Buổi phát thanh đặc biệt

HOÀNG DUNG 28/04/2015 08:04

2 giờ chiều 30.4.1975, có 4 giọng nói được cất lên từ Đài Phát thanh Sài Gòn. Ngoài Tổng thống Dương Văn Minh - người đọc tuyên bố đầu hàng, Thủ tướng Vũ Văn Mẫu, người Sài Gòn lúc bấy giờ còn nghe được 2 giọng Quảng mộc mạc mà cứng rắn của Chính ủy Lữ đoàn tăng 203 - Bùi Văn Tùng và cựu Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn - Nguyễn Hữu Thái, đánh dấu thời khắc lịch sử miền Nam được hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc thống nhất.

40 năm hòa bình, trong ký ức của những người con đất Quảng ấy vẫn vẹn nguyên cảm giác vỡ òa, hạnh phúc và tự hào khi được tham gia thời khắc lịch sử của dân tộc.

Sau khi Quân giải phóng chiếm được dinh Độc Lập, một giọng nam xứ Quảng vang lên trên Đài Phát thanh Sài Gòn: “Đời sống bình thường đã trở lại Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố mà Bác Hồ mong đợi nay đã được giải phóng. Tôi xin giới thiệu ông Dương Văn Minh, ông Vũ Văn Mẫu của chính quyền Sài Gòn đưa ra lời kêu gọi về vấn đề đầu hàng không điều kiện”. Bốn mươi năm sau, người phát thanh viên “bất đắc dĩ” mang tên Nguyễn Hữu Thái (SN1940, quê Đà Nẵng) khi kể lại buổi phát thanh đặc biệt ngày 30.4 lịch sử vẫn vẹn nguyên niềm xúc động…

Ông Nguyễn Hữu Thái (thứ hai, bên phải) cùng cán bộ Quân Giải phóng chờ ông Dương Văn Minh (ngồi, bên phải) đọc tuyên bố đầu hàng tại phòng thu của Đài Phát thanh Sài Gòn vào trưa ngày 30.4.1975. Ảnh tư liệu
Ông Nguyễn Hữu Thái (thứ hai, bên phải) cùng cán bộ Quân Giải phóng chờ ông Dương Văn Minh (ngồi, bên phải) đọc tuyên bố đầu hàng tại phòng thu của Đài Phát thanh Sài Gòn vào trưa ngày 30.4.1975. Ảnh tư liệu

Chứng nhân lịch sử

Sáng sớm 30.4, nắm được tình hình rất cấp bách, cựu Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn - Nguyễn Hữu Thái đã đến Trường Đại học Vạn Hạnh để bàn bạc về công tác chuẩn bị nổi dậy của sinh viên Sài Gòn. Sau đó, ông gặp Thượng tọa Thích Trí Quang đề nghị tác động để chính quyền Sài Gòn chấm dứt ngay cuộc chiến để tránh đổ máu và tàn phá Sài Gòn.

9 giờ sáng, sau khi nghe Tổng thống Dương Văn Minh kêu gọi binh lính chế độ Sài Gòn ngừng bắn, ông Thái cùng lực lượng sinh viên chia làm 2 mũi hướng về Đài Phát thanh và dinh Độc Lập. Khi đến đại lộ Thống Nhất (nay là đường Lê Duẩn) thì thấy một đoàn xe tăng của Mặt trận Dân tộc Giải phóng rầm rộ tiến đến húc đổ cổng sắt, băng qua thảm cỏ và tiến thẳng vào dinh Độc Lập. “Lúc đó tôi cùng giáo sư Huỳnh Văn Tòng đã chạy đến giúp một anh bộ đội cầm cờ Giải phóng để cắm lên nóc dinh Độc Lập. Tôi nghĩ lại đời mình đúng là một sự tình cờ lịch sử. Và càng đặc biệt hơn khi trên nóc dinh Độc Lập lúc ấy là 3 người đại diện cho 3 miền Bắc - Trung - Nam cùng hội tụ ở thời khắc mang tính biểu tượng của lịch sử thống nhất. Lúc đó không chỉ là niềm vui hòa bình mà còn có niềm xúc động Bắc - Trung - Nam từ đây sum họp một nhà. Một ước mơ đã trở thành hiện thực với dân tộc” - ông Thái xúc động nói.

Có chi hơn “đời sống bình thường”

“Người đứng giữa hai làn đạn” là biệt danh mọi người hay dùng để gọi ông Nguyễn Hữu Thái. “Hồi đó, bên ngoài tôi mang lon thiếu úy quân đội Sài Gòn, nhưng bên trong tôi là người của cách mạng. Sau này, khi hòa bình, tôi có sự giao thiệp rộng rãi với bên ngoài và rất nhiều sự nghi ngờ từ cả hai phía dành cho tôi. Tôi nghĩ âu đó cũng là số mệnh của mình, một người đứng giữa hai làn đạn” - ông Thái nói. Đến năm 2000, lý lịch hoạt động của ông Thái được làm sáng tỏ. Lúc đó ông mới được mời đi tham dự những ngày truyền thống của lực lượng tình báo an ninh. Và ông cho biết chưa bao giờ thấy buồn vì sự công nhận muộn màng này. “Lịch sử luôn đúng bởi những giá trị thật của nó. Tôi chỉ nghĩ mình đã làm tròn sứ mệnh của mình” - ông Thái chia sẻ.

Và cũng chính buổi trưa ngày hôm ấy, một câu chuyện bất ngờ đã xảy ra đối với cuộc đời ông Nguyễn Hữu Thái và sau này trở thành dấu ấn lịch sử đặc biệt của ngày chiến thắng 30.4. Trưa hôm ấy, ông được đi cùng với các cán bộ và chiến sĩ Quân giải phóng áp giải Tổng thống Dương Văn Minh và một số thành viên nội các của chính quyền Sài Gòn ra Đài Phát thanh Sài Gòn để đọc lời tuyên bố đầu hàng.

Tại Đài Phát thanh Sài Gòn, lúc đó do tình hình rất gấp nên ông được giao làm phát thanh viên phát đi lời thông báo về việc Tổng thống Dương Văn Minh đọc tuyên bố đầu hàng, lời thông báo mở đầu mang tính lịch sử của dân tộc. Và ngay sau lời thông báo của ông, Tổng thống Dương Văn Minh, vị tổng thống cuối cùng của chế độ Việt Nam Cộng hòa đã đọc lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Lúc đó vào khoảng 14 giờ 20 phút theo giờ Sài Gòn, tức 13 giờ 20 phút theo giờ Hà Nội (thời đó giờ Sài Gòn chậm hơn Hà Nội 1 tiếng). Hàng vạn người đã vỡ òa trong niềm vui ngày thống nhất.

“Lúc đó tôi thực sự tự hào vì được mang trọng trách lớn lao. Sống qua 40 năm kể từ ngày đó, tôi vẫn nhớ mãi câu “Đời sống bình thường đã trở lại Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh”. Với tôi chẳng có gì hơn một đời sống bình thường. Phải trải qua những gian khổ của cuộc chiến tranh ấy, bạn mới thấy quý giá và thiêng liêng biết bao khi được nghe tuyên bố đời sống bình thường đã trở lại” - ông Thái tâm sự.

Người thảo bản tuyên bố đầu hàng cho tướng Minh

“Ngày cuối tháng 4.1975 những chiếc xe tăng T54 và T59 thuộc Lữ đoàn tăng 203 cắm cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng từ Biên Hòa lao về Sài Gòn với mục tiêu duy nhất và cuối cùng chính là dinh Độc Lập. Trong tay tôi lúc đó chỉ có tấm bản đồ du lịch người bà con tặng khi tôi ghé về thăm nhà. Sài Gòn lúc đó đã nằm trong tầm tay của những người lính tăng chúng tôi! Cầm tấm bản đồ mà lòng cứ rung lên bần bật” - Trung tá Bùi Văn Tùng, nguyên Chính ủy Lữ đoàn tăng 203 bồi hồi nhớ lại.

Chính ủy Bùi Văn Tùng.
Chính ủy Bùi Văn Tùng.

Theo ký ức của ông Tùng, vào lúc 9 giờ 30 phút sáng 30.4, tại cầu Sài Gòn bất ngờ đoàn xe tăng bị chặn lại bởi hỏa lực của 8 chiếc M48 và M113. Đúng vào lúc này, trên radio, Tổng thống Dương Văn Minh đơn phương tuyên bố ngừng bắn và Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh “yêu cầu binh sĩ chấp hành lệnh của tổng thống”. Thế nhưng bất chấp lệnh đó, tiếng súng kháng cự và cuộc giao tranh vẫn diễn ra. “Nhiệm vụ của người lính lúc này là bằng mọi cách phải tiến thẳng vào dinh Độc Lập. Tôi và các chiến sĩ khác lật tung tấm bản đồ du lịch tìm kiếm con đường ngắn nhất, thuận tiện nhất để di chuyển” - ông Tùng kể.

“Tôi lúng túng không biết làm sao thảo một văn kiện đầu hàng. Từ bé đi học, lớn lên làm anh Bộ đội Cụ Hồ đã mấy chục năm, chưa ai chỉ vẽ cho tôi cách soạn thảo văn bản đầu hàng cho đối phương cả. Với tôi lúc đó cách mạng chỉ có 2 vấn đề cơ bản nhất: chính quyền và quân đội. Khi mất chính quyền thì quân đội không còn. Và ngược lại, không có quân đội thì chính quyền không thể tồn tại. Nghĩ đến đó, tôi với tay lấy bút và tập giấy pơ-luya trên bàn viết và đưa cho Dương Văn Minh đọc. 40 năm, nghĩ lại giờ phút đó, tôi thấy tim mình vẫn như rung lên! Giải phóng rồi! Độc lập rồi!”.
(Trung tá Bùi Văn Tùng - Chính ủy Lữ đoàn tăng 203, người thảo lời đầu hàng cho Tổng thống Dương Văn Minh)

“Ngã tư Hàng Xanh đã ngay trước mặt. Đường nào vào dinh Độc Lập? Tôi và mấy anh em dò nhanh trên bản đồ. Nhiều năm sau nghĩ lại tôi vẫn xem tấm bản đồ du lịch Sài Gòn - Gia Định lúc đó thực sự là một cứu cánh để tôi và nhiều người khác thực hiện nhiệm vụ” - Chính ủy Tùng nói.

12 giờ trưa 30.4.1975, dinh Độc Lập đã nằm dưới quyền kiểm soát của Quân giải phóng. Lúc bấy giờ, trong đầu Trung tá Bùi Văn Tùng nghĩ ngay đến việc cấp thiết phải làm là buộc Dương Văn Minh đọc tuyên bố đầu hàng trên Đài Phát thanh Sài Gòn. “Lúc ngồi trên xe Jeep cùng Tổng thống Dương Văn Minh, Thủ tướng Vũ Văn Mẫu, giáo sư Huỳnh Văn Tòng, Nguyễn Hữu Thái và nhà báo Tây Đức Borries Gallasch để đi đến Đài Phát thanh Sài Gòn, mặc dù rất mệt mỏi nhưng trong đầu tôi luôn nghĩ làm sao để ông Minh đọc được lời tuyên bố đầu hàng rõ ràng và ngắn gọn nhất?” - ông Tùng kể.

Tại Đài Phát thanh Sài Gòn lúc ấy, trong khi mọi người chạy đôn chạy đáo để tìm kiếm pin, thiết bị ghi âm thì Tổng thống Dương Văn Minh bảo với Trung tá Bùi Văn Tùng: “Ông muốn tôi nói thế nào thì ông cứ viết ra đi! Và tôi muốn được gọi là tướng Minh chứ đừng gọi là Tổng thống”. Trung tá Bùi Văn Tùng lắc đầu bảo: “Dù có làm Tổng thống chính quyền trong một giờ thì ông vẫn là tổng thống. Tôi nghĩ ông phải xưng là tổng thống và chịu trách nhiệm với tuyên bố đầu hàng này”.

“Tôi lúng túng không biết làm sao thảo một văn kiện đầu hàng. Từ bé đi học, lớn lên làm anh Bộ đội Cụ Hồ đã mấy chục năm, chưa ai chỉ vẽ cho tôi cách soạn thảo văn bản đầu hàng cho đối phương cả. Với tôi lúc đó cách mạng chỉ có 2 vấn đề cơ bản nhất: chính quyền và quân đội. Khi mất chính quyền thì quân đội không còn. Và ngược lại, không có quân đội thì chính quyền không thể tồn tại. Nghĩ đến đó, tôi với tay lấy bút và tập giấy pơ-luya trên bàn để viết và đưa cho Dương Văn Minh” - ông Tùng kể

Sau lời thông báo của cựu Tổng hội Sinh viên Sài Gòn - Nguyễn Hữu Thái. Đúng 14 giờ 20 phút (giờ Sài Gòn), trên Đài Phát thanh Sài Gòn vang lên tuyên bố đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh: “Tôi, Đại tướng Dương Văn Minh, Tổng thống chính quyền Sài Gòn, kêu gọi quân lực Việt Nam Cộng hòa hạ vũ khí đầu hàng không điều kiện Quân giải phóng miền Nam Việt Nam. Tôi tuyên bố chính quyền Sài Gòn từ trung ương đến địa phương phải giải tán hoàn toàn. Từ trung ương đến địa phương trao lại cho Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam”.

Tiếp sau lời tuyên bố của Dương Văn Minh là lời của Thủ tướng Vũ Văn Mẫu và sau đó vang lên giọng miền Trung của Trung tá Bùi Văn Tùng: “Chúng tôi đại diện lực lượng Quân giải phóng miền Nam Việt Nam long trọng tuyên bố thành phố Sài Gòn đã được giải phóng hoàn toàn, chấp nhận sự đầu hàng không điều kiện của ông Dương Văn Minh, tổng thống chính quyền Sài Gòn”.

Giữa những ngày cuối tháng 4 lịch sử này, Chính ủy Lữ đoàn tăng 203 Bùi Văn Tùng năm nào đã yếu hơn rất nhiều sau cơn tai biến của tuổi già. Thế nhưng, trong câu chuyện được kể lại bằng giọng run run và không tròn tiếng với thế hệ trẻ, ánh mắt của ông vẫn hừng hực ngọn lửa của lòng yêu nước. Ông bảo: “Đó là quá khứ hào hùng của một đời người. Trải qua bao nhiêu khổ cực, vinh quang và những tranh cãi xung quanh tuyên bố đầu hàng ngày 30.4 mà một thời báo chí và nhiều nhà nghiên cứu tốn rất nhiều giấy mực, đến giờ tôi vẫn luôn nghĩ mình đã thực hiện đúng nghĩa vụ người lính. Ước nguyện tuổi già là được về với quê nhà Quảng Nam - Đà Nẵng. Đời người có là bao nữa đâu!”.

HOÀNG DUNG

HOÀNG DUNG