Những bông hoa ven đường
Phong trào thi đua của ngành giao thông vận tải (GTVT) tỉnh trong 5 năm qua đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình với những việc làm đầy ý nghĩa.
Hình ảnh anh Thịnh dẫn cụ già, trẻ nhỏ qua đường trở nên quen thuộc với người dân qua lại tại ngã ba Nam Phước (Duy Xuyên). Ảnh: VĂN SỰ |
1. Nhắc lại vụ chìm tàu ở biển Cửa Đại cuối năm 2011 là nhớ đến anh Nguyễn Cường, người dân ở phường Cửa Đại (TP.Hội An). “Đang ăn cơm trưa cùng gia đình, tôi nghe người dân la to có tàu chìm liền vứt vội chén cơm ăn dang dở rồi lao về phía bờ biển Cửa Đại” - anh Nguyễn Cường kể. Thời khắc đó là vào khoảng 12 giờ 45 phút ngày 25.12.2011, tàu gỗ QNa-0063 của Tiểu đoàn 70, thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chở 35 người (29 cán bộ chiến sĩ) đang từ đảo Cù Lao Chàm trở vào đất liền, còn cách bờ hơn 1km thì gặp sự cố. Mặc cho thời tiết xấu và sự thiếu thốn phương tiện cứu hộ, anh Cường nhảy xuống nước với suy nghĩ: phải cứu người. Vừa dưỡng sức, vừa nỗ lực tìm cách dìu người đuối nước hợp lý, anh Cường đưa gần 10 người vào bờ an toàn. Khi được hỏi vì sao giữa cơn sóng dữ và cái lạnh cắt da cắt thịt của mùa biển động, bản thân lại bất chấp hiểm nguy để hành động như vậy? Anh Cường trầm tư nói: “Không chỉ riêng tôi, ai nghe những tiếng kêu thất thanh và tận mắt chứng kiến tính mạng đồng bào mình rất nguy kịch thì cũng làm thế thôi”.
“Ngành GTVT thường xuyên tổ chức sơ kết, tổng kết để xem xét khen thưởng kịp thời, công khai và khách quan. Đặc biệt chú ý đến các đối tượng nhân viên và công nhân trực tiếp lao động để động viên, khích lệ các sáng kiến, cải tiến nên tạo được động lực, làm đòn bẩy để xây dựng phong trào ngày càng phát triển bền vững”. (Giám đốc Sở GTVT - ông Nguyễn Văn Nhân) |
2. Đặt một bàn nhỏ mưu sinh bằng nghề sửa khóa tại khu vực ngã ba Nam Phước (Duy Xuyên), anh Lê Văn Thịnh trú tại khối phố Long Xuyên 2, thị trấn Nam Phước chứng kiến nhiều vụ tai nạn giao thông đáng tiếc, nhất là người già, em nhỏ do không quan sát khi đi qua đường. Nơi đây xe cộ đông đúc, nhưng không có đèn tín hiệu giao thông cũng chẳng thấy vạch kẻ dành cho người đi bộ nên rất nguy hiểm. Vì vậy, anh tranh thủ vừa làm khóa vừa dẫn mọi người qua lại. “Buổi sáng tầm 9 giờ trở đi, khi trường cấp I, II thị trấn Nam Phước vừa tan, học sinh tập trung từng nhóm sát lề, tôi đón các em sang cho an toàn. Riết rồi thành quen, góc nhỏ sửa khóa của tôi trở thành nơi tập trung của học trò sau mỗi giờ hết tiết dạy” - anh Thịnh tâm sự. Năm 2006, anh Lê Văn Thịnh đề xuất và được Công an thị trấn Nam Phước thiết kế 2 biển báo cầm tay (1 dùng ban ngày và 1 ban đêm) với nội dung “Chú ý! Nhường đường cho trẻ và người già”. Người “hiệp sĩ giao thông” này sắm thêm cái còi để làm nhiệm vụ mà không ít người bảo… khùng. Nhưng mặc kệ, anh Thịnh vẫn hàng ngày lặng lẽ thực hiện công việc mà anh cảm thấy mình hạnh phúc, đêm về nhà nằm ngủ bình yên nhất. Cứ thế hơn 20 năm rồi, “chú Thịnh” - “cháu Thịnh” mà các em nhỏ - cụ già trìu mến gọi tên luôn cẩn trọng từng li, từng tí dẫn mọi người tuyệt đối không để xảy ra sự cố.
3. Anh Lê Tất Dũng ở thôn Phú Lộc, xã Đại An (Đại Lộc). Sau nhiều năm lao động dành dụm định làm lại căn nhà mới. Nhưng cũng chừng ấy năm đau đáu với cảnh bà con nông dân, nhiều em học sinh qua lại đôi bờ Vu Gia bằng cầu tre tạm bợ nguy hiểm. “Mỗi lần có cơn lũ nhỏ, cầu bị cuốn đi nên phải làm lại rất tốn công sức tiền của. Không ít vụ tai nạn đã xảy ra tại khu vực nêu trên. Trong tôi quyết tâm làm cho bằng được cây cầu phao do chính bản thân thiết kế và tự lấy tiền dành dụm làm nhà để đầu tư” - anh Dũng cho hay. Cuối năm 2013, cầu phao Phú Lộc dài 78m, rộng 2m, tải trọng 750kg với kinh phí 300 triệu đồng được đưa vào sử dụng trong niềm hân hoan, thán phục và biết ơn của người dân 2 xã Đại An và Đại Cường. Nhờ có cầu, nông dân các thôn ven bờ đi làm đồng và học sinh đi học thuận tiện, an toàn. Nghe thông tin, nhiều tấm lòng nhân ái ở khắp mọi miền Tổ quốc đã kịp thời động viên, gửi tiền và quà để anh Dũng tiếp tục hoàn thiện một vài hạng mục còn dở dang.
4. Bề mặt con đường được đổ bằng bê tông xi măng trải dài 293m ở tổ 8, thị trấn Hà Lam (Thăng Bình) có sự đóng góp thầm lặng của tổ viên Nguyễn Thị Kim Hoa, hiện công tác tại Trường THCS Trần Quý Cáp ở xã Bình Quý. Vốn trước đây, con đường là “điển hình” về “nắng bụi mưa lầy”, gây khó khăn cho việc sinh hoạt, lưu thông hàng hóa của người dân. Nhưng để mở rộng và kiên cố hóa, 19 hộ dân của tổ không đủ lực triển khai. Bởi ngoài 5 hộ công nhân viên chức, các gia đình còn lại là lao động phổ thông; nhiều hộ nghèo, neo đơn, bệnh nặng. Đến lúc thị trấn thông báo hỗ trợ kinh phí làm đường, người dân rất mừng và tín nhiệm bầu cô giáo Hoa giữ trọng trách Trưởng ban quản lý, giám sát công trình. “Gương mẫu đi đầu, 5 hộ công nhân viên chức góp 10 triệu đồng. Hộ già yếu neo đơn, nghèo khó tham gia được 5 triệu đồng. Còn thiếu 15 triệu đồng, tổ quyết định đi vay giúp các hộ có sức lao động, nhưng không có tiền nộp để sau này họ bỏ công làm bù” - chị Hoa kể. Xong đâu đấy, chị lại cùng ban cán sự tổ lo giải quyết chuyện mặt bằng, vì có tới 100m mà bề ngang chỉ rộng 1,5m, hai bên là mương nước và ruộng. Các thành viên nỗ lực đi thuyết phục người thân, tổ lân cận, người mua đất mà chưa làm nhà ở… quyên góp đủ 15 triệu đồng. Tổ thuê xe chở đất dư tại khu vực chợ cũ để đắp nền rộng 4m… Trong vòng 8 ngày, đoạn đường trên đã đổ bê tông xi măng hoàn thành, tiết kiệm 15 triệu đồng tiền thuê thợ.
CÔNG TÚ