Nam Giang - Những "cánh cửa" đã mở...

ALĂNG NGƯỚC - PHƯƠNG GIANG 24/04/2015 08:13

Như những mái gươl sừng sững giữa núi rừng, người Nam Giang vẫn đang bền bỉ đón đầu những cơ hội, tiếp tục vươn lên giữa bộn bề gian khó.

Hào khí Coong Zêl

Ngày cũ, khi Bến Giằng là một trong số những “tọa độ chết” giữa núi rừng Trường Sơn, quê hương Nam Giang chìm trong khói bom. Những làng Rô, làng Ngói, cùng biết bao bản làng khác phủ kín chất độc hóa học của máy bay Mỹ. Đã có gần một nghìn người đói, hàng trăm người chết vì dịch bệnh. Nhưng ác liệt của cuộc chiến càng thắp thêm lòng căm thù, ý chí chiến đấu của quân và dân trên mảnh đất này.

Nửa thế kỷ, đủ dài để phôi pha những ký ức đau thương, nhưng tiếng súng của chiến dịch giải phóng Coong Zêl, cứ điểm cuối cùng của Mỹ - ngụy trên núi rừng Nam Giang như còn vang vọng. Giữa bếp lửa gươl làng, niềm hân hoan ngày giải phóng vẫn ngân nga trong câu hát lý của già làng. Cứ điểm Coong Zêl, nơi những chông thò, cụm bẫy trở thành nỗi khiếp sợ của quân thù, cũng là một tượng đài chiến thắng trong lòng người dân Nam Giang. Ông Hiền Văn Ôn - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Nam Giang chia sẻ: “Chiến thắng Coong Zêl là niềm tự hào, ghi dấu tinh thần cách mạng, tình đoàn kết của các dân tộc Cơ Tu, Ve, Tà Riềng... trên vùng đất Nam Giang”. Dấu chân của những người lính, người du kích năm xưa còn in khắp các nẻo rừng. Tháng 4 lịch sử vọng về lời thề năm xưa của Ủy ban Mặt trận Dân tộc giải phóng huyện Nam Giang: “Men rượu có thể lạt mùi, muối có thể tan thành nước nhưng lòng căm ghét giặc Mỹ và tay sai không bao giờ phai mờ và nguôi giận trong bụng gan; quyết đạp bằng mọi gian khổ, hy sinh, quyết trả đầu bọn xâm lược Mỹ và bè lũ tay sai để giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, thống nhất đất nước”.

Con đường Hồ Chí Minh đi qua thị trấn Thạnh Mỹ, tạo động lực phát triển vùng.
Con đường Hồ Chí Minh đi qua thị trấn Thạnh Mỹ, tạo động lực phát triển vùng.

“Ngày làm rẫy, tối vót chông”, tinh thần thép của nhân dân Nam Giang đã tạo nên sức mạnh đứng lên chống giặc. Giai đoạn 1965 - 1975, không quân và bộ binh Mỹ - ngụy đã đánh phá, ngăn chặn ác liệt, mỗi ngày có hàng trăm tấn bom đạn trút xuống ngã ba sông Thanh - Bến Giằng. Chỉ riêng trong hai năm 1966 - 1967, 1/4 dân toàn huyện bị đói, hàng trăm người đói kiệt. Tinh thần đoàn kết được phát huy, từng gùi sắn, từng ang lúa chia nhau giúp đồng bào đi qua những khó khăn của cuộc chiến. Thành quả của những cống hiến đó là hơn 3.600 huân - huy chương được Đảng và Nhà nước trao tặng; 15 Bà mẹ Việt Nam anh hùng; nhiều địa phương, cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Thắng lợi của cuộc tranh đấu bền bỉ đó là một nốt nhạc trong bản hùng ca đại thắng mùa xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất nước nhà.

Năm tháng trôi qua, những người anh hùng như: Alăng Bin, Conh Nhấp, Bh’nướch Đhố... nay đã hóa thân vào quê hương sông núi. Nắm cơm, hạt muối của amế, ama hay Quyết tâm thư trên cật tre của nhân dân làng Mực như một minh chứng trường tồn cho khát vọng tự do, cho lòng trung thành của đồng bào vùng cao với cách mạng. Tiếng súng của đấu tranh, của tự do mà biết bao thế hệ đi trước viết nên nay trở thành hào khí oai hùng cho cháu con bước tiếp chặng đường xây dựng.

Trí thức trẻ Nam Giang cùng tham gia quảng bá sản phẩm du lịch miền núi. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Trí thức trẻ Nam Giang cùng tham gia quảng bá sản phẩm du lịch miền núi. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Trong nhịp chiêng vui

Hội làng vùng cao. Những lo toan đã nằm lại đâu đó bên ngoài bếp lửa, chỉ có tiếng nói cười tan theo từng bước chân nhịp nhàng của thiếu nữ người Ve, Cơ Tu, Tà Riềng. Trong những thanh âm của điệu hát, của tiếng đinh-tút ngân nga, hay tiếng chiêng vang vọng khắp núi rừng là niềm hân hoan về một mùa bội thu, về bản làng đang từng ngày đổi khác. Từ Côn Zốt, Pà Lan, Pêtapoót... đến tận các bản làng vùng thấp, đồng bào các dân tộc anh em trở về với ngày hội để tìm nhau. Đó là lễ hội của ấm no, của tình đoàn kết, của cả những tinh hoa văn hóa truyền thống đang còn được gìn giữ. Tóc đã bạc, mắt đã mờ nhưng cứ mỗi dịp cận kề ngày hội chung, già làng Chơ Rum Nhiếr (người dân tộc Tà Riềng, ở thôn Đắc Tà Vâng, xã Đắc Tôi) lại háo hức tìm về để cùng ngồi hát lý, cùng thổi đinh-tút với những người anh em Cơ Tu, Ve. Với ông Nhiếr và những người bạn vùng cao bây giờ, con đường đến với ngày hội đã bớt ám ảnh về “đói cơm, lạt muối” của cuộc sống thường ngày. Họ còn được vui với du khách, khi văn hóa truyền thống trở thành một đặc sản du lịch của quê hương mình.

Trong chiến tranh, quân và dân Nam Giang đã vận chuyển được hơn một triệu tấn hàng, vũ khí vào cho các chiến trường, bảo đảm chỉ huy hành quân cho hơn 2 triệu lượt người vào chiến trường hoặc từ chiến trường ra Bắc; vận chuyển cơ động 10 lượt sư đoàn, 3 quân đoàn, hộ tống 90 đơn vị binh chủng kỹ thuật... Năm 2002, huyện Nam Giang vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng Huân chương Lao động hạng Ba; ngành Thương mại huyện được tặng Huân chương Lao động hạng Hai và hạng Ba; các ngành Y tế, Tòa án, GD-ĐT huyện, Trường Dân tộc nội trú huyện được trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba, cùng nhiều bằng khen cấp cao khác.

Du lịch, đã không còn là một giấc mơ với người dân xứ núi. Làng dệt thổ cẩm Za Ra nay bắt đầu nghĩ đến chuyện đón du khách, quảng bá những tinh hoa nghề dệt truyền thống của dân tộc mình. Sản phẩm của làng dệt Za Ra nay đã xuất hiện tại các cuộc triển lãm làng nghề truyền thống, các tour du lịch lữ hành, hay phiên chợ vùng cao. Những phụ nữ ở Za Ra đã có quyền nghĩ đến một cuộc sống khác bên ngoài nương rẫy, khi đôi bàn tay tài hoa của họ có thể làm ra nhiều sản phẩm du lịch độc đáo. Ông Aviết Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang xem đây là một trong những kỳ vọng xóa bỏ đói nghèo, hồi sinh cho các bản làng vùng cao. “Chúng tôi đã nhìn thấy triển vọng của các sản phẩm du lịch dựa trên yếu tố văn hóa truyền thống đồng bào. Đây là cơ hội để đa dạng hóa sinh kế, từng bước cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập cho người dân miền núi”- ông Sơn nói. Niềm tin cho triển vọng đó, theo ông Sơn, là đội ngũ cán bộ trẻ kế cận, là con em đồng bào bản địa. Với trình độ và sự sáng tạo, họ sẽ là lực lượng nòng cốt trong việc triển khai những lối đi mới, trong đó có du lịch trên mảnh đất này. Bởi trong họ, còn có tình yêu, trách nhiệm với quê hương của chính mình.

Khi đường Trường Sơn Đông, đường Hồ Chí Minh và con đường từ Cửa khẩu Nam Giang - Đắc Tà Oọc đang vươn mình về Thạnh Mỹ, những cánh cửa bắt đầu mở ra đánh thức giấc mơ hội nhập kinh tế vùng. Đã có Nhà máy xi măng Thạnh Mỹ tổng vốn đầu tư gần 4 nghìn tỷ đồng; Nhà máy thủy điện Sông Bung 4, Sông Bung 2; Khu kinh tế Cửa khẩu Nam Giang - Đắc Tà Oọc... chắp cánh cho những cơ hội phát triển của địa phương. Ông Alăng Mai - Chủ tịch UBND huyện Nam Giang nói: “Ước vọng của Nam Giang là một cung đường du lịch với kho tàng văn hóa các dân tộc độc đáo và đầy màu sắc. Ước vọng đó còn là khát khao đến từ những nhà máy, khu thương mại, con đường giao thương sang nước bạn Lào. Nam Giang, chặng đường 50 năm chính là điểm tựa để địa phương nắm lấy cơ hội biến những ước vọng đó thành hiện thực”.

Không ở đâu xa, cuộc đổi thay của quê hương Nam Giang đang hiện hữu trong từng nếp nhà, từng bếp lửa của đồng bào. Lặng lẽ mà năng động, vùng biên đang bước tiếp những bước đi vững chắc của mình trên hành trình mới.

ALĂNG NGƯỚC - PHƯƠNG GIANG

ALĂNG NGƯỚC - PHƯƠNG GIANG