Chuyện học ở nóc Xơ Rơ
Nóc Xơ Rơ nằm cheo leo giữa lưng chừng núi. Những mái nhà nửa mới nửa cũ. Tiếng ê a đánh vần con chữ chen với tiếng chày giã gạo. Ở đây, thầy cô giáo đang đánh vật với khó khăn để gieo cái chữ.
Con đường đất vừa mới mở đầy những ổ voi và dốc dựng đứng. Mất gần 2 tiếng đồng hồ chạy xe máy từ trung tâm huyện Bắc Trà My lên nóc Xơ Rơ (xã Trà Bui). Đây là nóc còn hoang sơ nhất của huyện Bắc Trà My với 100% dân số là người dân tộc Ca Dong. Những mái nhà dựng san sát nhau, nếu không quen thì dễ bị lạc bởi nhà nào cũng giống nhà nào. Nằm chênh vênh núi, lối đi được đẽo gọt từ đất tạo thành những bậc thang. Dưới ánh chiều tà, khói bếp cuộn xanh giữa đại ngàn hùng vĩ. Ở một góc làng vang ra tiếng ê a đánh vần con chữ.
Nóc Xơ Rơ nằm trên ngọn núi Điếc. |
Nóc Xơ Rơ có 119 hộ với 569 nhân khẩu. Người dân làm nương rẫy và vẫn giữ nếp sống từ thuở khai hoang. Họ sống chất phác nhưng quen lối sản xuất cũ trong cuộc sinh tồn giữa đại ngàn nên toàn nóc có đến 80% số hộ nghèo. Nói như thế để hiểu tại sao việc gieo chữ ở đây lại trở nên khó khăn đến vậy. “Nhiều lúc thời gian vận động các gia đình cho con em trong nóc tiếp tục theo học cái chữ còn nhiều hơn cả giờ lên lớp” - cô giáo cắm bản Hồ Thị Ánh Xuân nói.
Điểm trường nóc Xơ Rơ (Trường Tiểu học Nông Văn Dền, xã Trà Bui) có 3 phòng học, chia ca sáng - chiều giảng dạy cho 6 lớp học (gồm 2 lớp 1 và 2, 3, 4, 5 mỗi khối 1 lớp) với tổng số hơn 130 học sinh. Tính ra bình quân mỗi lớp hơn 20 học sinh, nhưng theo lời cô giáo Xuân thì, hầu như ngày nào cũng có học sinh nghỉ học không rõ lý do. Đến mùa rẫy, mùa đót thì học sinh các khối lớp 4, 5 nghỉ học triền miên.
Những cô giáo cắm bản vẫn miệt mài ngày đêm gieo chữ. Ảnh: NG.DƯƠNG |
Giáo viên cắm bản ở đây đều là nữ và còn rất trẻ. Khi được hỏi đến việc dạy học ở đây, các chị cười, bảo rằng nhiệt huyết thì có thừa. Khổ đến mấy cũng chịu được, nhưng quan trọng là truyền cái nhiệt huyết, ham học cái chữ cho các em học sinh ở đây như thế nào mới là điều quan trọng. “Nay các em học được cái chữ thì mai lại đánh rơi ở trên rẫy mất rồi. Cứ thế, cô trò lại phải ôn từng con chữ” - cô giáo Phùng Thị Tư thổ lộ.
Khó khăn lớn nhất mà những cô giáo trẻ phải vượt qua chính là rào cản ngôn ngữ. Các em học sinh vẫn chỉ bập bõm tiếng Kinh nên khó tiếp thu được hết bài giảng, học trước quên sau. Chính vì thế, các cô còn tổ chức những lớp phụ đạo học sinh yếu. “Nhiều lúc đang dạy, sau giờ giải lao chờ mãi không thấy học sinh đâu. Về nhà tìm thì thấy đang bồng em. Hỏi thì bảo: Ba mẹ đi rẫy hết rồi, không có ai giữ em. Nếu cô cho bồng em lên lớp thì đi học. Vậy là cả chị cả em cùng lên lớp” - cô giáo Nguyễn Thị Thanh Thảo kể.
Cuộc sống của người dân nơi đây chủ yếu dựa vào nương rẫy. Từ khi con đường được mở tạm, nhu yếu phẩm mới lên được nóc, còn trước đó vẫn là tự cung tự cấp. Chính vì vậy, người dân Xơ Rơ cho rằng có học cái chữ cũng không giúp no cái bụng. Do đó việc học hành của con cái không được chú trọng. Nhận thức của đồng bào chính là khó khăn lớn nhất mà chính quyền địa phương cũng như các cô giáo nơi đây gặp phải.
Để vận động học sinh trở lại lớp, cô giáo phải canh thời gian, bởi cha mẹ các em thường đi rẫy 2 - 3 ngày mới về. Như miếng trầu là đầu câu chuyện ở dưới xuôi, ở nóc Xơ Rơ thì ly rượu mời được xem như phép giao tiếp được người dân đặt lên hàng đầu. Cô giáo đến nhà, chưa biết nói chuyện gì, cứ mời rượu đã. Không uống thì khó có thể nói chuyện. Vậy là các cô phải cố gắng, sau đôi ba ly mới giải thích lợi ích của việc học, vận động họ cho con em ra lớp. Đi vài ba nhà thì các cô đã chếnh choáng hơi men, thế là về nghỉ hôm sau lại vận động các gia đình khác.
“Học xong tình nguyện lên đây dạy. Lúc mới lên, đã từng ôm nhau khóc vì đến cái phòng tắm cũng chẳng có. Một bể nước tắm chung. Đầu tuần ai về huyện được thì mua ít thịt cá lên kho mặn, ăn dần, còn lại thì chung thủy với mì tôm và cá khô” - cô giáo Hồ Thị Ánh Xuân nói. “Thế không sợ người yêu ngại xa rồi chia tay à?”- tôi hỏi. “Biết sao được, mình còn trẻ, phải dấn thân mà trải nghiệm. Ai cũng nghĩ muốn được ở dưới xuôi thì trên này ai dạy chữ? Nếu yêu nhau, sẽ hiểu được điều đó thôi” - cô Xuân đáp.
Ông Phạm Sơn Triều - Phó Chủ tịch UBND xã Trà Bui cho biết, để khắc phục tình trạng học sinh bỏ lớp, lãnh đạo địa phương đã chỉ đạo Mặt trận, đoàn thể xã hằng tháng phối hợp tổ chức họp dân Xơ Rơ tuyên truyền, vận động người dân nhưng hiệu quả vẫn chưa cao. Theo thầy Trần Ngọc Mẫn - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nông Văn Dền, việc dạy và học ở nóc Xơ Rơ gặp nhiều khó khăn còn do gia đình nào cũng đông con, có nhà tới 8 đứa con. “Con đông nhưng họ vẫn chưa ý thức được việc học quan trọng thế nào, thành ra không có sự quan tâm” - thầy Mẫn nói. Để đảm bảo các em chuyên cần đến lớp, ngoài phối hợp với chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền, nhà trường cũng đã bố trí một thầy giáo chuyên đi vận động, để khi đến nhà dân có thể uống rượu. Quan trọng là duy trì vận động để các học sinh có thể đến lớp đều đặn.
Chúng tôi xuôi dốc rời Xơ Rơ khi mặt trời vừa khuất núi. Lẩn khuất đâu đó ở góc làng, tiếng ê a đánh vần vẫn còn vang vọng.
NGUYỄN DƯƠNG