Bỏ hoang nhà truyền thống - Bài 2: Khoảng trống quản lý, đầu tư

SONG ANH - VĨNH LỘC 21/04/2015 08:41

Công tác quản lý, phát triển làng nghề không xuyên suốt, phương thức đầu tư hỗ trợ không phù hợp với cơ chế thị trường, không có mô hình quản lý rõ ràng… khiến những nhà truyền thống ở các làng nghề lâm vào cảnh đìu hiu.

  • Bỏ hoang nhà truyền thống - Bài 1: Cửa đóng then cài

Không nhất quán

Nhà truyền thống nghề mộc Kim Bồng (Cẩm Kim) được kỳ vọng sẽ là điểm đến thu hút khách du lịch cũng lâm vào cảnh cửa đóng then cài khi chưa quyết được phương án hoạt động. Công trình được xây dựng với tổng kinh phí gần 5 tỷ đồng, và đây từng là trụ sở của Hợp tác xã Dịch vụ - du lịch Kim Bồng, là nơi trưng bày, tiêu thụ sản phẩm thủ công mỹ nghệ và hướng dẫn khách tham quan bằng xe đạp quanh làng nhưng do việc sụt giảm các tour tuyến, doanh thu hạn chế, người làm nghề không còn mặn mà với các hoạt động du lịch cộng đồng nên nhà truyền thống này cũng rơi vào cảnh bỏ hoang. Trong khi Hợp tác xã Dịch vụ - du lịch Kim Bồng sắp giải thể. Ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho rằng, nguyên nhân khiến những nhà truyền thống làng nghề ở địa phương rơi vào cảnh đìu hiu là vì tâm lý của chính người dân. “Thông thường trước khi hình thành các trung tâm làng nghề thì người dân tự sản xuất tại nhà và trưng bày sản phẩm tại đó. Mong muốn của Nhà nước khi đầu tư các cơ sở này là vừa làm nơi trưng bày tập trung sản phẩm vừa trình diễn nghề. Cái thứ hai là tính một bước để sản phẩm làng nghề phục vụ trở lại cho du lịch, nhưng cũng gặp trở ngại. Người ta sản xuất tại nhà vì nguyên vật liệu tại chỗ, không phải di chuyển nhiều; rồi khi làm ở nhà truyền thống thì khó bảo vệ, giữ gìn tài sản” - ông Hùng nói.

Trình diễn nghề trong sự kiện festival năm 2009 tại làng nghề đúc đồng Phước Kiều. Từ đó đến nay, nhà truyền thống vẫn chưa tham gia thêm sự kiện nào nữa.
Trình diễn nghề trong sự kiện festival năm 2009 tại làng nghề đúc đồng Phước Kiều. Từ đó đến nay, nhà truyền thống vẫn chưa tham gia thêm sự kiện nào nữa.

Trong khi các làng nghề đang cần một thị trường ổn định và phương hướng hoạt động thì những nhà truyền thống mọc lên như một cách để vực dậy làng nghề, thông qua việc kêu gọi dự án hoặc phát triển du lịch. Thế nhưng người làm nghề lâu nay đã hình thành thói quen làm ăn theo hộ gia đình; muốn du lịch phát triển tại địa phương thì buộc phải có nơi trình diễn nghề, kéo theo việc phải tập trung một số hộ vào sản xuất tại nhà truyền thống nên vô tình “áp đặt” phương thức sản xuất của người dân. Trong khi đó công tác tham vấn cộng đồng thiếu hiệu quả. “Có thể ban đầu sẽ rất hào hứng bởi tính chất đám đông, thu hút vài trăm lượt khách du lịch, nhưng về lâu dài, việc tập trung sản xuất, trưng bày sản phẩm không tối ưu khi lợi ích bị chia năm xẻ bảy” - ông Lê Cho (một người làm nghề dừa nước ở Cẩm Thanh, Hội An) nói.

Thừa và thiếu

Khi tìm hiểu vấn đề quản lý các nhà truyền thống làng nghề, chúng tôi được biết, Sở Công Thương quản lý về danh hiệu các nghệ nhân, Sở NN&PTNT quản lý về các ngành nghề ở nông thôn nói chung, còn cơ sở vật chất các nhà truyền thống làng nghề thuộc về các cấp địa phương. Công tác quản lý nhà nước về làng nghề không thống nhất mà bị phân khúc, xé lẻ như vậy khiến việc đầu tư, hỗ trợ phát triển làng nghề gặp không ít khó khăn. Trong khi đó, mục đích đầu tư xây dựng nhà truyền thống làng nghề lại nhập nhằng giữa trưng bày sản phẩm và làm một nơi sản xuất tập trung - quy tụ hộ gia đình vào nhà trưng bày sản xuất, đã không còn phù hợp với mô hình kinh tế hộ hiện nay.

Nếu ở các huyện, thành đồng bằng, nhà trưng bày trở nên thừa thãi và bỏ hoang thì tại một số huyện miền núi, hiện vẫn thiếu các công trình dùng để trưng bày các sản phẩm làng nghề nhằm tạo điều kiện phát triển kinh tế gắn với du lịch. Tại huyện Tây Giang, tuy được xác định còn lưu giữ nhiều nghề truyền thống như dệt, đan lát, rèn… nhưng đến nay vẫn chưa thể hình thành được một ngôi nhà trưng bày làng nghề đúng nghĩa, mặc dù khu Làng truyền thống Cơ Tu ở trung tâm huyện rất thuận lợi cho việc trưng bày sản phẩm và công cụ sản xuất của các làng nghề. Tương tự, huyện Phước Sơn việc bảo tồn phát triển làng nghề thông qua mô hình nhà trưng bày bao năm qua cũng chỉ là ước mơ khó thực hiện.

Theo ông Phạm Phú Vinh, Trưởng phòng VH-TT huyện Phước Sơn, do hoạt động của các nghề nơi đây còn manh mún, mang tính gia đình nhỏ lẻ nên công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư gắn với phát triển du lịch ở địa phương gặp khó khăn. Đặc biệt, huyện vẫn chưa có chủ trương xây dựng nhà truyền thống làng nghề nên dẫn đến việc trưng bày sản phẩm và dụng cụ làng nghề vẫn chưa được quan tâm đúng mức. “Hiện vật lịch sử hay sản phẩm làng nghề cũng đều được trưng bày chung trong một căn phòng của Trung tâm VH-TT chứ biết làm sao giờ vì huyện chưa có nhà trưng bày làng nghề nào cả” - ông Vinh tâm sự. Trong khi đó, bà Phạm Thị Như – Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang nhìn nhận, thực tế nhà truyền thống không phải là nơi trưng bày chuyên đề sản phẩm làng nghề mà là một mô hình trưng bày tổng hợp. “Sắp tới sau khi dự án khôi phục 1,3km đường mòn Hồ Chí Minh hoàn thành được chuyển giao cho huyện quản lý khai thác thì chúng tôi sẽ bắt tay vào việc xây dựng tour kết nối với nhà truyền thống của huyện, khi đó sẽ bổ sung, sắp xếp hiện vật, sản phẩm làng nghề sao cho phù hợp hơn. Còn mong ước hiện nay của địa phương là cố gắng đầu tư thêm một nhà trưng bày về nghề chổi đót truyền thống tại làng Rô nhưng không biết khi nào mới triển khai được do kinh phí không có” - bà Như nói.

SONG ANH - VĨNH LỘC

Bài cuối: Tìm lại hướng đi

Tìm hướng đi nào để tránh tình trạng lãng phí các khu nhà tiền tỷ tại các làng nghề là bài toán cần có lời giải kịp thời, khoa học...

SONG ANH - VĨNH LỘC