Múa rối nước ở phố Hội
Việc Hội An đưa bộ môn nghệ thuật múa rối nước vào Nhà hát thành phố thử nghiệm biểu diễn phục vụ học sinh, người dân và du khách bước đầu đã nhận được hiệu ứng tích cực từ cộng đồng.
Sân chơi của trẻ thơ
Hơn 2 tháng nay, vào mỗi chiều thứ Hai hằng tuần, Nhà hát TP.Hội An lại rộn ràng học sinh và giáo viên đến thưởng thức chương trình múa rối nước. Nhìn những nét mặt trẻ thơ say sưa, chăm chú dõi theo các tiết mục “Tễu giáo trò”, “Em bé chăn trâu thổi sáo, “Truyền thuyết Lê Lợi trả gươm”… mới thấy hết ý nghĩa và giá trị nhân văn trong việc đưa loại hình văn hóa - nghệ thuật đậm chất dân gian này vào trường học.
Một tiết mục rối nước đặc sắc của phố Hội. Ảnh: Hoàng Liên |
Với học sinh phố Hội, những tiết mục múa rối nước đã giúp các em có sự chọn lựa mới khi mà sân chơi lành mạnh, thú vị cho trẻ càng ngày càng thiếu. “Em thường xem múa rối trên ti vi, nhưng đây là lần đầu tiên em tận mắt nhìn các chú rối ngoài đời. Em rất thích sân khấu với cảnh làng quê, lắng nghe các sự tích dân gian, nhìn ngắm hình ảnh nhân vật sinh động. Các tiết mục giải trí này cũng làm cho việc học tập của em sẽ thú vị, bổ ích hơn” - em Lương Tâm Như, học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc nói. Cô Nguyễn Thị Lệ, giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc chia sẻ: “Quả thật đây là chương trình hết sức ý nghĩa, bổ ích cho các em. Học sinh của tôi đến đây không chỉ say mê từng động tác múa rối mà sau mỗi buổi ngoại khóa như thế này, các em còn viết bài thu hoạch nêu lên cảm nghĩ của mình về vở rối đã xem”.
Theo ông Nguyễn Văn Dung - Trưởng phòng GD-ĐT TP.Hội An: “Phòng GD-ĐT đã phối hợp với Trung tâm VH-TT thành phố triển khai biểu diễn thử nghiệm môn nghệ thuật này để phục vụ học sinh trên địa bàn. Đây được xem như một tiết học ngoài giờ lên lớp nhằm giúp các em hiểu thêm về loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc này”.
Hiện, ngành giáo dục Hội An đã phối hợp với Trung tâm VH-TT Hội An triển khai biểu diễn thí điểm cho 2 trường THCS, 6 trường tiểu học và 1 trường mầm non trên địa bàn. Hơn 200 học sinh của các trường ở trung tâm thành phố như: Nguyễn Bá Ngọc, Kim Đồng, Nguyễn Duy Hiệu, Lương Thế Vinh… đã may mắn được chọn là những khán giả đầu tiên có cơ hội “mục sở thị” múa rối nước. Ông Dung cho hay, vì chương trình mới đưa vào hoạt động nên chưa thể đáp ứng nhu cầu xem rối nước cho 100% học sinh trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, Phòng GD-ĐT cam kết sẽ phối hợp với Trung tâm VH-TT để có những tiết mục và những tiết học ngoài giờ sinh động, ý nghĩa cho tất cả học sinh. “Toàn thành phố hiện có gần 15 nghìn học sinh thuộc 3 khối: mầm non, tiểu học và THCS. Sắp tới, phòng sẽ đưa rối nước vào tất cả trường học nhằm phục vụ đời sống văn hóa tinh thần cho các em” - ông Dung nói.
Sản phẩm du lịch mới
Kế hoạch đưa nghệ thuật rối nước vào danh sách sản phẩm du lịch phố cổ đã được thành phố thông qua. Hội An kỳ vọng, rối nước khi được đưa vào biểu diễn đại trà, phổ biến sẽ trở thành sản phẩm du lịch mới, độc đáo, được cách tân sao cho mang đậm sắc màu văn hóa, không gian của làng quê Quảng Nam.
Ông Võ Phùng - Giám đốc Trung tâm VH-TT TP.Hội An cho hay, điều đáng mừng là sau thời gian triển khai biểu diễn thí điểm cho một số trường học và điểm phục vụ du khách, chương trình đã nhận được phản hồi tích cực từ nhà trường, phụ huynh, học sinh và du khách. Hiện, chúng tôi nỗ lực xúc tiến để biến múa rối trở thành sản phẩm du lịch mới của phố Hội.
Được sự hỗ trợ của Bộ VH-TT&DL, Cục Nghệ thuật biểu diễn và được sự hỗ trợ của Nhà hát Múa rối Thăng Long, gần 20 diễn viên của Trung tâm VH-TT Hội An đã trải qua thời gian đào tạo, tập luyện với 18 tiết mục rối, trong đó chủ yếu là những tác phẩm kinh điển như Tễu giáo trò, Múa rồng, Em bé chăn trâu - thổi sáo, Cày cấy, cậu Ếch, Đua thuyền, múa lân, Múa tứ linh, múa Bát tiên, truyền thuyết Lê Lợi trả gươm… Bên cạnh đào tạo, tập huấn về kỹ năng biểu diễn, Hội An còn được hỗ trợ về hệ thống âm thanh, ánh sáng, con rối, giáo viên hướng dẫn. “Để phù hợp với không gian văn hóa của miền Trung và Quảng Nam, nhiều tiết mục sẽ được cách điệu để phù hợp với cảm quan nghệ thuật ở khu vực miền Trung” - ông Phùng nói.
HOÀNG LIÊN