Phát lộ địa đạo sau 50 năm vùi lấp
(QNO) - Chiều 16.4, người dân thôn Bình Túy (Bình Giang, Thăng Bình) tổ chức khai quật, phát lộ địa đạo ngay tại địa bàn tổ 18 của thôn.
Miệng hầm địa đạo nơi Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trương Thị Xáng hy sinh. |
Theo lời ông Trương Hoàng Lâm - em trai Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trương Thị Xáng, địa đạo đã hình thành từ thời kháng chiến chống Pháp. Đến những năm 1964 - 1965, người dân Bình Giang tiếp tục đào thêm các hầm, địa đạo ngay bên cạnh nhà để trốn địch và nuôi giấu bộ đội. Miệng hầm được đặt ngay tại khu vườn bên cạnh nhà Anh hùng LLVT Trương Thị Xáng, cũng là nơi chị hy sinh.
Theo ký ức của mình, ngày 16.4 ông Lâm đã chỉ vị trí chị gái hy sinh và huy động người dân trong thôn cùng đến khai quật. Đến hôm qua (17.4), ngoài vị trí miệng hầm được phát lộ, đào sâu xuống khoảng từ 4 - 5m, người dân thôn Bình Túy còn phát hiện và đào thêm một cửa hầm khác - chính là miệng thoát hiểm của 300 cán bộ, du kích trú trong địa đạo. Đây là trận đánh mà chị Trương Thị Xáng đã báo tin, hướng dẫn 300 cán bộ, du kích thoát khỏi vòng vây và bị địch bắn ngay trên miệng hầm sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
Ông Nguyễn Văn Anh - Chủ tịch UBND xã Bình Giang cho biết, hệ thống địa đạo này dài khoảng 6km, là nơi nuôi giấu cán bộ vùng đông Thăng Bình. Địa đạo được đào dưới các bụi tre trong làng để tận dụng các ống tre làm lỗ thông hơi lấy khí. Sau khi đào lớp cát bồi phía trên là một tầng đất sỏi và tiếp đến là hầm địa đạo.
Một nhánh của địa đạo, nơi được người dân tại đây cho là cửa thoát hiểm của 300 cán bộ, du kích. Người dân Bình Túy vẫn đang tiếp tục đào thêm. |
Công trình địa đạo tại xã Bình Giang đã được chính quyền địa phương nhiều lần đề xuất phát lộ để bảo tồn, tôn tạo nhưng chưa có điều kiện thực hiện. Ông Nguyễn Văn Anh cho biết thêm, ngay trong chiều 16.4, chính quyền xã đã tạm dừng cuộc khai quật để đề phòng nguy cơ từ vật liệu nổ của địch sót lại đồng thời, báo cáo UBND huyện Thăng Bình, Sở VH-TT-DL để có hướng xử lý.
SONG ANH