Nỗi lo đò ngang tự phát

XUÂN NGHĨA 09/04/2015 08:16

Do địa bàn cách trở nên hiện ở Nam Trà My có nhiều bến đò tự phát, rình rập tai nạn cho người lưu thông đường thủy.

Một chuyến đò ngang qua sông Tranh.
Một chuyến đò ngang qua sông Tranh.

Một lần xuất phát từ bến đò thuộc thôn 4, xã Trà Tập giáp với thôn 1 (xã Trà Mai, Nam Trà My), nhìn nước sông chảy  xiết, đục ngầu do cơn mưa đầu nguồn, tôi có cảm giác dòng sông Tranh không hiền từ. Người thanh niên Ca Dong đang khua mái chèo hướng chiếc đò làm bằng nhôm đưa tôi và vợ chồng anh Hồ Văn Vang (ở nóc Tắc Nương) cùng một trẻ em thoát qua mỏm đá, lắc lư ngược dòng. Không người nào trên chiếc đò này mang phao cứu sinh. Cập bờ, tôi có cảm giác nhẹ nhõm như vừa thoát được hiểm nguy, vì cứ hình dung nếu có gió lốc bất ngờ hay người ngồi trên đò không bình tĩnh thì dễ xảy ra tai nạn, bị dòng sông Tranh cuốn trôi.

Qua tìm hiểu, hiện nay ở huyện miền núi Nam Trà My có nhiều xã, thôn, nóc giao thông cách trở, người dân đi lại sản xuất, chữa bệnh, học tập đều bằng đò ngang tự phát không an toàn, hoặc lội suối rất nguy hiểm đến tính mạng. Dọc theo sông Tranh bên quốc lộ 40B, xuất hiện nhiều bến đò ngang tự phát tiềm ẩn tai nạn giao thông đường thủy nội địa rất cao. Tâm sự với chúng tôi khi đò vừa cập bến, anh Hồ Văn Vang bảo rằng, vẫn biết là nguy hiểm đến tính mạng nhưng không còn con đường nào khác nên vợ chồng anh phải đi qua bến đò ngang này với giá 5 nghìn đồng/lượt vào mùa nắng, mùa mưa là 10 nghìn đồng. Anh Vang cho hay vừa đưa đứa con trai đầu lòng đi khám bệnh ở Trung tâm Y tế huyện về, nếu đi bộ dọc sông Tranh về huyện mất khoảng 4 giờ đồng hồ, nên anh thường đi đường tắc là qua đò ngang. Bến này nằm ở ranh giới giữa xã Trà Mai và Trà Tập, hàng ngày đò vận chuyển người dân qua lại và học sinh đi về trung tâm huyện. Anh Vang kể, tại bến đò này vào thời điểm sát Tết Ất Mùi có một người suýt chết vì đò chìm. “Bến đò tự phát trên do ông Trương Quang Thiều, quê ở Quảng Ngãi nhưng có vợ ở đây lập ra từ 4 năm nay. Thấy người dân đi lại nhiều, một người trong thôn vừa đóng một chiếc đò bằng nhôm để vận chuyển khách, tuy nhiên người chèo thuyền không am hiểu gì về pháp luật giao thông nội địa nên rất nguy hiểm” - anh Vang nói.

Theo một cán bộ Phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Nam Trà My, thôn 4 (xã Trà Tập) có nóc Tắc Nương và Tắc Rối với gần 80 hộ dân sinh sống dọc sông Tranh, nếu về nhanh trung tâm huyện để chữa bệnh, đi chợ hoặc làm giấy tờ tùy thân đều phải chọn đò ngang, còn đi bằng đường bộ qua cầu, lội suối thì mất hơn một buổi đường mới đến. Trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Quang Bửu - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết: “Vừa rồi cũng có một số xã, một số ngươi dân, cụm dân cư tự làm đò chở người. Nhận được tin huyện đã cử người đến vận động, tuyên truyền bà con không nên sử dụng những bến đò ngang tự phát”. Cũng theo ông Bửu, khu vực này đã được Bộ Giao thông vận tải ưu tiên cho xây dựng cầu treo trong tháng 4 này, nhưng đơn vị thi công khảo sát gặp phải nhiều khó khăn do không có đường công vụ vận chuyển thiết bị, máy móc, vật tư tập kết phục vụ thi công. “Huyện Nam Trà My lập dự án xây dựng nhiều chiếc cầu treo phục vụ dân sinh, trước mắt ưu tiên đầu tư xây dựng khẩn cấp 9 chiếc cầu treo ở các xã Trà Tập, Trà Nam, Trà Leng, Trà Vân để phục vụ việc đi lại cho nhân dân” - ông Bửu chia sẻ.

XUÂN NGHĨA

XUÂN NGHĨA