Thích ứng với biến đổi khí hậu: Chuyển dịch cơ cấu cây trồng

XUÂN TRƯỜNG 09/04/2015 08:32

Trước những tác động rõ nét của biến đổi khí hậu đến sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, nhiều địa phương và các ngành chức năng trên địa bàn tỉnh đang tính đến chuyện chuyển dịch cơ cấu cây trồng phù hợp để hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra.

Trong đợt mưa lớn kéo dài bất thường cuối tháng 3 vừa qua, cũng như nhiều địa phương khác, nền nông nghiệp TP.Tam Kỳ chịu hậu quả nặng nề. Nhận thức được những tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu đến sản xuất nông nghiệp và ý nghĩa sống còn của việc ứng phó với biến đổi khí hậu, nhiều địa phương bị ảnh hưởng và các ngành chức năng TP.Tam Kỳ đã bắt đầu triển khai những phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với tình hình thời tiết khắc nghiệt và bất thường.

Lúa bị ngập úng ở xã Tam Thăng và phường An Phú (TP.Tam Kỳ) trong đợt mưa lớn kéo dài cuối tháng 3 vừa qua. Ảnh: X.T
Lúa bị ngập úng ở xã Tam Thăng và phường An Phú (TP.Tam Kỳ) trong đợt mưa lớn kéo dài cuối tháng 3 vừa qua. Ảnh: X.T

“Tránh” hạn lẫn ngập lụt

Tại phường An Phú, trên 50ha cây trồng bị ngập úng do đợt mưa lớn kéo dài vừa qua, chủ yếu tập trung ở những cánh đồng thuộc khu vực dọc Sông Đầm và sông Bàn Thạch. Đây là những nơi thường xuyên bị ngập úng nếu có mưa lớn xảy ra nhưng cũng gặp phải tình trạng nhiễm mặn khi hạn hán kéo dài. Những năm qua, mặc dù phường An Phú đã thiết lập một khung thời vụ hợp lý cho bà con nông dân sản xuất nhưng vẫn không tránh được rủi ro do thời tiết bất thường gây ra. Vì thế việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vừa phù hợp với đất đai, thổ nhưỡng địa phương vừa thích ứng với biến đổi khí hậu hiện nay trở thành vấn đề cấp bách. Ông Ngô Văn Tùng - Phó Trưởng ban Kinh tế phường An Phú cho biết: “Hiện nay, bà con nông dân ở đây chủ yếu trồng lúa nhưng thường xuyên bị ngập úng và nhiễm mặn nên hiệu quả không cao, có khi mất trắng nếu bị ngập úng nặng như đợt lụt cuối tháng 3 vừa qua. Vì thế, địa phương đã chủ trương cho nông dân chuyển đổi từ trồng cây lúa sang một số loại cây khác phù hợp như rau muống, bắp lai, dưa leo Nhật và một số loại hoa ngắn ngày khác”.

Ngoài chuyển dịch cơ cấu cây trồng phù hợp, phường An Phú cũng thực hiện nhiều phương án để chống chọi với biến đổi khí hậu. Ông Nguyễn Văn Trí - Phó Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND phường An Phú nói thêm: “Trước hết, chúng tôi tranh thủ các nguồn lực để cải tạo và nâng cấp hệ thống kênh mương nội đồng, hệ thống đê đập chống mặn, chống ngập, giao thông nội đồng phù hợp tình hình địa phương. Đồng thời vận động nhân dân chuyển đổi cây trồng dựa trên thực tế sản xuất. Ví dụ như mỗi người dân có một chân ruộng khác nhau nên họ sẽ tự tính toán đến việc trồng cây gì cho phù hợp trên đất đó để tránh được nhiễm mặn cũng như ngập úng. Chúng tôi sẽ không áp đặt cây trồng theo kiểu đại trà mà sẽ hỗ trợ giống, kỹ thuật và những yếu tố cần thiết khác để bà con nâng cao sản xuất theo kinh nghiệm của mình”.

Chuyển dịch “thông minh”

Trong đợt mưa lớn kéo dài bất thường cuối tháng 3 vừa qua, diện tích đất lúa bị thiệt hại do ngập úng trên địa bàn Tam Kỳ hơn 70% (khoảng 234ha), đất trồng đậu phụng 5ha và đất trồng rau các loại là 11ha. Diện tích bị thiệt hại từ dưới 70% trên cây lúa là 50ha, cây sắn 26ha và đậu phụng 65ha. Tổng giá trị thiệt hại ước tính 11,4 tỷ đồng, trong đó các địa phương Tam Thăng, Tam Phú, An Phú, Tân Thạnh, Hòa Thuận chịu thiệt hại nhiều nhất.

Xã Tam Thăng có 270ha lúa, đậu phụng, rau các loại bị thiệt hại trong đợt ngập lụt cuối tháng 3 vừa qua, địa phương này cũng đã tính đến việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp. Những chân ruộng ở các thôn Thái Nam, Thạch Tân, Vĩnh Bình, Xuân Quý… nằm sát Sông Đầm và sông Bàn Thạch nên việc ngập lụt cục bộ rất dễ xảy ra nếu có mưa lớn. Tuy nhiên, vấn đề này không xảy ra thường xuyên mà việc đất đai bị nhiễm mặn do hạn hán bởi biến đổi khí hậu mới là nguyên nhân chính gây nên tình trạng mất mùa từ nhiều năm nay. Xã Tam Thăng đang nỗ lực để giải quyết bài toán chống mặn này. Ông Trần Quốc Thắng - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Thăng nói: “Với tình hình nhiễm mặn ở những vùng trũng thấp ven các sông, địa phương cũng đã chuyển đổi từ trồng lúa kém hiệu quả ở một số nơi sang nuôi trồng thủy sản, rồi chuyển sang trồng các loại cây công nghiệp như cói hoặc một số giống lúa chịu mặn tốt. Đồng thời triển khai đắp đập ngăn mặn, cải tạo hệ thống kênh mương…”.

Theo ông Nguyễn Quốc Tuấn - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp và phát triển nông thôn TP.Tam Kỳ, trước những tác động của biến đổi khí hậu, ngành nông nghiệp thành phố đang xây dựng những đề án chuyển dịch cơ cấu cây trồng có khả năng chống chịu cao với thời tiết bất thường. Trên những vùng đất nhiễm mặn do hạn hán ở các xã Tam Phú, Tam Thăng, An Phú, thành phố đang thực hiện chuyển đổi cây lúa sang các loại cây có hiệu quả kinh tế tương đương nhưng khả năng chịu khô hạn tốt hơn và thiệt hại ít hơn nếu có thiên tai xảy ra như bắp, đậu phụng, rau lang và một số cây trồng cạn khác. Đối với những vùng đất thường xuyên bị ngập lụt, sẽ chuyển đổi trồng những giống lúa chịu ngập lụt cao đã được thử nghiệm có hiệu quả ở một số nơi hoặc có thể chuyển dịch trồng lúa sang nuôi trồng thủy sản với các loại tôm, cua, cá có thời gian sinh trưởng ngắn ngày. “Ngoài việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng kinh tế nông nghiệp “thông minh” với các tác động của biến đổi khí hậu, chúng ta cũng cần chú trọng đến công tác thủy lợi hóa, trồng rừng ngăn mặn, xây dựng hệ thống đê điều chống ngập lụt… để hạn chế tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra” - ông Nguyễn Quốc Tuấn cho biết thêm.

XUÂN TRƯỜNG

XUÂN TRƯỜNG