Thời cơ cách mạng Việt Nam
Ngay sau khi kết thúc cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914 - 1918), liên quân phát xít quốc tế đã bắt đầu cho một cuộc chiến tranh thế giới mới nhằm chống lại Liên Xô, và cũng tranh giành địa vị lẫn nhau giữa các tập đoàn đế quốc Đức - Ý - Nhật với Anh - Pháp - Mỹ. Chủ nghĩa phát xít cuối cùng cũng đã bị đánh bại, nhưng cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai do chúng châm ngòi đã kéo dài đến 6 năm, với sự tham chiến của 72 nước, khiến 110 triệu người bị động viên vào quân đội, làm 55 triệu người chết, 28 triệu người bị thương, chi phí quân sự đến 935 tỷ USD.
Đối với cách mạng Việt Nam, thắng lợi của cuộc chiến tranh chống phát xít và cuộc vận động giải phóng dân tộc 1939 - 1945 có mối liên hệ tác động lẫn nhau.
Xác định mục tiêu
Lúc chủ nghĩa phát xít mới manh nha hình thành, trong Lời kêu gọi nhân ngày thành lập Đảng (2.1930), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã cảnh báo về một cuộc chiến tranh thế giới thứ hai có thể nổ ra, do chúng châm ngòi, và tuyên bố sẽ ủng hộ cuộc chiến tranh chính nghĩa của nhân dân thế giới, nhất là Liên Xô và Trung Quốc, chống chủ nghĩa phát xít. Tháng 2.1943, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ra nghị quyết khẳng định, tuy chiến tranh sẽ gieo rắc đau thương, tai họa cho nhân loại, nhưng sự nghiệp cách mạng của nhân dân thế giới sẽ chiến thắng chủ nghĩa phát xít. Sự khẳng định đó đã làm cho nhân dân vững tin vào chính nghĩa, vững tin vào sự thắng lợi của nhân dân thế giới chống chủ nghĩa phát xít sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Thắng lợi của quân đội Liên Xô và các lực lượng chống phát xít đã tạo ra cơ hội cho cách mạng Việt Nam vùng lên giành độc lập tự do trong tháng Tám năm 1945. TRONG ẢNH: Mít tinh Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 tại Quảng trường Nhà hát lớn Hà Nội (19.8.1945). Ảnh tư liệu |
Khi các lực lượng cách mạng trên thế giới bước vào cuộc chiến tranh chống chủ nghĩa phát xít, với 5 hội nghị được tổ chức, từ năm 1936 - 1938, Ban lãnh đạo của Đảng đã hoàn thiện chủ trương mới của mình để lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Theo đó, tuy vẫn xác định chiến lược cách mạng Đông Dương là cách mạng tư sản dân quyền với hai nhiệm vụ phản đế và điền địa, nhưng Đảng chỉ rõ mục tiêu trực tiếp trước mắt chưa phải là đấu tranh giành độc lập cho dân tộc, ruộng đất cho dân cày mà là đấu tranh chống bọn phản động thuộc địa và tay sai, chống phát xít và chiến tranh, đòi tự do dân chủ, cơm áo hòa bình. Như vậy, Đảng đã đặt phong trào cách mạng Việt Nam vào phong trào chống chiến tranh phát xít trên thế giới nói chung.
Tại Hội nghị Trung ương lần thứ sáu (11.1939), Đảng đã phân tích sâu sắc tính chất của cuộc chiến tranh, xác định vị trí của Đông Dương trong cuộc chiến tranh này và vạch ra đường lối chính trị của cách mạng Việt Nam trước tình hình mới. Tháng 5.1941, Hội nghị Trung ương lần thứ tám do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp chủ trì đã hoàn chỉnh sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng của Đảng.
Chiến tranh Thái Bình Dương bùng nổ (7.12.1941), bốn ngày sau, Trung ương Đảng đã có Thông cáo gửi các cấp bộ đảng, nhận định “rốt cuộc thế nào Nhật cũng thất bại và gây ra chiến tranh Thái Bình Dương tức là Nhật tự sát”, một khi “Nhật thua thì chỉ có xiềng xích của Nhật - Pháp sẽ tan rã và đó là một cơ hội thuận tiện nhất cho ta cướp chính quyền”. Mùa thu năm 1944, Hồng quân Liên Xô mở những cuộc phản công lớn hướng dần vào lãnh thổ nước Đức. Liên quân Anh - Mỹ cũng mở mặt trận thứ hai ở Tây Âu. Theo dõi diễn biến này, tháng 10.1944, lãnh tụ Hồ Chí Minh viết thư gửi đồng bào nói rõ: “Phe xâm lược gần đến ngày bị tiêu diệt. Các đồng minh quốc sắp tranh được sự thắng lợi cuối cùng. Cơ hội cho dân tộc ta tự giải phóng chỉ ở trong một năm hoặc một năm rưỡi nữa. Thời gian rất gấp. Ta phải làm nhanh!”.
Chớp thời cơ cách mạng
Khi Nhật đảo chính lật Pháp ở Đông Dương (9.3.1945), trong Chỉ thị ngày 12.3.1945 Thường vụ Trung ương Đảng dự kiến hai trường hợp khách quan của cuộc chiến tranh chống chủ nghĩa phát xít đem đến cho cách mạng Việt Nam, trong đó nhấn mạnh trường hợp nếu cách mạng Nhật bùng nổ, lập chính quyền cách mạng của nhân dân, hay Nhật mất nước như Pháp hồi năm 1940, quân đội Nhật đầu hàng, quân đội của chúng ở Đông Dương mất tinh thần thì khi ấy, cho dù quân Đồng minh chưa vào Đông Dương, Đảng cũng phát động nhân dân tổng khởi nghĩa giành chính quyền.
Từ việc xác định những thắng lợi của các lực lượng chống phát xít trên thế giới là thời cơ thuận lợi cho cách mạng Việt Nam, Đảng đã tranh thủ những cơ hội thuận lợi này để đẩy mạnh việc sửa soạn khởi nghĩa như tuyên truyền vận động quần chúng cứu quốc, xây dựng mặt trận Việt Minh, khôi phục hệ thống tổ chức Đảng, xây dựng căn cứ địa, tiến đến hình thành các chiến khu chống Nhật để chuẩn bị thực lực chớp lấy thời cơ. Nhờ đó, ngay khi nhận được tin Nhật Bản gửi công hàm cho các nước Đồng minh đề nghị mở cuộc đàm phán ngừng bắn (12.8.1945), Thường vụ Trung ương Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh liền họp quyết định tổng khởi nghĩa vũ trang trong cả nước, và cuộc tổng khởi nghĩa tháng Tám đã giành được thắng lợi trong một thời gian ngắn.
Chúng ta ghi nhận thắng lợi của quân đội Liên Xô và các lực lượng chống phát xít Nhật đã tạo ra cơ hội cho các dân tộc bị áp bức, trong đó có Việt Nam vùng lên giành độc lập tự do trong tháng Tám năm 1945. Tuy nhiên, nếu không có sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Đông Dương trong việc hoạch định chiến lược và sách lược đấu tranh giành chính quyền, trong việc dự đoán thời cơ, tạo thời cơ và chớp lấy thời cơ đúng lúc; không có sức mạnh của toàn dân được tổ chức thành những đội quân chính trị và vũ trang tại khắp các miền của đất nước thì dù cơ hội khách quan có đưa đến đi nữa cũng không dễ gì giành được thắng lợi. Thực tiễn lịch sử cho thấy, tháng 8.1945 khi phát xít Nhật đầu hàng quân Đồng minh thì thời cơ khách quan giành độc lập cho các nước Đông Nam Á như nhau, nhưng chỉ có Việt Nam làm Cách mạng Tháng Tám thành công trọn vẹn.
PGS-TS. NGÔ VĂN MINH