Chăm sóc "da kề da": Tốt cho mẹ, khỏe cho con
“Da kề da” là chương trình đang được ngành y tế Quảng Nam triển khai ở các trung tâm y tế, bệnh viện đa khoa tuyến huyện và tuyến tỉnh. Hầu hết sản phụ đều tỏ vẻ hài lòng khi được áp dụng phương pháp này.
“Da kề da” là cách gọi của phương pháp chăm sóc y tế khi để cho da của trẻ sơ sinh tiếp xúc trực tiếp với da ngực - bụng của sản phụ ngay sau khi sinh, bằng cách đặt trẻ nằm trần truồng trên ngực trần của mẹ trong khoảng 90 phút sau khi sinh. Theo ông Nguyễn Á - Phó Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh, phương pháp này không chỉ có ý nghĩa về mặt khoa học, giúp trẻ bú mẹ thành công, đem lại lợi ích về sức khỏe cho sản phụ và trẻ sơ sinh mà đây còn là sợi dây kết nối tình cảm thiêng liêng giữa mẹ và con. “Các nghiên cứu khoa học đã chứng minh khi cho trẻ tiếp xúc sớm với mẹ bằng phương pháp “da kề da”, sẽ góp phần phát hiện sớm bất thường, đặc biệt là giảm tử vong mẹ và bệnh lý ở trẻ, nhất là chứng vàng da sơ sinh” - ông Nguyễn Á thông tin.
Một trường hợp áp dụng phương pháp “da kề da” ở Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam. Ảnh: CHÂU NỮ |
Ông Nguyễn Văn Sơn - Trưởng phòng Nghiệp vụ y (Sở Y tế) cho biết, để triển khai thực hiện tốt phương pháp “da kề da”, Sở Y tế đã tổ chức 2 lớp tập huấn cho hơn 90 học viên đến từ các trung tâm y tế, bệnh viện đa khoa tuyến huyện, bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh và các bệnh viện ngoài công lập trên địa bàn tỉnh (trừ Trung tâm Y tế Phú Ninh và Bệnh viện Đa khoa Thái Bình Dương - Tam Kỳ). Các học viên được học lý thuyết, thực hành trên mô hình và kiến tập tại phòng sinh, phòng mổ tại Bệnh viện Phụ sản - nhi Đà Nẵng. Sau đó, các cơ sở y tế nêu trên đã triển khai thực hiện phương pháp này. Ông Sơn nói: “Qua kiểm tra, giám sát của Sở Y tế và Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh, nhận thấy các cơ sở y tế đã triển khai nghiêm túc phương pháp “da kề da”. Dự kiến đến năm 2020, 100% các cơ sở y tế áp dụng quy trình chăm sóc thiết yếu trẻ sơ sinh trong và sau khi đẻ”.
Sản phụ Nguyễn Thị Mỹ Chuyên (ở Trà My) cảm động đến chảy nước mắt khi được các y, bác sĩ cho áp dụng phương pháp “da kề da”. Chị Chuyên chia sẻ: “Tôi sinh con đầu lòng, lại sinh non, nhẹ cân (thai nhi mới 7 tháng tuổi, nặng 1,9kg - PV) nên rất lo lắng về sức khỏe của con. Ngay sau khi sinh, được ôm con vào lòng, tôi mới cảm nhận được thế nào là hạnh phúc và khi con ngậm vú mẹ, tôi mới tin rằng dù sinh non nhưng con mình vẫn khỏe mạnh”. Không chỉ sinh thường, các trường hợp sinh mổ cũng được áp dụng phương pháp này, trừ một số trường hợp chống chỉ định. Sản phụ Huỳnh Thị Minh Vân ở Tam Thạnh (Núi Thành) sinh con thứ hai theo phương pháp sinh mổ. Dù rất mệt mỏi sau khi vượt cạn nhưng chị vẫn rạng ngời hạnh phúc khi được tiếp xúc “da kề da” với con ngay sau khi bé lọt lòng. Chị Vân cho biết, con đầu lòng chị cũng sinh mổ, sau sinh, mẹ con phải cách ly mấy tiếng đồng hồ sau mới được gặp. “Khi sinh cháu thứ hai, được các bác sĩ cho “da kề da” với mẹ ngay sau sinh, cảm giác lâng lâng khó tả, nói chung là vui, hạnh phúc và cảm động, nhất là khi được ôm ấp, che chở cho con từ giây phút đầu tiên. Nhìn cái miệng bé xíu của con lần tìm vú mẹ, thấy thương lắm” - chị Vân chia sẻ.
Bà Huỳnh Thị Phương Thanh - điều dưỡng trưởng Khoa Phụ sản Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam cho biết, tất cả bà mẹ được áp dụng phương pháp “da kề da” đều bày tỏ niềm vui và hạnh phúc. Đáng nói hơn, khi áp dụng phương pháp này, 100% trẻ đều được bú sữa mẹ, tình trạng trẻ uống sữa công thức giảm rõ rệt. “Khi áp dụng phương pháp này, nhân viên y tế có phần vất vả hơn vì phải hướng dẫn sản phụ cho trẻ tiếp xúc “da kề da” và biết cách cho trẻ nằm trên bụng mẹ; đồng thời theo dõi thường xuyên, đề phòng trường hợp trẻ bị ngạt. Tuy vậy, các nhân viên y tế của Bệnh viện Đa khoa tỉnh rất hào hứng và ủng hộ vì những lợi ích mà phương pháp “da kề da” đem lại cho sản phụ, cho trẻ và niềm vui, niềm hạnh phúc của sản phụ có lẽ không có gì sánh được” - bà Thanh chia sẻ.
CHÂU NỮ