Du lịch Mondulkiri

QUỐC HƯNG 03/04/2015 10:25

Đến nay, du lịch vẫn được xem là một trong những điểm sáng của kinh tế Campuchia. Năm 2014, Campuchia - đất nước chùa tháp huyền bí đón 4,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng 7% so với năm 2013, doanh thu đạt 3 tỷ USD và tạo ra khoảng 60 nghìn việc làm. Trong chiến lược phát triển ngành hiện nay, Campuchia muốn đa dạng hóa điểm đến, bao gồm việc khai thác thế mạnh của điều kiện tự nhiên, bản sắc văn hóa đặc trưng tại những vùng sâu, vùng xa. Modulkiri là một minh chứng điển hình.

Bou Sra - một trong 3 thác nước thu hút du khách của Mondulkiri. (Ảnh: sunnarin)
Bou Sra - một trong 3 thác nước thu hút du khách của Mondulkiri. (Ảnh: sunnarin)

Mondulkiri là tỉnh phía đông của Campuchia, giáp Tây Nguyên của Việt Nam, có dân cư thưa thớt nhất, hơn 60 nghìn người trên diện tích 14.288km2². Mondulkiri có nguồn tài nguyên tự nhiên vô cùng phong phú với những dãy núi hùng vĩ, rừng nhiệt đới, động vật hoang dã bản địa, rừng thông, các thác nước kỳ vĩ, không khí trong lành…, trở thành điểm đến du lịch sinh thái và mạo hiểm của rất nhiều du khách. Ngoài ra, cộng đồng dân tộc thiểu số tại đây vẫn giữ nguyên đặc điểm văn hóa, lối sống truyền thống hay sự phong phú về ngôn ngữ như tiếng Khmer, tiếng dân tộc thiểu số, tiếng Lào và cả tiếng Việt, góp phần tạo cho du khách có được trải nghiệm vô cùng mới mẻ.

Bou Sopheap - chủ một khu nghỉ mát Mondulkiri nói, lượng du khách đến đây ngày một nhiều, chủ yếu đến từ các nước châu Á và châu Âu. Chính quyền tỉnh Mondulkiri tiếp tục xây dựng và mở rộng các tuyến đường đến với khu vực vùng sâu xa này để thu hút thêm lượng khách đến với Mondulkiri. Như công trình tuyến cao tốc 76 dài 48km nối với tỉnh Ratanakkiri đã hoàn thành khoảng 60%. Ngoài ra, tỉnh triển khai thêm nhiều phòng nghỉ phục vụ cho du khách lưu trú. Theo số liệu thống kê của Bộ Du lịch Campuchia, năm 2014, Mondulkiri đón gần 6 nghìn lượt du khách quốc tế trong tổng số gần 11 nghìn lượt khách. Du lịch của Mondulkiri bùng nổ góp phần cải thiện cuộc sống của người dân địa phương thông qua tạo công ăn việc làm, giúp người dân bán được sản phẩm thủ công địa phương…

Tuy nhiên, du lịch trên đà phát triển cũng song hành với nhiều thách thức mà Mondulkiri phải đối mặt. Lượng du khách đến đây càng đông, nhiều nhà nghỉ, khách sạn và các công trình hạ tầng được mọc lên khiến tập tục, lối sống truyền thống của cộng đồng dân tộc thiểu số ở Mondulkiri có thể bị thay đổi. Những cánh rừng nguyên sinh, đời sống của động vật hoang dã, môi trường có thể bị tác động tiêu cực. Bởi vậy, hiện nay, chính quyền Mondulkiri đang hợp tác với các tổ chức phi chính phủ tại đây nhằm bảo tồn hệ thống sinh thái đa dạng, động vật hoang dã. Hơn nữa, việc bảo vệ những bản sắc văn hóa truyền thống, đặc trưng của cộng đồng dân tộc Mondulkiri là rất cần thiết để ngành du lịch phát triển bền vững.

QUỐC HƯNG

QUỐC HƯNG