Diện mạo mới của vùng quê biển
Năm xã miền biển Núi Thành bây giờ đã khác xưa, những lối đi trên cát nóng đã được bê tông hóa, những ngôi nhà lụp xụp đã được thay thế bằng những ngôi nhà kiên cố khang trang. Tất cả đã làm nên diện mạo mới cho vùng quê biển…
Qua những làng biển
Về Đông Tân, Tam Hòa, ký ức 15 năm trước trong tôi lại ùa về… Những ngày đó, tôi thường đến thôn Đông Tân vì nơi này có bến đò nhỏ để quá giang qua xã Tam Tiến nhanh hơn là vòng ra Tam Kỳ đi xuống. Đông Tân ngày đó là những ngôi nhà lụp xụp khuất bóng dưới rặng dừa và những phận người lam lũ, phơi lưng rát bỏng giữa dòng Trường Giang để mưu sinh. Trong ký ức tôi, muốn về Đông Tân phải “lội” hơn cả cây số đường cát. Chính vì thế, con cá, con tôm hay hạt lúa, củ khoai của người dân luôn bị thương lái ép giá. Còn bây giờ Đông Tân là thôn đẹp nhất xã Tam Hòa, con đường bê tông rộng 3m trải dài về tận thôn. Những ngõ xóm phần lớn đã được bê tông. Những ngôi nhà ngói đỏ, những tường rào đẹp đẽ đã minh chứng cho đời sống người dân nơi đây đã khấm khá hơn xưa. Ông Trương Công Bình - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Hòa, kể chuyện: “Trước đây,, không chỉ Đông Tân mà 9 thôn của xã đều khổ vì không có đường sá thuận lợi, hàng nông sản làm ra, người dân bị tư thương ép giá, chẳng ai phát triển được mô hình kinh tế gì. Năm 2006, cả xã chỉ có hơn 1km đường bê tông, còn giờ thì 100% đường liên thôn đã được bê tông với hơn 17km. Nhờ thế mà đời sống của nhân dân cũng đi lên”.
Một góc làng biển Núi Thành thanh bình, đẹp đẽ. Ảnh: H.A.THƯ |
Ngược về Long Thạnh Tây, mảnh đất có tục danh là Cồn Si từng được xem là khó khổ nhất xã Tam Hải. Ngày xưa, người làng chỉ biết bám vào con nước Trường Giang mà sống, lương thực thiếu thốn vì thiếu đất sản xuất. Ông Phan Như Tường - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Hải chia sẻ: “Đến giờ Long Thạnh Tây vẫn còn khó nhưng không còn khổ như xưa. Người dân ở đây giờ đã biết làm kinh tế rồi. Nhiều hộ đã tự mở lối làm ăn như nuôi các loài thủy sản có giá trị, cho thu nhập khá. Còn thanh niên của làng cũng đã biết tự vươn lên, đến các khu công nghiệp tìm việc làm nên phần lớn ở đất này bây giờ gần như ai cũng có công ăn việc làm cả. Xã chỉ còn khoảng mươi hộ nghèo do hoàn cảnh neo đơn. Bây giờ Long Thạnh Tây chỉ còn khổ về nước sạch chưa có mà thôi”. Vẫn biết dân làng biển vẫn còn khó khăn nhiều, nhưng nhìn những ngôi nhà kiên cố được xây mới, những con đường được làm theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, những chuyến xe thu mua thủy sản nối đuôi nhau về các làng biển… tôi nhận ra cuộc sống người dân vùng quê biển Núi Thành đã khác xưa.
Vươn mình thay đổi
Ông Nguyễn Giúp - Chủ tịch UBND xã Tam Tiến khẳng định, bây giờ ngư dân ở địa phương đã có kinh tế khá hơn trước rất nhiều. “Tổng sản lượng khai thác hải sản của Tam Tiến giờ khoảng trên 10.000 tấn/năm với giá trị ước đạt hơn 100 tỷ đồng. Thu nhập với một lao động làm nghề ngư nghiệp hoặc nuôi trồng thủy sản bình quân khoảng 50 triệu đồng/người/năm. Đây là mức thu nhập gần như gấp đôi, gấp ba so với khoảng 10 năm về trước” - ông Giúp nói. Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung trên địa bàn xã, các làng quê ven biển đã đổi thay nhiều khi các trục đường giao thông nông thôn được bê tông hóa. Bên cạnh đó, chính quyền xã Tam Tiến luôn ưu tiên nguồn vốn xây dựng cơ bản cho các công trình hạ tầng như đường, hệ thống trạm biến áp, đường điện để “kích thích” kinh tế, giúp người dân có điều kiện làm ăn. Nhờ vậy, tổng giá trị luân chuyển buôn bán ở xã ước đạt 165 tỷ/năm. Kinh tế đời sống của người dân khấm khá đã góp phần giúp chính quyền tạo nên “điểm sáng” về giáo dục, với 2 trường đạt chuẩn quốc gia là Trường Mẫu giáo Trung Dương và Trường THCS Phan Bá Phiến.
Tương tự, ông Nguyễn Tin - Chủ tịch UBND xã Tam Quang cho rằng, được Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vùng ven biển nên nhu cầu đi lại, sinh hoạt của người dân thuận lợi hơn, kinh tế địa phương cũng phát triển bền vững hơn. Hiện nay, đội tàu đánh bắt xa bờ của Tam Quang khoảng 400 chiếc với hàng ngàn lao động, bình quân thu nhập của ngư dân đạt 30 - 40 triệu đồng/năm. Còn các hộ có điều kiện đóng tàu, làm chủ tàu, thu nhập từ vài trăm triệu đồng trở lên mỗi năm. Không chỉ riêng ngư dân, mà nông dân, diêm dân ở miền biển Núi Thành cũng đã vượt qua khó khăn khi được Nhà nước quan tâm với nhiều chính sách ưu đãi. Tại xã Tam Quang, bên cạnh 38ha lúa chủ động nguồn nước tưới, có 12ha lúa phụ thuộc vào nước trời. Chính quyền xã hỗ trợ người dân chuyển sang sản xuất rau sạch có hiệu quả tại các thôn Trung Toàn, Xuân Trung, An Tây. Trong khi đó, tại xã Tam Hòa, sau thành công của công tác dồn điền đổi thửa, kiên cố hóa kênh mương thủy lợi… nông dân ở vùng này đã đảm bảo được nguồn nước tưới cho hơn 80% diện tích lúa. “Việc quy hoạch vùng sản xuất muối sạch tại thôn Hòa Bình và diêm dân sử dụng phương thức sản xuất mới đã giúp tăng sản lượng muối lên xấp xỉ 66 tấn/ha, bình quân thu nhập 70 - 100 triệu đồng/năm. Còn về phát triển chung của xã, xuất phát thấp với 2 tiêu chí lúc bắt đầu xây dựng nông thôn mới, đến nay Tam Hòa đã hoàn thành 14 tiêu chí và dự kiến cuối năm nay đạt chuẩn xã nông thôn mới” - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Hòa Trương Công Bình, cho biết.
Bây giờ, 5 xã vùng biển ở Núi Thành là Tam Tiến, Tam Hòa, Tam Giang, Tam Quang và Tam Hải chẳng còn cảnh người dân phải lội đôi chân trong cát trắng nóng bỏng, bởi từng ngõ xóm nơi đây đều có đường bê tông sạch đẹp, những ngôi nhà tầng khang trang cũng mọc lên nhiều. Người dân miền biển Núi Thành năng động trong làm ăn nên có cuộc sống ấm no sung túc hơn.
H.A.THƯ