Nhân ngày người khuyết tật Việt Nam 18.4:Hỗ trợ sinh kế bền vững
Thông qua Hội Chữ thập đỏ, một số tổ chức phi chính phủ nước ngoài đã có nhiều hoạt động trợ giúp hiệu quả cho người khuyết tật (NKT) ở Quảng Nam.
1.Từ khi sinh người con thứ hai là cháu Nguyễn Như Quỳnh bị khuyết tật bẩm sinh, hoàn cảnh gia đình chị Nguyễn Thị Khuê (thôn Mỹ Lễ, xã Đại Thạnh, Đại Lộc) càng thêm khốn khó. Bé Quỳnh bị di chứng chất độc da cam (CĐDC) nên đến nay hơn 4 tuổi vẫn chỉ nằm một chỗ, chưa biết gọi mẹ. Chồng không có việc làm ổn định, chị Khuê đưa 2 con về ở cùng ông bà ngoại, còn mình đi làm thuê, ai kêu gì làm nấy kiếm tiền nuôi con, lo cái ăn cho cả gia đình…
Thấy được hoàn cảnh khó khăn đó, Hội Nạn nhân CĐDC huyện Đại Lộc giúp cho gia đình chị Khuê vay 9 triệu đồng không lãi suất từ nguồn tài trợ của Hội Bảo trợ trẻ em nhiễm chất độc hóa học Pháp (VNED). Từ nguồn vốn vay, gia đình chị Khuê mua một con bò sinh sản về nuôi. Hàng ngày, chị Khuê vừa đi chăm sóc keo, lột vỏ keo thuê, vừa tranh thủ cắt cỏ nuôi bò. Chị Khuê cho biết, đến cuối tháng 6 này bò sẽ đẻ bê con. Ông Nguyễn Khánh (cha chị Khuê) tâm sự: “Có con bò này là nguồn tài sản lớn nhất của gia đình tôi. Con bò được hỗ trợ cho bé Quỳnh, nên sau này bò mẹ đẻ ra bò con, bò con lớn lên có bán đi thì cũng để dành cho cháu”.
Bà Nguyễn Thị Thước chăm sóc con trai nhiễm chất độc da cam.Ảnh: D.LỆ |
Được sự tài trợ của tổ chức VNED, Hội Nạn nhân CĐDC huyện Đại Lộc đã đề nghị ngoài nguồn hỗ trợ nuôi dưỡng trẻ em bị nhiễm CĐDC (5 triệu đồng/năm cho đến khi đủ 18 tuổi), thì nên hỗ trợ sinh kế bền vững cho gia đình nạn nhân CĐDC. Tổ chức VNED đã căn cứ nhu cầu của gia đình có trẻ em là NKT đặc biệt nặng bị nhiễm CĐDC, tài trợ nguồn vốn để Hội Nạn nhân CĐDC Đại Lộc đứng ra cho vay không lãi suất. Ông Nguyễn Văn Hai - Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin huyện Đại Lộc, cho biết: “Từ nguồn vốn này, có 7 gia đình trẻ em khuyết tật là nạn nhân CĐDC được hỗ trợ mua bò sinh sản, đến nay cả 7 con bò đều phát triển tốt. Sau khi hỗ trợ được 3 năm thì nguồn vốn được thu hồi để chuyển cho gia đình nạn nhân CĐDC khác. Đây thực sự là nguồn động viên lớn đối với các gia đình, bởi các gia đình được hỗ trợ đều có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không có vốn để làm ăn”.
2.Quỹ Hàn gắn vết thương chiến tranh Mỹ (WLP) đến với gia đình NKT đặc biệt nặng là nạn nhân CĐDC của huyện Tiên Phước từ năm 2011 bằng dự án bò sinh sản. 41 con bò sinh sản đã được trao cho các gia đình, đến nay nhiều con bò đã đẻ lứa thứ ba, thứ tư. Như con bò trao cho gia đình bà Nguyễn Thị Thước (thôn 5, xã Tiên Mỹ, Tiên Phước) chỉ còn hơn 3 tháng nữa là đẻ lứa bò thứ tư. Con bò này được hỗ trợ cho anh Nguyễn Đức Tình, người con trai của bà Thước là nạn nhân CĐDC, bị khuyết tật bẩm sinh từ nhỏ, đã 34 tuổi nhưng mọi sinh hoạt của anh từ ăn uống, tắm rửa, vệ sinh cá nhân đều do bà Thước lo. Có được con bò, chồng của bà Thước là ông Nguyễn Dung đã cẩn thận chăm chút, coi như là “cần câu” tạo sinh kế, và dùng nguồn tiền ấy chăm sóc, nuôi dưỡng anh Tình. Sau khi được hỗ trợ bò từ WLP, gia đình bà Thước còn được tổ chức này hỗ trợ thêm 25 triệu đồng để xây lại nhà ở từ năm 2013, giúp cho gia đình bà có thêm điều kiện ổn định cuộc sống.
Bà Võ Thị Kim Anh (thôn 6, xã Tiên Mỹ, Tiên Phước) cũng nhận được hỗ trợ từ WLP khi mẹ là NKT, em trai tên Võ Văn Hoàng là nạn nhân CĐDC, bị khuyết tật đặc biệt nặng. Con bò nhà bà Anh đã đẻ lứa thứ hai, chuẩn bị cho phối giống đẻ lứa thứ ba. Bò đẻ lứa thứ nhất đã được bà Anh bán, gửi tiết kiệm ở ngân hàng để sau này cần thì rút ra lo cho ông Hoàng. Căn nhà tạm bợ của gia đình bà Anh cũng đã được thay bằng căn nhà xây từ năm 2013, nhờ sự hỗ trợ thêm 25 triệu đồng của WLP, giúp cho cả gia đình bà có được chỗ ở an toàn, chắc chắn.
Ông Nguyễn Ba - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Tiên Phước, cho hay: “Quan trọng là những gia đình được WLP hỗ trợ đã bảo toàn được nguồn vốn ban đầu, và đã sinh lợi từ nguồn vốn ấy. Ngoài một vài trường hợp bò chết do bệnh, tất cả hộ dân đã nuôi bò cho sinh sản rất tốt. Cùng với sự hỗ trợ thêm về nhà ở, hỗ trợ học bổng hay khám chữa bệnh miễn phí, dự án đã giúp các gia đình cải thiện cuộc sống, hướng đến thoát nghèo khi nhà cửa không còn tạm bợ, có nguồn sinh kế bền vững cho bản thân những NKT đặc biệt nặng là nạn nhân CĐDC”.
DIỄM LỆ