Kỳ vọng du lịch Thăng Bình
Những bãi biển hoang sơ, những làng nghề truyền thống cùng phế tích tháp Đồng Dương rêu phong thời gian… sẽ là niềm kỳ vọng để Thăng Bình xây dựng thành công điểm đến du lịch trong tương lai.
Nhận diện tiềm năng
Cách quốc lộ 1 chừng 7km về phía đông, biển Bình Minh (Thăng Bình) khá hoang sơ dưới cái nắng đầu mùa. Những cô cậu học trò hồn nhiên nô đùa, chạy tung tăng trên bãi cát vàng, tiếng nói cười như tan vào tiếng gió giữa một không gian chỉ có sóng biển vỗ rì rầm. Giữa trưa, đi trên bãi biển dài hàng cây số vẫn cảm nhận được sự mát dịu của rừng dương và màu xanh nước biển, gợi cho khách niềm sảng khoái, bình yên như đang du ngoạn ở một chốn xa xôi chưa có dấu chân người. Biển Thăng Bình không chỉ ở Bình Minh mà còn kéo dài hơn 25km qua các xã Bình Hải, Bình Nam, Bình Dương, đầy mê hoặc. Cùng với đó là những làng chài nằm kề chân sóng, nơi các nghề thủ công truyền thống như đan lưới, vãi chài, hấp cá, làm mắm… qua hàng trăm năm vẫn còn lưu giữ nguyên vẹn nét tinh hoa; đó còn là một vùng sinh thái rộng lớn ven dòng Trường Giang chảy qua các xã Bình Triều, Bình Đào, Bình Giang bồi lở để hình thành lên những đầm phá, vuông tôm và các cánh rừng dừa ngập nước...
Phật viện Đồng Dương sẽ là một trong những điểm nhấn của du lịch Thăng Bình. Ảnh: VĨNH LỘC |
Tiềm năng du lịch Thăng Bình còn có các lễ hội, làng nghề, danh lam thắng cảnh như lễ cầu ngư, rước cộ Bà Chợ Được; nước mắm Cửa Khe, hương Quán Hương; hồ Cao Ngạn, hồ Đông Tiển, đập Phước Hà, Hố Thác… cùng hàng chục di tích lịch sử cách mạng, văn hóa tiêu biểu chưa được khai phá. Nổi bật là di tích quốc gia Phật viện Đồng Dương, nơi được xem là trung tâm Phật giáo lớn của vương quốc Champa và Đông Nam Á hơn một nghìn năm trước, hứa hẹn về một loại hình du lịch tâm linh trong tương lai khi khu di tích được khai quật, trưng bày.
Đặc biệt, du lịch Thăng Bình đang đứng trước những điều kiện thuận lợi lớn khi công trình cầu Cửa Đại hoàn thành, kết nối vào tuyến đường bộ ven biển qua các huyện Duy Xuyên, Tam Kỳ để hình thành lên vệt du lịch xuyên suốt từ Đà Nẵng đến Hội An. Trong đó, sự hình thành khu đô thị cao cấp nam Hội An sẽ đóng vai trò điểm nhấn tạo xung lực mới nhằm kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào nơi đây. Thời gian qua, nhiều dự án cũng đã bắt đầu được khởi động tại vùng đông Thăng Bình, có thể kể đến dự án khu nghỉ dưỡng làng biển nhiệt đới Hội An do Công ty Du lịch châu Á – Thái Bình Dương (Hà Nội) đầu tư sẽ khởi công xây dựng vào tháng 5.2015 tại thôn Tân An (xã Bình Minh) với thiết kế tiêu chuẩn 4 sao gồm 108 phòng, vốn đầu tư ban đầu 70 tỷ đồng. Khu du lịch hoàn thành không chỉ tạo điểm nhấn cho vùng đông mà còn góp phần thúc đẩy các dịch vụ du lịch quanh vùng, góp phần mở rộng không gian du lịch đến các xã phía tây của huyện.
Đa dạng loại hình du lịch
Có thể nói tiềm năng du lịch Thăng Bình khá phong phú từ sông, biển, di tích lịch sử, văn hóa đến làng nghề, ẩm thực... Xây dựng chiến lược phát triển du lịch Thăng Bình, nhất là vùng đông luôn là sự kỳ vọng của chính quyền và người dân địa phương. Trong buổi tọa đàm về “Phát triển du lịch và dịch vụ huyện Thăng Bình trên cơ sở liên kết vùng” vừa diễn ra, ông Lê Phước Hoài Bảo - Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình khẳng định, du lịch Thăng Bình sẽ được quy hoạch thành 3 vùng để phát triển gồm: vùng tây, ưu tiên phát triển loại hình du lịch văn hóa lịch sử, trong đó điểm nhấn là Phật viện Đồng Dương (Bình Định Bắc). Tiếp đến là vùng đông với sản phẩm đặc thù là du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng biển kết hợp với du lịch lễ hội, tâm linh, làng quê, làng nghề truyền thống, hạt nhân sẽ là bãi biển Bình Minh và lễ hội rước cộ Bà Chợ Được. Cuối cùng là vùng đông bắc với loại hình du lịch sinh thái trên sông Trường Giang… “Thời gian tới huyện sẽ tổ chức sắp xếp, quy hoạch, bố trí lại làng chài nhằm phục vụ cho nhu cầu phát triển du lịch. Ngoài ra cũng sẽ đẩy nhanh việc xây dựng hạ tầng giao thông, điện nước tại các bãi tắm, trước mắt ưu tiên xây dựng hạ tầng du lịch tại bãi biển Bình Minh. Cùng với đó cũng sẽ triển khai chiến lược xây dựng sản phẩm du lịch mới, nâng cấp các điểm đến và sản phẩm du lịch hiện có nhằm đa dạng hóa các loại hình dịch vụ” - ông Bảo cho biết.
Ông Hồ Tấn Cường - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL nhìn nhận, để phát triển du lịch Thăng Bình cần tập trung vào 4 sản phẩm chính là du lịch biển; du lịch sinh thái; du lịch làng nghề truyền thống - làng quê, ẩm thực và du lịch văn hóa, lịch sử cách mạng. Trong đó, du lịch biển sẽ đóng vai trò trọng tâm vì lợi thế và tiềm năng rất lớn. Điều này cũng phù hợp với quy hoạch chung vùng đông của tỉnh từ nay đến năm 2020 tầm nhìn 2030. “Theo tôi, trong những năm đến Thăng Bình cần tập trung ưu tiên nguồn lực vào khai thác ngư nghiệp, dần dần kết hợp phát triển ngư nghiệp gắn với du lịch; phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể của làng chài ven biển như hát bả trạo, lễ cầu ngư vào phục vụ khách; tập trung công tác xúc tiến kêu gọi đầu tư vào các dự án du lịch cao cấp ven biển để đưa du lịch biển thành hướng đi chiến lược kết nối với vùng phụ cận của tỉnh và TP.Đà Nẵng” - ông Cường đề xuất.
VĨNH LỘC