Gương sáng phụ nữ Cơ Tu
Những năm qua, huyện miền núi Tây Giang đã có những chỉ thị, nghị quyết nhằm tăng cường nâng cao vài trò phụ nữ Cơ Tu trong đời sống xã hội hiện nay. Trong lao động sản xuất, nhiều chị em đã mạnh dạn vay vốn, đầu tư phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo. Chị BNước Thị Blắc (thôn R’cung, xã Bha Lêê) là một tấm gương phụ nữ như thế.
Chúng tôi tìm đến nhà chị Blắc, nằm bên đường Hồ Chí Minh. Dù đã là 12 giờ trưa nhưng chị vẫn tất bật với công việc. Năm nay, gia đình chị có nhiều cái mới, đó là ngôi nhà mới xây trị giá hơn 100 triệu đồng, chiếc xe tải mới mua hơn 400 triệu đồng để vận chuyển nông sản của Tây Giang xuống bán tận Đà Nẵng và lấy hàng lên bán lại cho bà con trong thôn bản. Anh Trần Văn Được (chồng chị) kể cho chúng tôi nghe về hành trình thoát nghèo, vươn lên làm giàu của gia đình mình. Từ hai bàn tay trắng, lúc đầu gia đình anh chị vay 10 triệu đồng từ Chi nhánh Ngân hàng Chính sách - xã hội huyện Tây Giang để đầu tư nuôi heo, vịt, gà... với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, sau đó mạnh dạn đầu tư trồng các cây quế, keo nguyên liệu, gầy dựng đàn heo. Sau gần 5 năm quyết tâm bám đất, bám rừng, gia đình Bhnướch Thị Blắc sở hữu 20ha keo, một đàn heo thịt 20 con, gần 200 con gia cầm, 1 máy xay xát, 1 xe tải... Ngoài ra, với mong muốn giúp đỡ đồng bào nơi đây đỡ phải vất vả khi đi chợ xa và bao tiêu các sản phẩm sản xuất nông nghiệp tại địa phương, gia đình chị Blắc đã mở một đại lý tạp hóa mua bán tại thôn. “Bà còn cần bán gì thì mình mua, ngược lại bà con cần mua gì thì mình bán, cứ thế hàng hóa trao đổi với nhau theo giá cả có lợi cho hai bên. Mua bán thì có lời nhưng lời chút đỉnh thôi” - chị Blắc bộc bạch.
Hằng ngày, anh chị lặn lội vào tận thôn bản các xã lân cận như A Vương, A Tiêng, Lăng… để thu mua gỗ keo và kêu gọi bà con trong thôn tham gia khai thác, vận chuyển. Mỗi nhân công làm keo cho anh chị được trả lương 100 - 150 nghìn đồng/ngày… Vì vậy ngoài việc có thu nhập kinh tế cho gia đình, anh chị còn giúp đỡ, tạo công ăn việc làm cho bà con trong thôn. Tổng thu nhập hàng năm của gia đình anh chị hơn 100 triệu đồng từ các nguồn thu, đã mang lại cho gia đình sự no đủ và dần khá giả. Chị Lê Thị Kim Vân - Chủ tịch Hội LHPN huyện Tây Giang nhận xét: “Phụ nữ Cơ Tu mà điển hình là Bhnướch Thị Blắc vốn chịu thương chịu khó. Trước đây, do còn ràng buộc nhiều vào tập tục, vai trò của phụ nữ Cơ Tu thường bị xem nhẹ, nhưng ngày nay với sự đổi mới và hội nhập, họ thích nghi rất nhanh và dần khẳng định vai trò, vị trí của mình trong gia đình và xã hội”. Hiện nay, trên địa bàn huyện xuất hiện nhiều gương phụ nữ điển hình tiên tiến, nhiều chị em còn tham gia các hoạt động chính trị - xã hội địa phương và giữ nhiều vị trí chủ chốt tại các xã, các ban ngành của huyện, của xã... “Chúng tôi sẽ tổ chức các buổi tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao kiến thức cho chị em như tuyên truyền về kế hoạch hóa gia đình, Luật Hôn nhân gia đình, rồi tuyên truyền vận động con cháu thực hiện nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, vận động con em không cưới vợ, gả chồng sớm... với mục tiêu cuối cùng là làm sao từng bước nâng cao vai trò vị thế của họ” - chị Vân cho biết thêm.
ĐÌNH HIỆP