Trang trại chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường

TRIÊU NHAN 07/04/2015 08:42

Là mô hình chăn nuôi heo công nghệ cao, nhưng từ khi đi vào hoạt động vào năm 2012 tới nay, trang trại chăn nuôi heo nái sinh sản tại thôn Thạnh Phú (Đại Chánh, Đại Lộc) do Công ty TNHH Tiến Đại Hưng làm chủ đầu tư luôn gặp sự phản đối của người dân sống lân cận vì ô nhiễm môi trường.

“Đâu lại vào đấy”

Thời gian gần đây, hơn 100 hộ dân thôn Thạnh Phú và hàng chục hộ dân sống ở khu vực lân cận trang trại chăn nuôi heo nái sinh sản (Công ty TNHH Tiến Đại Hưng làm chủ đầu tư) bức xúc trước tình trạng ô nhiễm môi trường kéo dài xảy ra trên địa bàn. Đỉnh điểm là cuối tháng 2.2015, hàng trăm hộ dân của đội 2 (thôn Thạnh Phú) đã tụ tập đóng cổng barie ngăn chặn không cho xe tải chở thức ăn gia súc vào trang trại, đồng thời yêu cầu công ty xử lý, khắc phục mùi hôi, khắc phục ô nhiễm do nước thải từ trang trại gây ảnh hưởng tới năng suất 1,5ha lúa ở khu vực cũng như ảnh hưởng tới nguồn nước trên địa bàn thôn. Khi vụ việc xảy ra, Phòng Tài nguyên - môi trường (TN-MT), Công an huyện Đại Lộc và các ngành chức năng đã vào cuộc, song tình hình vẫn chưa được xử lý rốt ráo do vẫn chưa có kết luận chính thức từ việc lấy mẫu phân tích, quan trắc về không khí, nguồn nước. Ông Nguyễn Văn Thân (người dân đội 2, thôn Thạnh Phú) bức xúc: “Bà con chúng tôi ở đây phải sống chung với mùi hôi thối mấy năm nay. Mỗi lúc bà con bức xúc, làm căng, thì tình trạng hôi thối cải thiện được ít bữa, chỉ một thời gian là đâu lại vào đấy. Bữa nay đứng gió, đỡ hôi, chứ chỉ cần có gió nam thổi xuống là mùi hôi xông ra nồng nặc, ăn không ngon, ngủ không yên, phải đóng cửa suốt ngày. Nhà bán cà phê mà khách khứa không ai dám tới vì không ai chịu nổi mùi hôi”.

Trang trại chăn nuôi heo nái sinh sản (thôn Thạnh Phú, Đại Chánh)  liên tục bị người dân phản ứng vì ô nhiễm môi trường. Ảnh: Triêu Nhan
Trang trại chăn nuôi heo nái sinh sản (thôn Thạnh Phú, Đại Chánh) liên tục bị người dân phản ứng vì ô nhiễm môi trường. Ảnh: Triêu Nhan

Cũng theo ông Thân, khu chăn nuôi được bố trí ở gò đất cao nhất nằm trên đầu làng Thạnh Phú, nơi đầu nguồn nước Khe Tân, lại cách nhà dân chưa đầy 50m. “Ngay cả nguồn nước thải do công ty thải ra, nhiều héc ta lúa bị ảnh hưởng, người dân phản đối, công ty từng trả lời là đã chuyển ngược dòng nước thải lên núi. Thực sự không ai biết rõ là nước thải đó đi đâu, dân chúng tôi mù mù tăm tăm, nói sao thì nghe rứa. Nhưng cái mà chúng tôi cần là trang trại làm đúng theo lời hứa và cam kết về môi trường trước dân và ngành chức năng” - ông Thân bày tỏ. Cạnh đó, bà Võ Thị Hà chia sẻ: “Chúng tôi cũng mong ngành chức năng vào cuộc, xem xét vấn đề nguồn nước ngầm ở khu vực này. Đã có hiện tượng giếng nước nhà tôi và một số hộ không dùng được, đục ngầu, mùi tanh hôi khó chịu”. “Chúng tôi không muốn làm khó doanh nghiệp, song cái mà người dân muốn là công ty trên khắc phục ô nhiễm môi trường một cách triệt để chứ không phải là theo hình thức đối phó, nhất thời để qua mắt ngành chức năng. Trên thực tế, đã nhiều lần, trước bà con, trang trại trên hứa khắc phục, nhưng chỉ được thời gian rồi đâu lại vào đấy” - ông Thân nói thêm.

Hàng trăm hộ dân Thạnh Phú bức xúc kiến nghị về môi trường.
Hàng trăm hộ dân Thạnh Phú bức xúc kiến nghị về môi trường.

Sẽ kiên quyết xử lý

Trước tình trạng kiến nghị, phản ảnh kéo dài của người dân thôn Thạnh Phú, vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn đã trực tiếp chỉ đạo, yêu cầu các Sở TN-MT, NN&PTNT và UBND huyện Đại Lộc tiến hành kiểm tra, xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường của trang trại chăn nuôi heo nái sinh sản do Công ty TNHH Tiến Đại Hưng làm chủ đầu tư. Đồng thời UBND tỉnh cũng giao các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, xác định nguyên nhân ô nhiễm môi trường nêu trên. Trường hợp cơ sở sản xuất vi phạm về môi trường, ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của nhân dân phải xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật, báo cáo cụ thể tình hình và kết quả xử lý về UBND tỉnh trước ngày 15.4.2015.

Ông Nguyễn Thanh Long - Phó Chủ tịch UBND xã Đại Chánh xác nhận, trước phản ánh và bức xúc của dân, địa phương đã nhiều lần cử người tổ chức đối thoại giữa người dân và phía doanh nghiệp để tìm hướng giải quyết. Cùng với đó, UBND xã đã báo cáo, kiến nghị lên Phòng TN-MT huyện và ngành chức năng. “Qua nhiều lần kiểm tra, tình trạng mùi hôi xảy ra từ trang trại, gây ảnh hưởng tới sinh hoạt người dân là có thật. Còn về tình trạng ô nhiễm nguồn nước, việc 1,5ha lúa của 40 hộ dân gần khu vực trang trại bị hư hại, phải chờ kết luận cụ thể từ ngành chức năng mới biết được” - ông Long nói.

Trung tá Nguyễn Thế Cả - Đội trưởng Đội Cảnh sát kinh tế - chức vụ, ma túy và môi trường (Công an huyện Đại Lộc) cho hay, về tình hình ô nhiễm tại trang trại chăn nuôi Đại Chánh, lực lượng Công an huyện đã kết hợp với Phòng TN-MT huyện nhiều lần xuống kiểm tra, nhắc nhở và cũng đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với trang trại chăn nuôi trên. Trong phạm vi nhất định, sắp tới, chúng tôi sẽ làm việc với Công ty TNHH Tiến Đại Hưng (đơn vị cho thuê mặt bằng) và Công ty TNHH Thái Việt Agri Group (đơn vị chăn nuôi) để có hướng xử lý.

Theo đề án bảo vệ môi trường tại doanh nghiệp đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định 3673/QĐ-UBND 26.11.2013, trang trại chăn nuôi thôn Thạnh Phú có quy mô phê duyệt là 700 con heo nái sinh sản và 4.000 con heo hậu bị, song trang trại này đã nuôi với tổng đàn vượt quy định, dẫn tới quá tải, không đảm bảo xử lý triệt để về mùi hôi lẫn nguồn nước thải. “Riêng vấn đề ô nhiễm nguồn nước tại khu dân cư, ô nhiễm ao nuôi dẫn đến cá chết hàng loạt hay tình trạng nhiều diện tích lúa bị hư hại như đã nói trên lại nằm ngoài phạm vi của địa phương, phải chờ kết quả thẩm định, phân tích của Sở TN-MT và các đơn vị có thẩm quyền” - Trung tá Nguyễn Thế Cả chia sẻ.

TRIÊU NHAN

TRIÊU NHAN