Du lịch "có trách nhiệm"
Qua hơn một năm triển khai, dự án “Du lịch bền vững và có trách nhiệm tại miền Trung” đã đạt được những kết quả tích cực trong việc cải thiện sinh kế cho cộng đồng dân cư tại Quảng Nam.
Thông qua dự án người dân làng Đhrôồng đã có thêm thu nhập từ việc phục hồi làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Ảnh: K.L |
Được triển khai từ tháng 1.2014, dự án “Du lịch bền vững và có trách nhiệm tại miền Trung” do Văn phòng UNESCO tại Hà Nội phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam thực hiện (trong vòng 24 tháng; tổng kinh phí gần 900 nghìn USD) với mục đích cải thiện sinh kế cho cộng đồng dân cư tại các huyện vùng sâu trong đất liền thuộc 2 tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên Huế, thông qua hoạt động thúc đẩy du lịch văn hóa. Qua hơn một năm triển khai, dự án đã bước đầu đạt được một số kết quả.
Cộng đồng trách nhiệm
Tại Quảng Nam, tiếp nối dự án “Tăng cường hoạt động du lịch các huyện sâu trong đất liền” (giai đoạn 2011 - 2013), dự án “Du lịch bền vững và có trách nhiệm tại miền Trung” đã tiến hành rà soát, sắp xếp lại cơ cấu hoạt động của các tổ, nhóm tại các làng du lịch cộng đồng Mỹ Sơn (Duy Xuyên) và Bhơ Hôồng, Đhrôồng (Đông Giang) cũng như mối quan hệ giữa các thành viên trong tổ hợp tác, giữa tổ hợp tác với doanh nghiệp… Dự án cũng đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ phát triển tại làng du lịch cộng đồng Triêm Tây (xã Điện Phương, Điện Bàn) như đào tạo nâng cao năng lực cho người dân; xây dựng bản đồ du lịch, cải tạo cảnh quan, xây dựng bộ sản phẩm dịch vụ du lịch; đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng hàng rào xanh, cải tạo đường chính trong làng; hỗ trợ địa điểm xây dựng bến thuyền; lập dự án chống xói lở...
Thành công của dự án “Du lịch bền vững và có trách nhiệm tại miền Trung” qua hơn một năm triển khai được thể hiện trên 5 nội dung chính, gồm: kỹ năng và cơ hội làm việc của người lao động và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch được nâng cao; sản phẩm thủ công địa phương được thúc đẩy quảng bá mạnh mẽ bước đầu tạo được doanh thu cho người dân; giảm nghèo thông qua sinh kế du lịch cho các cộng đồng nông thôn, miền núi; tài nguyên văn hóa cho thị trường du lịch được bảo tồn và phát huy; nhận thức của cộng đồng về du lịch có trách nhiệm được cải thiện vững chắc. |
Ngoài ra, dự án tham gia đào tạo tập huấn kỹ năng thuyết minh viên địa phương và quản lý kinh doanh lưu trú nhà dân tại làng Cẩm Thanh (Hội An) và Trà Nhiêu (xã Duy Vinh, Duy Xuyên). Đồng thời thành lập Tổ đề án xây dựng đề xuất cải cách hệ thống vé tham quan Hội An; hỗ trợ phát triển cơ chế quản lý thương hiệu đối với các sản phẩm thủ công tại Quảng Nam; quảng bá du lịch tuyến đường Hồ Chí Minh kết nối 3 huyện Nam Giang, Đông Giang, Tây Giang với A Lưới (Thừa Thiên Huế) nhằm thúc đẩy phát triển du lịch liên vùng… Theo ông Hồ Tấn Cường - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, dù mới đi hơn nửa chặng đường nhưng dự án đã đạt được nhiều kết quả khả quan, thể hiện rõ trong việc phối hợp với chính quyền sở tại khi mà mọi hoạt động được triển khai đều có sự tham gia của các ban, ngành, tổ chức liên quan, được người dân địa phương đồng tình hưởng ứng. Đặc biệt, ngoài nguồn kinh phí hỗ trợ từ dự án, một số địa phương còn tích cực huy động thêm nguồn lực khác để phát triển các điểm du lịch cộng đồng. Một số địa phương còn phân công trách nhiệm cụ thể cho từng phòng chuyên môn liên quan tổ chức các hoạt động với tinh thần trách nhiệm cao… “Hiệu quả tích cực nhất của dự án thời gian qua chính là đã tạo nên sự đồng thuận giữa người dân và chính quyền địa phương về những mục tiêu mà dự án hướng đến” - ông Cường nói.
Tạo sự lan tỏa
Thành công bước đầu của dự án chính là giúp thay đổi nhận thức của người dân trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa và bảo vệ môi trường tự nhiên, phục hồi những làng nghề truyền thống theo hướng dịch vụ du lịch. Trước đây người dân cứ nghĩ du lịch là một cái gì đó rất xa xôi. Bây giờ thì ở các làng du lịch cộng đồng, người người nhà nhà cùng tham gia; sản phẩm làng nghề bán cho du khách mang lại thu nhập cho đồng bào. Bà Ating Tươi - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang chia sẻ, thông qua mô hình phát triển du lịch cộng đồng, người dân ở các làng Đhrôồng (xã Tà Lu) và Bhơ Hôồng (xã Sông Kôn) được tập trung vào các tổ sản xuất để cùng phối hợp làm du lịch. Đặc biệt, từ sự hỗ trợ của dự án, những mô hình homestay tại Bhơ Hôồng và moong tại Đhrôồng được hình thành, tạo điều kiện thu hút khách đến tham quan lưu trú nhiều hơn. Dự kiến thời gian tới, một làng văn hóa truyền thống Cơ Tu cũng sẽ được xây dựng tại Đhrôồng để biến nơi đây thành “công viên bảo tồn văn hóa đồng bào”, góp phần mang đến những sắc thái mới cho du lịch cộng đồng.
Trong cuộc họp báo cáo kết quả thực hiện dự án “Phát triển du lịch bền vững có trách nhiệm tại miền Trung” diễn ra mới đây, bà Dương Bích Hạnh - Trưởng ban Văn hóa UNESCO tại Việt Nam, đại diện Tổ kỹ thuật dự án cho biết, mục tiêu dự án không chỉ giúp thu hẹp khoảng cách phát triển du lịch giữa vùng ven biển và nội địa, vùng sâu, vùng xa mà còn hướng đến mục đích giảm nghèo thông qua tạo cơ hội việc làm, tăng thu nhập và nâng cao sinh kế người dân địa phương bằng cách thúc đẩy phát triển các sản phẩm du lịch xanh và thân thiện với môi trường. Cũng theo bà Hạnh, hiệu quả của dự án là đã đưa ra được mô hình thành công của cách làm để giới thiệu rộng rãi đến các địa phương khác trên cả nước trong việc nâng cao giá trị gia tăng của các sản phẩm làng quê nông thôn Việt Nam.
Dù vẫn còn một số khó khăn như chậm giải ngân từ nhà tài trợ và đối tác, chậm trễ trong quá trình thông qua kế hoạch hoạt động, kinh phí hỗ trợ chưa nhiều. Tuy nhiên, những kỳ vọng và mong đợi của dự án về việc nâng cao nhận thức người dân và chính quyền địa phương nhằm tận dụng những cơ sở vật chất đang có để phát triển du lịch mang lại thu nhập dựa trên những hỗ trợ kỹ thuật, sáng kiến… đang dần trở thành hiện thực để tạo nên sự lan tỏa ở các địa phương khác.
VĨNH LỘC