Từ những người rất trẻ…
Mỹ thuật Quảng Nam, sau một khoảng dài vắng lặng, hôm nay đã khởi đi nhiều tín hiệu vui từ những người rất trẻ…
Khách xem Triển lãm Mỹ thuật Quảng Nam lần II. Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
Triển lãm Mỹ thuật Quảng Nam lần II năm 2015 vừa khép lại với những ấn tượng được tạo nên bởi những người trẻ cả tuổi đời lẫn tuổi nghề. Ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, chia sẻ, chỉ vài năm nữa, mỹ thuật Quảng Nam sẽ làm nên những tên tuổi lớn. “Mỹ thuật Quảng Nam - có lẽ mang cái mã nguồn quyết liệt từ quá khứ, nên có điều gì đó rất riêng. Cái riêng ấy, không rời xa thực thể cuộc sống, nhưng lại tạo được bản sắc. Khoảng hai năm trở lại đây, tôi tiếp xúc nhiều với anh em nghệ sĩ trẻ của Quảng Nam. Họ đầy hy vọng đấy!” - ông Vi Kiến Thành nói.
Hội họa là con đường độc hành. Một hành trình nghiệt ngã buộc người dấn thân phải bung hết bản ngã của mình. Hơn 100 bức tranh trong cuộc triển lãm lần này là hơn chừng ấy cái Tôi, với nhiều thể nghiệm từ ý tưởng đến chất liệu. Triển lãm, ngoài những cái tên quen của làng mỹ thuật Quảng Nam, với những ám ảnh dự phần lâu nay trong tranh của họ, thì năm nay xuất hiện khá nhiều “người lạ”. Và chính những cái “tên lạ” ấy lại làm nên chuyện.
Lê Đình Chinh – lần đầu tiên xuất hiện ở Triển lãm Mỹ thuật lần II, gây nhiều ngạc nhiên cho người thưởng lãm. Chính Ban Giám khảo của triển lãm lần này cũng bất ngờ với một chàng sinh viên mỹ thuật vừa tốt nghiệp như Chinh. “Hội chòi nơi xứ Quảng” của Chinh thu hút người xem từ ý tưởng, sắc màu đến bố cục. Bỏ ngang Đại học Kinh tế TP.Hồ Chí Minh để thi vào Đại học Mỹ thuật, đạt thủ khoa đầu vào năm 2009, tốt nghiệp thủ khoa năm 2013, liên tục hai năm sau này, Chinh giành được nhiều giải thưởng từ các liên hoan, triển lãm khu vực cũng như quốc gia. Chọn chủ đề phản ánh lại một nét sinh hoạt truyền thống của người dân xứ Quảng, Chinh cho biết, hình ảnh về một gian bài chòi, với những quân bài đầy màu sắc, những câu ca khi bật thốt lên như thấy cả miền tâm thức của người dân bao thế hệ. Cộng với tâm hồn của một chàng trai sinh thành ở phố cổ, không gian đủ để mỗi con người trở thành một nghệ sĩ – ít nhất từ trong cảm nhận. Gần cả trăm bức tranh từ ngày bắt đầu chọn hội họa, phố cổ Hội An cùng những hình thái sinh hoạt ở không gian này luôn là chủ đề chính trong tác phẩm của Chinh. Trưởng ban Giám khảo của triển lãm, ông Vi Kiến Thành, nhận xét, tác phẩm “Hội chòi nơi xứ Quảng” của Lê Đình Chinh thể hiện được linh hồn của một vùng văn hóa, mộc mạc nhưng lại đạt tới cái Mỹ trong hội họa. Đây cũng là tác phẩm giành giải A duy nhất của Triển lãm Mỹ thuật Quảng Nam lần II.
Các tác giả nhận giải thưởng của Triển lãm Mỹ thuật lần II. Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
“Bằng tình cảm chân thành, từ tình yêu quê hương xứ Quảng, các nghệ sĩ đã thổi hồn vào tác phẩm của mình với những nét sáng tạo độc đáo riêng biệt, thể hiện sinh động vẻ đẹp về vùng đất, con người Quảng Nam. Mỗi tác phẩm tham dự triển lãm lần này là một thông điệp cuộc sống từ chính tình cảm và trách nhiệm của người nghệ sĩ, gợi cho chúng ta nhận thức được cái hay cái đẹp của cuộc sống, qua đó giáo dục và nuôi dưỡng tâm hồn mỗi con người” - ông Nguyễn Văn Hàm, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, Chi hội trưởng Chi hội Mỹ thuật, chia sẻ. Cũng theo ông Hàm, vun đắp cho những tài năng trẻ bằng một môi trường hoạt động nghệ thuật hướng dần tới tính chuyên nghiệp, tạo nên nhiều sân chơi hơn là mục tiêu hướng tới của ngành văn hóa sau này. Nhắc tới những tên tuổi trẻ của mỹ thuật Quảng Nam không thể thiếu tên tuổi Nguyễn Văn Huy. Tuổi chỉ mới tròn 30, Huy đã sở hữu một gia tài tác phẩm khá đồ sộ cùng bộ sưu tập những giải thưởng từ trung ương đến địa phương. Huy dạm chân bằng những bước đi rắn rỏi và khẳng định tên tuổi của mình bằng cách chọn tạc những “nhân hình” với muôn vạn mặt người làm nên lịch sử và cuộc đời. Đó có thể là một lược sử về âm nhạc Việt Nam qua những “gương mặt” của Văn Cao, Trịnh Công Sơn, Trần Văn Khê, Phan Huỳnh Điểu… Hay cũng có thể là những bức tượng về các danh nhân, chí sĩ yêu nước Quảng Nam. Điều đáng quý ở chàng nghệ sĩ có tuổi đời khá trẻ này, là khi tạc tượng, anh dồn tất cả tâm lực để có những phút thăng hoa cho mỗi tác phẩm. Có lẽ, tuổi trẻ tràn đầy nhiệt huyết, sức sáng tạo không ngừng và tình yêu nghệ thuật vẫn luôn cháy trong lòng nhà điêu khắc trẻ nên mỗi tác phẩm là mỗi thần thái khiến ai quan chiêm cũng phải thán phục. Lần này, Huy chọn thần thái của nhà yêu nước, nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Việt Nam Võ Chí Công. Dựng lại một thần sắc cương nghị, truyền lại tình yêu nước bất diệt là điều mà Huy làm được khi tạc lại tượng của vị lãnh đạo đáng kính này. Ngoài Lê Đình Chinh, Nguyễn Văn Huy, Lê Nguyên Chính, Trần Đức…, mỹ thuật Quảng Nam còn rất nhiều những người trẻ 8X với ngọn lửa đam mê cho bộ môn nghệ thuật này. Vẫn mong họ đủ bền bỉ trong cuộc chơi với nghệ thuật, luôn làm mới mình và làm nên một mỹ thuật Quảng Nam đa sắc màu, đầy ấn tượng.
SONG ANH