Được mùa mây rừng

HOÀNG YÊN 03/04/2015 09:37

Những ngày qua, nhiều người dân huyện miền núi Phước Sơn rủ nhau vào rừng bứt mây để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống.

Nhiều hộ dân ở các xã Phước Hòa, Phước Hiệp, Phước Xuân (Phước Sơn) đang có nguồn thu nhập đáng kể từ việc bứt dây mây rừng. Theo ông Hồ Văn Dền (thôn Nước Lang, xã Phước Xuân), những ngày cuối tháng Giêng âm lịch, tranh thủ thời điểm mới vừa qua tết, chưa có việc làm nhiều, một số hộ dân trong thôn bắt đầu vào rừng bứt mây tự nhiên về bán cho các tư thương. Ông  Dền cho biết: “Từ đường cái vào rừng bứt mây có khi phải đi 2 - 3km đường rừng. Bình quân mỗi sợi mây có giá 3.100 đồng, trung bình một người dân có thể bứt được hơn 100 sợi mỗi ngày. Có vài gia đình siêng năng, chịu khó, một ngày có thể bứt được 200 - 300 sợi. Người may mắn có thể gặp một bụi mây có tới 50 sợi, cứ thế mà bứt thôi”.

Anh Hồ Văn Đông vác mây tập kết ra bãi. Ảnh: HOÀNG YÊN
Anh Hồ Văn Đông vác mây tập kết ra bãi. Ảnh: HOÀNG YÊN

Vác bó mây lên vai, quệt mồ hôi lấm tấm trên khuôn mặt đỏ bừng vì nắng, anh Hồ Văn Đông (thôn 1, xã Phước Hiệp) cho biết, mây tự nhiên ở khu vực núi rừng xã Phước Hiệp còn khá nhiều, mây năm nay lại được mùa. “Hơn một tuần nay, gia đình 3 người nhà mình và mấy người quanh xóm rủ nhau đi bứt mây. Nếu siêng năng một người có thể kiếm được vài trăm ngàn đồng mỗi ngày. Có thêm khoản tiền này vào những lúc giáp hạt nông nhàn, gia đình mình có thể mua thêm thức ăn, cải thiện đời sống. Nói vậy chứ việc bứt mây không hề dễ dàng gì. Cây mây thì nhiều gai, lại mọc thành bụi lớn, người nào phải lỳ đòn không sợ xước tay chân mới bứt được. Hơn nữa, mây lại mọc trong rừng, đường đi khá xa, nhiều người phải dựng lán trại ở qua đêm để bứt cho được nhiều” - anh Đông nói.

Bà Nguyễn Thị Hà Thương, thương lái mua mây ở trung tâm huyện Phước Sơn cho biết, người dân vào rừng bứt mây rồi vác ra ngoài đường cái, tư thương túc trực ở đó và thu mua, sau đó đưa lên xe hàng chở về Đà Nẵng, nhập lại cho các làng nghề tiểu thủ công, sản xuất các mặt hàng mây tre đan. Không phải năm nào mây cũng được mùa, được giá như năm nay vì mây đã đủ già, đủ dài 3 - 4m. Theo chu kỳ sinh trưởng, hai năm mới có thể thu hoạch được một lần. Theo ông  Nguyễn Phiếm - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phước Sơn, cây mây mọc hoang dại khá nhiều dưới tầng thấp của các tán rừng, trở thành nguồn lợi tự nhiên, mang lại thu nhập cho đồng bào nơi đây. Cây mây có giá trị sử dụng cao trong đời sống và thị trường hàng thủ công mỹ nghệ. “Huyện đang xây dựng kế hoạch khảo sát quy mô, sản lượng, bảo quản nguồn tài nguyên này để phát triển làng nghề tiểu thủ công tại làng nghề truyền thống; hoặc liên kết với các cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ trong tỉnh để cây mây trở thành mặt hàng có giá trị kinh tế của địa phương”.

HOÀNG YÊN

HOÀNG YÊN