Hiến kế cho TP.Tam Kỳ
Một cuộc hội thảo do UBND TP.Tam Kỳ phối hợp với UN - Habitat (Tổ chức định cư con người Liên hiệp quốc) và TP.Fukuoka (Nhật Bản) với chủ đề tăng cường hợp tác hướng tới chiến lược phát triển TP.Tam Kỳ xanh và thông minh vừa được tổ chức.
Hội thảo dưới sự chủ trì của ông Văn Anh Tuấn - Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ, ông Nguyễn Quang - Giám đốc chương trình UN - Habitat và ông Kazuya Motomura - Giám đốc Cục quản lý cảng, đại diện chính quyền TP.Fukuoka. Hội thảo thu hút nhiều chuyên gia trong và ngoài nước tham gia.
Mô hình Fukuoka
TP.Fukuoka có diện tích hơn 340km2 với dân số hơn 1,5 triệu người. Theo KTS.Kazuya Motomura - Giám đốc Cục quản lý cảng, nguyên Giám đốc Vụ chiến lược thành phố thông minh và cục môi trường TP.Fukuoka, năm 1973 Fukuoka chuyển đổi mục tiêu phát triển, từ chính sách phát triển mạnh công nghiệp sang quan tâm đến môi trường, tăng cường sự hòa hợp giữa đô thị và thiên nhiên. Cùng với đó, việc phát triển đô thị được chú trọng hơn. Vùng nội thị sầm uất của thành phố, yêu cầu độ cao các tòa nhà được xây dựng vừa phải, đồng thời tăng cường xây dựng các khu trung tâm thương mại ngầm dưới lòng đất. Bên cạnh đô thị cũ, Fukuoka còn phát triển đô thị mới trên cơ sở san lấp biển. Trong quá trình phát triển, thành phố rất quan tâm đến đời sống văn hóa, tinh thần của người dân, các lễ hội văn hóa dân gian, di tích lịch sử văn hóa của địa phương được giữ gìn và phát huy một cách khá tốt.
Một góc đô thị Tam Kỳ. Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
Hiện tại, trong tốp 25 thành phố đáng sống trên thế giới, Fukuoka xếp thứ 10. Từng làm việc tại Tập đoàn Phát triển vùng Nhật Bản về quy hoạch và thiết kế khu công nghiệp, tại chính quyền TP.Fukuoka trên các lĩnh vực quy hoạch đô thị, dự án thành phố đảo, cộng đồng thông minh, ông Kazuya Motomura cho rằng, các mô hình phát triển của TP.Fukuoka được coi là bài học kinh nghiệm cho TP.Tam Kỳ có thể áp dụng trong chiến lược xây dựng thành phố xanh và thông minh như chính sách năng lượng, khả năng kết nối, cộng đồng thông minh, tái tạo môi trường thân thiện và xanh hơn với sự tham gia của cả cộng đồng. Cũng theo ông Kazuya Motomura, thành phố thông minh phải đáp ứng đủ 6 yếu tố và điều này rất phù hợp với đô thị nhỏ như Tam Kỳ, gồm kinh tế thông minh (khả năng cạnh tranh), quản trị thông minh (sự tham gia dịch vụ công và xã hội), môi trường thông minh (nguồn tài nguyên), con người thông minh (vốn con người và xã hội), lưu thông thông minh (giao thông và công nghệ thông tin) và cuộc sống thông minh (chất lượng cuộc sống).
Động lực kinh tế
KTS. Bùi Kiến Quốc - Viện sĩ Viện Hàn lâm kiến trúc Pháp đã gây “choáng” tại hội thảo khi đặt câu hỏi: “Nói thành phố thông minh, vậy có thành phố ngu ngốc không?”. Giải đáp thắc mắc này, ông Kazuya Motomura nói Fukuoka mới bắt đầu xây dựng thành phố thông minh, người dân cũng chưa hình dung, cảm nhận được thành phố thông minh. Còn TS.Nguyễn Quang thì cho rằng, thật khó giải thích thế nào là thành phố thông minh và xanh nhưng quan trọng là giải pháp xanh. Ở Việt Nam cũng có nhiều thành phố xanh, chẳng hạn như Hội An.
Một vấn đề khác được nhiều người quan tâm tại hội thảo là nguồn lực kinh tế cho việc phát triển TP.Tam Kỳ. Để đầu tư phát triển, TP.Tam Kỳ cần xác định ngành kinh tế nào sẽ là động lực và mối liên kết giữa Tam Kỳ với các đô thị khác như Đà Nẵng, Hội An. PGS-TS.Trần Trọng Hanh - Phó Chủ tịch Hội đồng Kiến trúc Việt Nam cho rằng, tiền đâu để phát triển và kết nối ra sao giữa các đô thị lân cận với Tam Kỳ là những vấn đề cần phải tìm lời giải ngay từ bây giờ. Theo ông Hanh, có rất nhiều giải pháp để xây dựng thành phố thông minh và xanh, nhưng trước hết phải là nâng cao nhận thức trong cộng đồng, toàn xã hội về chiến lược phát triển xanh, thông minh. Thành phố tập trung xây dựng nhưng người dân không ý thức, không tham gia thì sẽ khó thành công. Cùng với đó, trong khi nguồn lực có hạn, cần phải chọn dự án ưu tiên để đầu tư theo lộ trình, đặc biệt là xây dựng các khu chức năng theo tiêu chí xanh để làm mẫu.
Theo KTS.Tanaka Massushi - Chủ nhiệm dự án Quy hoạch TP.Tam Kỳ, thế mạnh của Tam Kỳ là phát triển nguồn nhân lực vì địa phương có nguồn lực dồi dào và chất lượng. Một lợi thế nữa đây là trung tâm tỉnh lỵ của Quảng Nam, nằm bên cạnh Khu kinh tế mở Chu Lai. “Đây sẽ là những động lực kinh tế cho chiến lược phát triển TP.Tam Kỳ thông minh và xanh”- ông Tanaka Massushi khẳng định.
Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ Văn Anh Tuấn cho biết định hướng chiến lược xây dựng thành phố xanh và thông minh là ước mơ, hoài bão đầy lãng mạn nhưng cũng rất cách mạng, giúp đô thị Tam Kỳ phát triển. Hội thảo lần này, qua ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý và đặc biệt là thực tế xây dựng phát triển của TP.Fukuoka sẽ giúp cho địa phương nhiều kinh nghiệm, bài học quý trong chiến lược phát triển Tam Kỳ xanh và thông minh; đồng thời tăng cường quan hệ hợp tác giữa TP.Tam Kỳ, UN-Habitat và TP.Fukuoka.
XUÂN PHÚ