Chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình tại Nam Giang: Chuyển biến nhận thức
Vấn đề chăm sóc sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình ở các huyện miền núi đang được quan tâm, đặc biệt là đối với chị em phụ nữ dân tộc thiểu số. Nam Giang là một trong những huyện miền núi luôn chú trọng về vấn đề này.
Phụ nữ miền núi Nam Giang đã biết cách chăm sóc cho con cháu tốt hơn. Ảnh: T.L |
Đẩy mạnh tuyên truyền
Nam Giang là huyện có nhiều dân tộc thiểu số như người Cơ Tu, Ve, Tà Riềng sinh sống rộng khắp trên địa bàn huyện. Vấn đề chăm sóc sức khỏe sinh sản cũng như kế hoạch hóa gia đình ở đây được chú trọng bởi theo ông Alăng Mai, Chủ tịch UBND huyện Nam Giang thì có như vậy mới cải thiện được cuộc sống, nâng cao dân trí và quan trọng nhất là sức khỏe của người dân được đảm bảo.ư
Ông Phan Văn Đồng, Phó Giám đốc Trung tâm Dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) huyện Nam Giang cho biết, để chăm sóc sức khỏe sinh sản cũng như tuyên truyền cho công tác DS-KHHGĐ, hàng tháng các cán bộ của trung tâm đều xuống địa bàn, đi đến từng thôn bản để tổ chức tuyên truyền. “Cho đến thời điểm hiện tại, có thể nói rằng nhận thức của người dân đã có nhiều chuyển biến rõ rệt. Mình tuyên truyền không những chỉ cho các chị em phụ nữ mà ngay cả những người đàn ông trong gia đình có thể hiểu được. Bởi họ là trụ cột của gia đình, nếu họ hiểu thì người phụ nữ sẽ được chăm sóc tốt hơn…”- ông Đồng nói.
Trong thời gian vừa qua, trung tâm đã phối hợp cùng với các đồn biên phòng đóng trên địa bàn huyện tổ chức cho ra mắt các câu lạc bộ thôn không sinh con thứ 3 gắn với việc chăm sóc sức khỏe sinh sản cho chị em phụ nữ. Cùng với những biện pháp tuyên truyền vận động bà con dân tộc thiểu số, nhận thức của họ về tầm quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe đã được nâng lên rõ rệt. Trẻ em đã được đưa đi tiêm chủng, phụ nữ mang thai đã đi đến trạm y tế khám định kỳ đồng thời tiêm phòng uốn ván…
Chị Bh’nướch Thị Út, thôn Vinh, xã Tà Pơơ, huyện Nam Giang, cho biết, chị đang trong thời kỳ mang thai và chị thường xuyên đến trung tâm y tế để khám định kỳ, kiểm tra thai nhi. “Từ khi được cán bộ y tế tư vấn, hướng dẫn cách chăm sóc thai để sinh ra đứa con khỏe mạnh, mình đều làm theo. Ai cũng muốn đứa con mình sinh ra được khỏe mạnh. Và muốn nuôi dạy con thật tốt thì không nên sinh nhiều, nhiều con không có điều kiện chăm sóc cho nó…”- chị Út cười nói.
Thể hiện bằng hành động
Tình trạng sinh con thứ 3 đã giảm đi rất nhiều đối với các gia đình dân tộc thiểu số ở huyện Nam Giang. Để làm được điều này hoàn toàn không dễ, đòi hỏi các cán bộ dân số của trung tâm phải vận động liên tục, xuyên suốt mới mang lại hiệu quả cao.
Chị Brao Hoàn, cán bộ dân số xã Tà Pơơ, huyện Nam Giang cho biết, để đạt được hiệu quả như mong muốn phải đi từng nhà, rà từng đối tượng, rồi họp nhóm, tuyên truyền nâng cao kiến thức của chị em phụ nữ. “Đa số chị em ở đây đều hưởng ứng việc không sinh con thứ 3 và quan tâm đến việc chăm sóc sức khỏe của mình cũng như con cái. Những tập tục xưa cũ hầu như cũng dần được xóa bỏ. Đó là những dấu hiệu rất đáng mừng…” - chị Hoàn cho biết.
Chị Nguyễn Thị Hiệp thôn Vinh, xã Tà Pơơ, huyện Nam Giang cho biết, nhận thức của phụ nữ về sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình đã được thay đổi đáng kể. Đó là nhờ các cán bộ của trung tâm không quản ngại xa xôi vẫn đi vận động, tuyên truyền, cung cấp cho họ những kiến thức cơ bản tự chăm sóc tốt cho sức khỏe của mình. “Giờ mình mới biết phải tiêm chủng đúng lịch, đúng thời điểm cho bà mẹ và trẻ em mạnh khỏe. Chứ hồi trước có biết gì đâu. Trời cho thì cứ nhận. Trời sinh trời dưỡng mà…”- chị Hiệp nói.
Theo ông Phan Văn Đồng, cứ định kỳ vào ngày 18 hàng tháng trung tâm lại tổ chức khám thai, tiêm chủng, đồng thời tư vấn miễn phí về cách chăm sóc sức khỏe thai nhi cũng như con nhỏ cho các chị em phụ nữ của địa phương ngay tại gươl. Chính vì vậy, gần như toàn bộ chị em phụ nữ đều tham gia và yên tâm khi được cán bộ dân số, cán bộ y tế xã, huyện tư vấn các kiến thức cần thiết để làm mẹ an toàn.
Có được thành quả này chính là nhờ huyện Nam Giang đã đẩy mạnh các chiến dịch truyền thông “tăng cường dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản đến vùng đặc biệt khó khăn, vùng có mức sinh cao”. Bên cạnh đó, tổ chức lồng ghép 3 gói dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho chị em phụ nữ dân tộc thiểu số, nên giờ đây, các bản làng vùng cao biên giới của huyện Nam Giang đã và đang được thực hiện rất nghiêm túc, mang lại hiệu quả cao.
TUỆ LÂM- TẤN SỸ