Động lực từ thi đua
Xác định tầm quan trọng của phong trào thi đua yêu nước, Sở Công Thương luôn chú trọng phát động và liên tục tìm tòi, đổi mới theo hướng thiết thực nhằm hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ được giao.
Sôi nổi
Thực tiễn phong trào thi đua ngành công thương Quảng Nam những năm qua cho thấy, ở những đơn vị quan tâm đến chất lượng phong trào, luôn đổi mới nội dung theo hướng thiết thực, gắn với nhiệm vụ chính trị trọng tâm của đơn vị thì phong trào sẽ trở thành động lực khích lệ, động viên cán bộ, công chức, người lao động nỗ lực nghiên cứu, đưa ra những sáng kiến, giải pháp công tác hiệu quả. Trên cơ sở bám sát nhiệm vụ của ngành, hàng năm, Ban Giám đốc Sở Công Thương và Công đoàn ngành đã ký chương trình phối hợp, phát động thi đua đến 100% đến các công đoàn cơ sở. Các phong trào thi đua được cụ thể bằng những chương trình hành động, mục tiêu cụ thể, như: “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm”, “Sáng kiến cải tiến kỹ thuật, nâng cao chất lượng hiệu quả sản xuất, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động”, “Nâng cao chất lượng hàng hóa và dịch vụ để hội nhập kinh tế quốc tế”… Nhờ đó, công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực công thương có nhiều chuyển biến tích cực.
Khu CN Điện Nam - Điện Ngọc đã tạo tiền đề để thị xã Điện Bàn phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu về công nghiệp hóa trong thời gian tới. |
Ngành công thương đã tham mưu UBND tỉnh về công tác quy hoạch, kế hoạch; ban hành một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, xuất khẩu và mở rộng thị trường nội địa, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, thu hút lao động, tạo việc làm, góp phần thực hiện công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội… Tiêu biểu như Phòng Quản lý thương mại đã tham mưu xây dựng đề án Khuyến khích phát triển xuất khẩu trên địa bàn Quảng Nam giai đoạn 2010 - 2015, tầm nhìn đến năm 2020; xây dựng phương án thực hiện Chương trình bình ổn thị trường giá cả các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu trên địa bàn tỉnh... Phòng Quản lý công nghiệp tham mưu xây dựng Quy hoạch điều chỉnh, bổ sung mạng lưới cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011 - 2015; xây dựng quy chế xét tặng danh hiệu nghệ nhân, thợ giỏi, người có công đưa nghề về địa phương... Phòng Kỹ thuật an toàn và môi trường tham mưu xây dựng Quy hoạch và bổ sung quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng một số khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ tỉnh Quảng Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Quy chế phối hợp trong quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động vật liệu nổ công nghiệp và hóa chất trên địa bàn tỉnh... Phòng Quản lý điện năng tham mưu xây dựng Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2011 - 2015 có xét đến 2020; lập dự án cấp điện lưới quốc gia cho xã đảo Tân Hiệp, TP.Hội An. Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp Quảng Nam thực hiện có hiệu quả chương trình hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến, chuyển giao công nghệ tác động đến phát triển công nghiệp nông thôn, miền núi...
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trong 5 năm (2011 - 2015) trên địa bàn tỉnh tăng bình quân hơn 19,1%/năm. |
Với những thành tích đã đạt được, nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến của ngành công thương Quảng Nam đã được Chính phủ, Bộ Công Thương, UBND tỉnh tặng Cờ thi đua, khen thưởng. Trong đó, 2 cá nhân được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba và nghệ nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.
Đột phá
Trong bối cảnh kinh tế trong nước có rất nhiều khó khăn, thực hiện sự chỉ đạo của trung ương và của tỉnh, trong 5 năm qua, ngành công thương Quảng Nam đã tập trung triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm góp phần kiềm chế lạm phát, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ thị trường, giúp các doanh nghiệp phát huy năng lực hiện có, tích cực đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, ứng dụng công nghệ, quy trình quản lý, phương thức kinh doanh tiên tiến, góp phần hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Cụ thể giai đoạn 2011 - 2015, GRDP tỉnh tăng bình quân 11,5%/năm, giá trị sản xuất công nghiệp (CN) tăng bình quân 18,3%/năm và cơ cấu ngành CN chiếm tỷ trọng hơn 34,5% trong cơ cấu kinh tế… Thời gian qua Quảng Nam đã từng bước hình thành một số ngành CN trọng điểm và mũi nhọn, có tốc độ phát triển khá mạnh, thuận lợi về thị trường và có khả năng xuất khẩu cao.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trong 5 năm (2011 - 2015) ước đạt khoảng 129.000 tỷ đồng, tăng bình quân hơn 19,1%/năm, góp phần điều tiết cung cầu hàng hóa và bình ổn giá cả thị trường. Tổng kim ngạch xuất khẩu 5 năm (2011 - 2015) ước đạt khoảng 2.894 triệu USD, tăng bình quân trên 24,7%/năm (vượt chỉ tiêu tăng bình quân đề ra 22%/năm). Nhiều mặt hàng có giá trị xuất khẩu tăng cao, trong đó xuất khẩu chủ yếu là khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm hơn 70% tổng giá trị xuất khẩu, còn mặt hàng xuất khẩu giày da, may mặc chiếm 60%. Tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt khoảng 3.218 triệu USD, tăng bình quân 15%/năm. Nhập khẩu tăng cao trở lại trong những năm gần đây nhằm đảm bảo cung cấp máy móc thiết bị và nguyên phụ liệu cho sản xuất, đây là dấu hiệu tích cực cho tình hình sản xuất công nghiệp trong thời gian đến. |
Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 9 khu CN và 108 cụm CN đã được quy hoạch và triển khai đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, bước đầu thu hút hàng trăm dự án đầu tư phát triển CN. Riêng nguồn vốn đầu tư cho khu CN và Khu kinh tế mở Chu Lai, Quảng Nam đã tranh thủ được nguồn vốn từ trung ương hỗ trợ đến nay lên đến hơn 1.500 tỷ đồng, cùng với phần đầu tư của chủ đầu tư khu CN và vốn “kích hoạt” của tỉnh thông qua cơ chế ưu đãi nên kết cấu hạ tầng các khu CN từng bước hoàn chỉnh theo phương thức “cuốn chiếu”, là điều kiện thu hút vốn đầu tư của các thành phần kinh tế. Các khu CN đã phát huy được tác dụng lan tỏa đẩy mạnh hoạt động dịch vụ và đô thị hóa khu vực. Thực tế tại các địa bàn có khu CN đi vào hoạt động đã xuất hiện các hoạt động dịch vụ sôi động; một số nơi đáp ứng được các tiêu chí của thị tứ. Kết quả phát triển Khu CN Điện Nam - Điện Ngọc là tiền đề, trở thành phần cốt lõi cho quy hoạch và phát triển Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc ngày nay và góp phần để huyện Điện Bàn trở thành thị xã.
Phát huy thành tích đã đạt được, thời gian tới ngành công thương Quảng Nam sẽ tập trung tham mưu UBND tỉnh đẩy mạnh một số giải pháp đột phá trong phát triển CN và xúc tiến thương mại. Đó là tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho các khu, cụm CN và đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, thu hút dự án; thu hút đầu tư có chọn lọc theo hướng ưu tiên các dự án thân thiện với môi trường, tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, sản phẩm xuất khẩu, đồng thời với việc tạo lập thương hiệu sản phẩm CN. Các cơ chế hỗ trợ xúc tiến thương mại cũng được đẩy mạnh, như hỗ trợ đầu tư phát triển thương mại nông thôn, xây dựng chợ theo mô hình chợ an toàn thực phẩm, triển khai sâu rộng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…
NGUYỄN QUANG THỬ
(Giám đốc Sở Công Thương)