Đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30/2014 của Bộ GD-ĐT: Vẫn còn lúng túng

XUÂN PHÚ 04/05/2015 09:09

Sau gần một năm thực hiện đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30/2014 của Bộ GD-ĐT, đến nay nhiều thầy cô giáo ở các trường, phòng GD-ĐT vẫn còn lúng túng.

  • Cần bộ công cụ hỗ trợ
  • Đổi mới đánh giá học sinh: Giáo viên quá vất vả!
  • Đổi mới đánh giá học sinh tiểu học: Khó cho giáo viên
  • Thay đổi cách đánh giá học sinh tiểu học: Khó khả thi ở miền núi
  • Thay đổi cách đánh giá học sinh tiểu học: Làm sao vẹn toàn?
Cô Võ Thị Minh Tuyết (Trường Tiểu học Trần Quốc Toản-Tam Kỳ) cho rằng GV vất vả vì mất rất nhiều thời gian dạy trên lớp nên nhiều khi phải mang về nhà để viết nhận xét học sinh. Ảnh: X.PHÚ
Cô Võ Thị Minh Tuyết (Trường Tiểu học Trần Quốc Toản-Tam Kỳ) cho rằng GV vất vả vì mất rất nhiều thời gian dạy trên lớp nên nhiều khi phải mang về nhà để viết nhận xét học sinh. Ảnh: X.PHÚ

Thông tư 30/2014 của Bộ GD-ĐT thay đổi một cách căn bản cách đánh giá học sinh (HS) ở bậc tiểu học, từ chấm điểm như trước đây sang nhận xét trực tiếp bằng lời hoặc viết vào bài làm, bài kiểm tra. Ưu điểm lớn nhất của cách đánh giá này là không gây áp lực cho HS yếu, giúp các em biết cách học tốt hơn, mạnh dạn, tự tin ở bản thân. Theo ông Lê Văn Chính - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, đây là khâu đột phá trong thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 4.11.2013 về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, trong đó có đổi mới khâu kiểm tra, đánh giá theo năng lực, phẩm chất người học.

Nhiều băn khoăn

Cách đánh giá HS theo Thông tư 30 có thể nói là hoàn toàn mới mẻ so với cách đánh giá truyền thống xưa nay của giáo dục Việt Nam. Thế nên, dù có sự chuẩn bị khá kỹ trong công tác chỉ đạo, tập huấn, tổ chức thực hiện từ các cấp quản lý giáo dục đến từng trường học trong tất cả đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên (GV) nhưng sự lúng túng, bỡ ngỡ bộc lộ khá rõ. Lúng túng được nói đến nhiều nhất sau gần một năm thực hiện là việc nhận xét bằng “viết”. Nhiều GV tâm sự thật lòng rằng rất nhiều lúc họ phải trăn trở, đắn đo với câu từ trước khi viết lời nhận xét, vì lỗi của mỗi HS mỗi khác, thậm chí có khi cùng lỗi nhưng với mỗi em nhận xét lại khác, do đó tốn nhiều thời gian và công sức, ảnh hưởng đến việc giảng dạy trên lớp.

Theo thầy Nguyễn Quang Bữu - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (Phú Ninh), vì tốn nhiều thời gian và ảnh hưởng đến việc giảng dạy trên lớp nên nhận xét của GV nhiều khi rất chung chung, trùng lặp, làm cho HS và phụ huynh khó nhận biết thiếu sót hay hạn chế để sửa chữa. Ở một khía cạnh khác, thầy Nguyễn Văn Hường - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Đồng (Tiên Phước) băn khoăn: “Lời nhận xét không thể cứ lặp đi lặp lại, phải làm sao để HS và phụ huynh thấy con em mình khác trước. Nhưng khó nhất là với những em có học lực giảm sút, nếu nhận xét không khéo sẽ làm các em mặc cảm, phụ huynh hoang mang. Ngoài ra, còn có không ít băn khoăn, lo lắng là thực hiện như thế nào để đánh giá chính xác, không gây áp lực, bảo đảm khuyến khích được từng HS vươn lên, nhất là những em thụ động trong học tập”. Còn với những GV bộ môn, đánh giá bằng nhận xét với họ là một “nỗi khổ không biết tỏ cùng ai” khi mà số lượng HS quá nhiều.

Với đặc thù của các địa phương miền núi, vùng dân tộc thiểu số, ngoài những khó khăn chung còn nảy sinh một vướng mắc khác. Theo lãnh đạo ngành GD-ĐT huyện Tây Giang và Nam Giang, đa số phụ huynh ở địa phương là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ học vấn thấp nên việc tham gia, theo dõi đánh giá, nhận xét chuyện học của con em còn nhiều hạn chế. Đó là chưa kể, các em học bán trú ở lại cả tuần mới về nhà nên nhận xét của GV không đến được với phụ huynh kịp thời. “Ở Tây Giang, đội ngũ GV là người dân tộc thiểu số mới ra trường ngày một tăng nên cũng gặp không ít khó khăn, lúng túng trong thực hiện cách đánh giá mới” - ông Nguyễn Quốc Kỳ, Phó Trưởng phòng GD-ĐT huyện Tây Giang nêu khó khăn của địa phương mình.

Giảm áp lực cho GV

Rõ ràng, thực hiện đổi mới cách đánh giá theo tinh thần Thông tư 30 đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho HS tiểu học. Tuy nhiên, ngược lại áp lực cho cơ quan quản lý, đội ngũ GV là không hề nhỏ. Vì vậy, để giảm áp lực, giải tỏa những vướng mắc cho các thầy cô giáo trực tiếp đứng lớp, theo ông Lê Trung Thiêng - Phó Trưởng phòng GD-ĐT huyện Duy Xuyên, Bộ GD-ĐT cần nghiên cứu giảm bớt hồ sơ cũng như thiết kế sổ theo dõi chất lượng HS phù hợp hơn, giúp GV bớt thời gian ghi chép. Tương tự, thầy Nguyễn Quang Bữu đề xuất theo hướng giảm bớt nội dung trong sổ theo dõi chất lượng, học bạ và sổ chủ nhiệm để GV dễ thực hiện hơn.  

Ở một góc nhìn khác liên quan đến công tác chuyên môn nghiệp vụ, nhiều ý kiến cho rằng cũng cần có sự thay đổi. Theo cô Nguyễn Thị Thanh Hữu - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (Tam Kỳ), Bộ GD-ĐT cần cụ thể hơn nội dung đánh giá năng lực và phẩm chất HS theo từng lớp. Đồng thời giao quyền cho hiệu trưởng hoặc các cấp quản lý tổ chức ra đề kiểm tra định kỳ để đảm bảo chất lượng và tính khách quan. Trong khi đó, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Nam Giang Nguyễn Văn Bình cho rằng, để tạo điều kiện cho GV có thời gian nghiên cứu giúp bài dạy tốt hơn và giảm bớt áp lực về thời gian làm việc khi thực hiện đánh giá HS như hiện nay, nên giảm thời lượng số tiết quy định/tuần.

Ông Nguyễn Tấn Từ - Trưởng phòng Giáo dục tiểu học Sở GD-ĐT chia sẻ, qua gần một năm triển khai thực hiện Thông tư 30, đội ngũ cán bộ quản lý, GV toàn ngành và các bậc phụ huynh đã nhận thức được ý nghĩa và bước đầu thực hiện có kết quả. Trong thời gian tới, các cấp quản lý giáo dục, trường học tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức trong toàn ngành và cả cộng đồng về ý nghĩa của phương pháp đánh giá mới; có những giải pháp hợp lý để giải tỏa vướng mắc, khó khăn, nhất là trong việc đánh giá năng lực, phẩm chất HS. Các phòng GD-ĐT tổ chức hội thảo chuyên đề để chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm hay cho các đơn vị học tập. Sở GD-ĐT cũng kiến nghị với Bộ GD-ĐT nên tập huấn "ma trận" ra đề kiểm tra định kỳ; ban hành các chương trình đào tạo, tập huấn qua các mô đun có nội dung cụ thể, mang tính bắt buộc về phương pháp dạy học theo các nội dung đánh giá của Thông tư 30.

XUÂN PHÚ

XUÂN PHÚ