Tháng hành động vì an toàn thực phẩm 2015: Hành động vì thực phẩm an toàn

CHIÊU THỤC ANH 20/04/2015 09:29

Hàng hóa thực phẩm, nhất là mặt hàng tươi sống đang được quản lý từ ngọn thay vì từ gốc đã gây nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP), ảnh hưởng đến lòng tin của người tiêu dùng. Chính vì thế, Tháng hành động vì ATTP năm nay (từ ngày 15.4 – 15.5) sẽ tập trung vào rau, thịt với chủ đề “Sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn”.

Kiểm soát từ ngọn tới gốc

“Thực lòng mà nói, làm người nội trợ trong gia đình hiện đại không còn thoải mái, đơn giản như cách đây vài năm. Mỗi lần xách giỏ đi chợ, nội tướng trong gia đình ngoài việc cân đối chi tiêu, giải quyết bài toán kinh tế sao bữa ăn vừa hợp túi tiền lại phải suy nghĩ, cẩn trọng để mua được loại rau, thịt sạch, ít có nguy cơ chứa tồn dư chất hóa học vượt mức cho phép” – cô giáo Nguyễn Thị Dũng (giáo viên Trường THCS Lê Thị Hồng Gấm, xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước), chia sẻ. Ý kiến của cô giáo Dũng cũng là suy nghĩ chung của rất nhiều người tiêu dùng khi hằng ngày phải đối mặt với quá nhiều thông tin rau củ ngậm thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép, thậm chí là các loại trái cây ăn quả được kẻ gian bơm hoặc ủ thuốc trực tiếp để kích thích tăng trưởng, kích chín. Có thể nói hiện người tiêu dùng từ thành phố không còn tin tưởng vào nhiều loại thực phẩm tươi sống lẫn công nghiệp. Họ phải tự đối phó để bảo vệ sức khỏe của các thành viên trong gia đình. Người dân mong muốn cơ quan chức năng thực sự vào cuộc để chấn chỉnh tình trạng mất kiểm soát ATTP, giúp người tiêu dùng an tâm khi sử dụng rau, củ, quả…

Người tiêu dùng cân nhắc, lựa chọn rau, thịt rõ nguồn gốc xuất xứ, thông tin đầy đủ. Ảnh: C.T.A
Người tiêu dùng cân nhắc, lựa chọn rau, thịt rõ nguồn gốc xuất xứ, thông tin đầy đủ. Ảnh: C.T.A

UBND tỉnh vừa xây dựng kế hoạch triển khai Tháng hành động vì ATTP năm 2015. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh cho biết, có thể nói, trong những năm qua, công tác đảm bảo ATTP nông lâm thủy sản đã được quan tâm hơn. Qua giám sát trên diện rộng cho thấy, tỷ lệ mẫu rau chứa tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, mẫu thịt ô nhiễm vi sinh vượt giới hạn cho phép đã giảm nhưng vẫn còn ở mức khá cao, ảnh hưởng đến lợi ích và sức khỏe người tiêu dùng, tác động xấu đến sự phát triển sản xuất, làm giảm khả năng tiếp cận thị trường của sản phẩm nông nghiệp. Để nâng cao trách nhiệm của chính quyền các cấp, người sản xuất kinh doanh và tiêu dùng trong việc bảo đảm ATTP đối với các sản phẩm nói chung và rau, thịt nói riêng, UBND tỉnh quyết định lấy chủ đề Tháng hành động là “Sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn”.

Lấy lại thế chủ động

Thông điệp truyền thông đảm bảo ATTP trong tháng hành động
1. Vì sức khỏe người tiêu dùng, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục được phép sử dụng.
2. Vì sức khỏe người tiêu dùng, hãy đảm bảo thời gian cách ly sau khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
3. Vì sức khỏe người tiêu dùng, không sử dụng hóa chất, kháng sinh ngoài danh mục, chất cấm trong chăn nuôi.
4. Sử dụng rau, thịt mất vệ sinh, không an toàn là tự tìm đến bệnh tật.
5. Lựa chọn rau thịt sạch, rõ nguồn gốc xuất xứ cho bữa ăn ngon, an toàn sức khỏe.
6. Chủ động phát hiện hành vi vi phạm ATTP và báo cho cơ quan chức năng gần nhất.
7. Để đảm bảo ATTP hãy ăn chín, uống sôi, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng.

Theo kế hoạch, Tháng hành động sẽ triển khai từ ngày 15.4 đến 15.5.2015 trên toàn tỉnh; các xã, phường, thị trấn cùng bắt tay vào thực hiện thanh tra, kiểm tra lẫn truyền thông. Trong Tháng hành động, các cơ quan liên quan gồm Sở Y tế, Sở NN&PTNT, Sở Công Thương, Công an tỉnh cùng phối hợp và thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, giết mổ, kinh doanh rau thịt và sản phẩm chế biến từ rau, thịt. Đoàn kiểm tra liên ngành sẽ tập trung vào các vấn đề như giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; giấy cam kết sản xuất thực phẩm an toàn; quy trình sản xuất, chế biến, bảo quản đối với cơ sở sản xuất thực phẩm là rau thịt và sản phẩm chế biến từ rau thịt; nguồn gốc nguyên liệu, phụ gia thực phẩm; nguồn nước dùng cho chế biến thực phẩm; kinh doanh và sử dụng hóa chất, kháng sinh cấm, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y… “Rau thịt là thực phẩm chủ lực và phổ biến trong bữa ăn hằng ngày của người Việt Nam. Sản phẩm rau thịt không đảm bảo ATTP có thể dẫn đến ngộ độc thực phẩm, gây ra các bệnh đường ruột, các bệnh mãn tính, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp và lâu dài tới sức khỏe người tiêu dùng. Thế nên việc thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến không chỉ diễn ra trong tháng hành động mà là việc làm chủ động, thường xuyên, liên tục của các cấp ngành liên quan trong một thời gian dài để hạn chế và đẩy lùi các yếu tố, nguyên nhân khiến rau, thịt mất ATTP” - ông Nguyễn Cam, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh nói.

Không chỉ dừng ở việc thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến rau, thịt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh cho rằng toàn hệ thống chính trị và cả xã hội phải chung tay kiểm soát, giám sát ATTP. Trong đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các tổ chức xã hội cần giám sát, hướng dẫn các mô hình sản xuất, kinh doanh nông thực phẩm an toàn, mở rộng diện tích trồng rau an toàn, tăng các khu giết mổ gia súc gia cầm tập trung để đảm bảo ATTP; tuyên truyền vận động nhân dân trong việc tố giác các cơ sở sản xuất, kinh doanh tiêu thụ, vận chuyển thực phẩm không an toàn.

CHIÊU THỤC ANH

CHIÊU THỤC ANH