Tìm giải pháp bảo vệ bờ biển, cửa sông

TRẦN BÍCH LIÊN 09/04/2015 08:19

Nhiều vùng bờ biển, cửa sông Quảng Nam dưới tác động của yếu tố tự nhiên lẫn con người dần đứng trước tình trạng xói lở, bồi tụ. Đã xuất hiện “điểm nóng” về sạt lở như: vùng bờ biển Cửa Đại (Hội An), bãi biển Bà Tình (Núi Thành)…

Mưa to sóng lớn khiến bờ biển Cửa Đại tiếp tục bị công phá. Ảnh: HOÀNG LIÊN
Mưa to sóng lớn khiến bờ biển Cửa Đại tiếp tục bị công phá. Ảnh: HOÀNG LIÊN

Bên lở, bên bồi

Bờ biển cũng như cửa sông tại Quảng Nam biến đổi tương đối phức tạp, có hiện tượng bồi tụ - xói lở đan xen. Nhất là các vùng cửa sông như Cửa Đại (sông Thu Bồn), Cửa Lở (sông Trường Giang), bãi biển Cửa Đại (Hội An), bãi biển Bà Tình (Núi Thành)… là những “điểm nóng” về xói lở - bồi tụ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc quản lý, phát triển bền vững vùng ven biển. Đó là nội dung quan trọng được nhóm nghiên cứu Viện Hải dương học đưa ra tại hội thảo “Nghiên cứu cơ sở khoa học cho việc bảo vệ bờ biển, cửa sông phục vụ việc quản lý, phát triển bền vững vùng ven biển tỉnh Quảng Nam”, được tổ chức tại Sở KH-CN mới đây.

Tại hội thảo, các nhà khoa học của Viện Hải dương học cho rằng, sự biến đổi của đường bờ và vùng bờ nói chung, phụ thuộc vào nhiều nguyên nhân, trong đó tác động của các hoạt động của chính con người lại đang là nhân tố ảnh hưởng rất lớn. Những hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là kinh tế du lịch, đã làm thay đổi cảnh quan tự nhiên của vùng bờ. Đặc biệt, tình trạng xây dựng hàng loạt các công trình thủy điện thượng lưu Vu Gia - Thu Bồn; tình trạng ồ ạt khai thác rừng, khai thác tài nguyên sông ngòi cùng diễn biến phức tạp của thời tiết; sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đã làm cho chế độ thủy văn của các hệ thống sông diễn biến phức tạp. Hậu quả là, cứ vào mỗi mùa mưa lũ, tuyến kè ven biển Cửa Đại dài 4,5km đã bị sóng đánh xói lở, nhiều điểm xói lở còn ăn sâu vào mặt đường, ví như tuyến độc đạo Âu Cơ, nơi có nhiều dự án du lịch hấp dẫn đang bị đe dọa “xóa sổ”. Hay cuối tháng 3.2015, do thời tiết thay đổi, đới gió mùa đông bắc bất thường với cường độ mạnh, liên tục xuất hiện trong nhiều ngày đã gây sóng to, vượt tràn qua hệ thống bao tải và hàng cọc kè trước đây, đánh sâu vào bờ, gây sạt lở nặng khoảng 300m bờ biển Cửa Đại… là thực tế hiển hiện.

Theo ThS. Trần Văn Bình (Viện Hải dương học), trong khi bờ biển đã và đang bị xói lở mạnh thì các khu vực cửa sông lại được bồi cạn và lấp dần, gây thiệt hại nặng nề về tài sản của Nhà nước và nhân dân. Bằng chứng, trong khoảng thời gian 48 năm, từ thời kỳ 1965-2014, bờ biển và vùng cửa sông tại khu vực Cửa Đại đã xảy ra liên tiếp các hiện tượng xói lở - bồi tụ, làm nhiều đoạn bờ bị biến đổi mạnh mẽ. Trong khi đoạn bờ tại mũi Cửa Đại (phường Cửa Đại), đoạn bờ tại mũi An Lương (thuộc Duy Hải, Duy Xuyên) có xu thế bồi tụ, thì đoạn bờ phía bắc Cửa Đại, đoạn bờ biển thuộc 2 phường Cẩm An và Cửa Đại lại có xu thế xói lở mạnh. Giai đoạn 1965-2014, bờ biển và vùng cửa sông tại khu vực Cửa Lở và Bà Tình (Núi Thành) đã và đang xảy ra liên tiếp các hiện tượng xói lở và bồi tụ, làm nhiều đoạn bờ bị biến đổi mạnh mẽ. Trong khi đoạn bờ phía tây bắc Cửa Lở thuộc xã Tam Hòa và Tam Hải, cung bờ biển phía tây bắc và phía đông xã Tam Hải có xu hướng bồi tụ, thì đoạn bờ xã Tam Hải, đông nam Cửa Lở, đoạn bờ giữa cung bờ phía đông xã Tam Hải và đoạn bờ thuộc bãi Bà Tình… lại có xu hướng xói lở mạnh…

Ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An nhìn nhận: “Hội An mất bãi tắm thì sẽ không còn là thành phố du lịch sinh thái nữa. Từ khi bãi tắm sạt lở, các khách sạn Cửa Đại mất đi gần 80% lượng khách. Nếu không kè thì sẽ nặng hơn, nhưng bờ kè hình thành đồng nghĩa với bãi Hội An bị phá vỡ nặng. Trong khi thành phố đang tìm giải pháp căn cơ, các doanh nghiệp du lịch đã và đang tự cứu lấy mình với các giải pháp kè đá hộc, kè rọ đá… khiến bãi biển nham nhở, mất mỹ quan”.

Giải pháp kè bảo vệ

TS. Lê Đình Mầu (Viện Hải dương học), chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu cơ sở khoa học cho việc bảo vệ bờ biển, cửa sông phục vụ việc quản lý, phát triển bền vững vùng ven biển tỉnh Quảng Nam”, Quảng Nam nên chọn giải pháp cứng ở những vùng biển sạt lở trầm trọng như Tam Thanh (Tam Kỳ), Núi Thành, Hội An như đã nói trên. TS. Lê Đình Mầu kiến nghị, đối với khu vực Cửa Lở, có thể xây dựng hệ thống kè phá sóng xa bờ, nằm song song với đường bờ phía nam Cửa Lở. Dọc theo bờ nam Cửa Lở có thể hình thành hệ thống bãi tắm (dạng tombolo) và đường bờ ổn định. Hai là, có thể xây dựng hệ thống kè dạng tường biển kiên cố, kết hợp đường đi tại bờ nam Cửa Lở. Khu vực bãi Bà Tình trước kia đường bờ hình vòng cung dài, nay đã bị xói lở thành vách đứng, mỗi năm ăn sâu vào đất liền 5 - 7m. Theo TS. Mầu, đối với bãi Bà Tình, trong hai giải pháp là xây dựng hệ thống tường biển kiên cố chạy dọc theo chiều dài bãi và xây dựng kè phá sóng nổi tại vịnh, thì giải pháp kè nổi có khá nhiều ưu điểm. Kè nổi giúp ngăn cản được phần lớn năng lượng sóng tác động vào bãi, tận dụng ưu thế của thềm đá ngầm nên độ sâu và độ dài của công trình không lớn, lại tiết kiệm chi phí, giữ gìn cảnh quan, lại tạo một vịnh nước ngầm kín đáo… Ở bờ bắc Cửa Đại, có thể triển khai kè phá sóng bảo vệ bờ, tạo bãi dưới dạng các tombolo. Các bãi tắm dạng tombolo nối từ các đoạn bờ nằm xen giữa các resort ra các kè phá sóng xa bờ. Dải bờ phía nam xây hệ thống kè bảo vệ dưới dạng tường đứng. “Nếu xây tường biển, điều đó nghĩa là cần kéo dài công trình kè bảo vệ bờ Duy Hải về phía mũi An Lương, vừa tạo ra hệ thống đường ven biển bờ nam Cửa Đại phục vụ phát triển du lịch”- TS. Lê Đình Mầu chia sẻ.

Vấn đề quan trọng bây giờ là trong số những giải pháp đó, cần lựa chọn giải pháp tối ưu, sao cho hiệu quả cao, lại vừa với sức lực của địa phương. Theo Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An Nguyễn Thế Hùng, mong rằng các nhà khoa học đưa ra giải pháp hợp lý, giúp Hội An và các địa phương khác giải quyết bài toán sạt lở. Một điều quan trọng nữa là các giải pháp cũng nên vừa với năng lực tài chính của địa phương…

TRẦN BÍCH LIÊN

TRẦN BÍCH LIÊN