọng…
ANH ĐÔNG