Nhớ tuổi 17
Dài theo cả cuộc đời, đôi mắt đã trĩu đi theo tháng năm, nhưng ký ức của ông về những ngày hào hùng và cũng lắm những đau thương, vẫn đeo đuổi… Người đàn ông ấy là Trương Văn Cần, hiện sống tại TP.Đà Nẵng. Từ sau ngày thống nhất đất nước đến nay, trọn 40 năm, vẫn không ngừng tìm kiếm ký ức của mình.
Người trẻ nhất hội nghị Oslo 1971
Cuộc họp lần thứ hai của Ủy ban Điều tra tội ác của Mỹ tại Đông Dương năm 1971 (diễn ra ở Oslo - NaUy), thế giới chứng kiến một chàng trai khá nhỏ của Việt Nam, rành rọt từng lời trước báo chí Mỹ và các nước châu Âu. Khi ấy, chàng thanh niên Trương Văn Cần mới 17 tuổi, và là người nhỏ tuổi nhất tại hội nghị. Thời khắc đứng trước hàng trăm người, mỗi lời nói ra được xem như phát ngôn của thanh niên một đất nước đang chịu rất nhiều đau thương, và ông đã trải gan ruột mình ra với rất nhiều những cảnh tượng chứng kiến tại quê hương.
Ảnh: SONG ANH |
Ông Cần cho hay, hội nghị Oslo năm 1971, Việt Nam có hai đoàn tham dự. Đoàn Cộng hòa miền Nam Việt Nam do ông Nguyễn Văn Tiến làm Trưởng đoàn. Đoàn của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do ông Phạm Văn Bạch làm Trưởng đoàn. Ông Cần là một trong 7 người của Đoàn Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Ông nói: “Đoàn chúng tôi khi ấy có anh Đảm là sinh viên ở Sài Gòn, chị Tâm ở Thăng Bình (Quảng Nam), chị Phụng ở Vũng Tàu, chú Kha phiên dịch tiếng Pháp, ông Nguyễn Văn Thanh là Phó đoàn. Ông Tiến lúc đó đang ở Pháp, bay thẳng sang Oslo. Chúng tôi phải bay qua các chặng Hà Nội - Viêng Chăn - Pakistan - Ấn Độ - Uzebekistan - Matxcơva rồi mới đến NaUy. Khi ấy, tôi là người nhỏ tuổi nhất của Việt Nam tham dự hội nghị, có lẽ cũng là người nhỏ tuổi nhất tại hội nghị”.
Trước đại diện của 106 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự hội nghị, chàng thanh niên Trương Văn Cần đã vạch trần tội ác của Mỹ khiến toàn thể hội nghị sục sôi căm giận. Lúc đó, những hình ảnh mất mát của gia đình, quê hương hiện dần lên trong trí nhớ chàng trai Trương Văn Cần. Năm 1964, ông tận mắt chứng kiến một người mẹ hy sinh để lại 6 anh em nheo nhóc. Sau đó trong trận càn của giặc một đứa em chết, một đứa em bị thất lạc khi điều trị vết thương do đạn giặc. Trong những lần giặc càn về quê hương ông còn chứng kiến nhiều hình thức tra tấn dã man… Và sau đó chính ông là người bị tra tấn bằng nhiều thủ đoạn dã man trong nhà tù Mỹ ngụy. Tất cả được nói lên, từ một giọng Quảng rặt của chàng trai bé nhỏ nhưng gan dạ, khẳng khái.
Sau khi tố cáo tội ác của Mỹ ngụy, nhiều phóng viên quốc tế đã đặt câu hỏi cho Trương Văn Cần. Đặc biệt, đến bây giờ, ông vẫn còn nhớ một phóng viên người Mỹ đặt câu hỏi: “Chuyện xảy ra từ năm 1964 mà sao đến giờ cậu còn nhớ rõ từng chi tiết như vậy. Có phải cộng sản mớm lời cho cậu học thuộc không?”. Ngay lập tức, Trương Văn Cần đanh thép trả lời: “Tội ác mà Mỹ gây ra cho gia đình, quê hương tôi đã khắc sâu trong đầu mỗi người dân chúng tôi. Nếu cha mẹ, anh em ruột thịt của ông bị bắn chết ngay trước mắt ông thì ông có quên được không? Không chỉ một năm, mười năm mà hàng trăm năm sau, chúng tôi cũng không thể quên”.
Dấu ấn
Hơn 50 năm qua, ông Trương Văn Cần vẫn ngày đêm đi tìm người em gái bị thất lạc của mình. Cô bé có tên Trương Thị Ái Em, sinh năm 1958, bị thất lạc lúc mới 6 - 7 tuổi khi đang điều trị vết thương ở chân tại nhà thương Đà Nẵng, do giặc bắn. |
Để được chọn là tiếng nói đại diện cho thanh niên miền Nam Việt Nam trước dư luận thế giới, Trương Văn Cần có một tuổi thơ dữ dội và thời niên thiếu nhiều dấu ấn. Sinh năm 1954 tại làng Thu Bồn (Duy Tân, Duy Xuyên), năm 1967 ông tham gia đội du kích Nguyễn Văn Trỗi. “Khi ấy chị em trong nhà không ai biết tôi hoạt động cách mạng. Tôi thường giấu vũ khí ở bụi mía sau nhà. Cuối năm 1967 tôi tổ chức đánh trận đầu tiên. Bọn giặc ngày đó thường tập đội hình, thấy tôi hay ngang qua nhưng nghĩ là thằng bé chăn trâu nên chẳng đề phòng gì. Hôm đó lựa lúc chúng không để ý, tôi nấp vào một chỗ kín, ném quả lựu đạn vào giữa đội hình. Vì là lần đầu tiên nên khá hoảng sợ, mình chạy ngay về hầm trú ẩn. Còn bọn giặc điên cuồng nã đạn tứ phía. Hôm sau thấy bảo chết 4 - 5 tên. Năm 1968 tôi được công nhận Dũng sĩ diệt Mỹ. Năm 1969 thêm 2 lần được công nhận danh hiệu này” - ông Cần kể.
Đầu tháng 3.1970, ông Trương Văn Cần bị bắt sau khi tiêu diệt 8 tên địch. Ông nhớ lại: “Khoảng 12 giờ trưa, cách trận đánh khoảng 5 ngày, khi tôi vừa đưa bát cơm lên, tên ấp phó và hai dân vệ ập vào nhà bắt đi luôn. Chúng đưa tôi vào quận Đức Dục phía tây Duy Xuyên. Khi vào phòng, đầu vẫn đội nón lá, chưa thấy hỏi han gì, tự nhiên có bốn năm tên to con nhảy vào đánh mình tới tấp. Chúng thẩm vấn và tra tấn đan xen liên tục. Các hình thức tra tấn gồm: dùng thước vuông đánh vô mấy đầu ngón chân, tra điện lên 2 tay, sau đó tra điện ở 2 tai, kê súng vào đầu dọa giết. Màn cuối cùng là đổ xà phòng. Chúng để mấy cái ghế nhựa, đè người tôi xuống, để khăn lên mặt, đổ cho nước xà phòng thấm dần vào. Xà phòng xộc vào mũi, miệng đến no bụng. Cuối cùng, mình chỉ nhận là người ném lựu đạn chứ không khai ra tổ chức vì biết rằng bọn này sẽ tra tấn đến mức “không thành có, có sẽ thành chết””.
Sau đó địch đưa ông xuống nhà lao Hội An. Tại đây, ông nhiều lần phản cung khiến cho chúng hết sức tức tối nhưng không thể làm được gì. Suốt gần một năm trời không khai thác được thông tin gì, đến cuối năm 1970 địch đành phải trả tự do cho ông. Khi đó ông mới vừa 16 tuổi.
SONG ANH