Nghĩa cử và trách nhiệm

NHẬT PHONG 23/04/2015 08:43

Tri ân anh hùng, liệt sĩ, không để gia đình chính sách nào gặp khó khăn là “mệnh lệnh từ trái tim” của tất cả người dân Duy Xuyên trong suốt nhiều năm qua.

Đền Tưởng niệm liệt sĩ Duy Xuyên. Ảnh: M.HẢI
Đền Tưởng niệm liệt sĩ Duy Xuyên. Ảnh: M.HẢI

Không gian thiêng

Đền Tưởng niệm liệt sĩ Duy Xuyên sừng sững, uy nghi, rộng hơn 2ha, được dựng trong khuôn viên Nghĩa trang liệt sĩ thị trấn Nam Phước. Ven con lộ ĐT610, cách ngã ba Nam Phước 2km, giữa những cánh đồng vàng, không gian thiêng thơm nồng mùi trầm hương, định hình từ mấy năm nay giống như một công viên tâm linh. Nơi ấy không chỉ nơi thờ cúng vong linh anh hùng liệt sĩ mà còn là nơi trú chân cho những người dân khắp nơi tìm về xứ sở anh hùng, viếng thăm, tìm mộ liệt sĩ. Những người có trách nhiệm tại địa phương nói nỗ lực đền ơn, đáp nghĩa, chăm lo đời sống gia đình chính sách, tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ vào 12 nghĩa trang khang trang trên toàn huyện… chỉ mới góp phần làm vợi đi vết thương chiến tranh, bớt đi khó nhọc của các gia đình chính sách, nhưng so với những cống hiến, hy sinh cao cả của các liệt sĩ, cố gắng ấy vẫn là điều quá nhỏ bé.

Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Duy Xuyên chưa thể yên lòng khi chiến tranh đã lùi xa 40 năm, nhưng quá nhiều liệt sĩ vẫn không có được dòng tên trên bia mộ. Nỗi day dứt, xót xa cứ âm thầm chảy khắp châu thân người hiện tại khi nghĩ về xác thân liệt sĩ vẫn biệt âm, còn nằm sót lại đâu đó trên những cánh rừng thâm u, nơi bìa rừng, sông suối hoang vắng. Những dòng tin nhắn tìm đồng đội trên báo, đài hàng ngày như xát muối vào vết thương chiến tranh đã “lành miệng”. Đồng đội tiếp tục từng ngày lặng lẽ nơi thâm sơn cùng cốc, đèo cao hiểm trở, mở những cuộc kiếm tìm vô vọng như “mò kim đáy bể” giữa nỗi thắc thỏm ngóng chờ của người thân. Đền tưởng niệm liệt sĩ với mong muốn đón các anh về “nhận mặt quê hương” đã ra đời trong niềm khoắc khoải, ưu tư. Họ nói chưa bao giờ có cuộc vận động nào kêu gọi sự đóng góp tích cực từ cộng đồng khắp nơi như cuộc vận động xây dựng đền tưởng niệm liệt sĩ này.

Mệnh lệnh trái tim

Nhắc tới Duy Xuyên là nhắc về vùng đất anh hùng, nhắc tới hàng trăm gia đình cả 3 thế hệ nối tiếp nhau cầm súng đánh giặc, là kể đến những người mẹ không chỉ “ba lần tiễn con đi…” để nhận về một di ảnh. Hai lần Duy Xuyên được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang, 14 đơn vị, địa phương trên địa bàn và 22 cá nhân được vinh danh Anh hùng lực lượng vũ trang, 12.000 liệt sĩ, 3.600 thương bệnh binh, 2.000 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 15.300 gia đình có công với nước… là những con số thực, có thể đo đếm được, nhưng không thể nào định lượng hết được nỗi đau thương nén chặt trong mỗi người đang sống.

Theo Bí thư Huyện ủy Duy Xuyên - Nguyễn Văn Khương, nghĩa trang liệt sĩ mỗi xã sẽ tiếp tục trùng tu, tôn tạo. Những cuộc sưu tra, tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ, chăm lo gia đình chính sách sẽ vẫn tiếp tục. Không một người có công cách mạng nào bị bỏ sót hoặc thiếu quan tâm. Gia đình chính sách đã được sống trong những ngôi nhà khang trang, kiên cố. Người có công cách mạng đều sẽ được hoàn tất hồ sơ để hưởng chế độ chính sách và sẽ không để trường hợp nào gặp khó khăn về đời sống. Phong trào đền ơn đáp nghĩa cũng được triển khai trên diện rộng, đều khắp hơn. Tuy nhiên, ông Khương nói vẫn còn một nỗi lo lớn chưa thể giải quyết. Đó là sau những cuộc phúc tra, hoàn tất thủ tục, năm 2014 Duy Xuyên có thêm 135 trường hợp được vinh danh Bà mẹ Việt Nam anh hùng, trong đó nhiều mẹ còn sống, nhưng phần lớn chưa có đơn vị nhận phụng dưỡng. Đảng bộ, chính quyền địa phương đã phát đi lời kêu gọi, nhưng chưa có tín hiệu gì từ cộng đồng.

Đền tưởng niệm thờ cúng liệt sĩ như một biểu tượng, thể hiện lòng tri ân liệt sĩ, thân nhân, đồng bào cả nước đã hy sinh cho mảnh đất Duy Xuyên. “Sẽ tổ chức nhiều chuyến hành hương về nguồn, nhiều hoạt động tâm linh mang tính hướng thiện, giữ lửa, khơi dậy lòng yêu nước, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Nhưng tất cả sẽ trở thành vô nghĩa nếu thân nhân anh hùng, liệt sĩ, những gia đình chính sách, có công cách mạng… không được chăm lo đầy đủ. Những Bà mẹ Việt Nam anh hùng không người phụng dưỡng. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương sẽ tiếp tục nỗ lực thực hiện sứ mệnh này với tất cả nghĩa cử và trách nhiệm” - ông Khương nói.

NHẬT PHONG

NHẬT PHONG