Điện Bàn hôm nay

KHẢI KHIÊM 03/04/2015 09:12

Từ một chi bộ lúc ban đầu, trải qua chặng đường 85 năm, đến nay Đảng bộ Điện Bàn có 81 chi, đảng bộ trực thuộc với hơn 5.700 đảng viên. Đảng bộ đã lãnh đạo nhân dân địa phương làm nên quá khứ hào hùng cũng như những thành tựu to lớn trong hòa bình xây dựng: từ một huyện thuần nông trở thành thị xã của tỉnh.

Quá khứ hào hùng

Điện Bàn là mảnh đất có truyền thống yêu nước, trước năm 1930 có nhiều sĩ phu yêu nước như Trần Cao Vân, Trần Quý Cáp, Nguyễn Duy Hiệu, Phan Thành Tài… đã không cam chịu thân phận nô lệ, đứng lên chống lại ách thống trị của thực dân, phong kiến. Năm 1927, Chi bộ Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội phủ Điện Bàn được thành lập tại làng Bất Nhị, do đồng chí Phạm Thâm làm Bí thư. Tháng 9.1929, chi bộ chuyển thành Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng phủ Điện Bàn. Ngày 5.4.1930, chi bộ chính thức đổi tên thành Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam phủ Điện Bàn và tập trung củng cố, phát triển tổ chức, đảng viên, vận động quần chúng tham gia hoạt động đấu tranh rộng khắp các làng, xã nhằm ủng hộ phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh (1930 - 1931), đòi “dân sinh dân chủ” (1936 - 1939), “chống phát xít, chống chiến tranh” (1939 - 1945).

Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn trao Nghị quyết công bố thành lập thị xã Điện Bàn.
Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn trao Nghị quyết công bố thành lập thị xã Điện Bàn.

Lúc bấy giờ chi bộ đã phát triển thành đảng bộ. Lo sợ trước phong trào cách mạng đang lên, thực dân Pháp và tay sai phong kiến đàn áp khủng bố. Đến năm 1944, phong trào gặp tổn thất lớn với 12/14 chi bộ bị vỡ; hơn 300 cán bộ, đảng viên và quần chúng bị bắt và nhiều người đã bị giặc giết hại, tra tấn dã man trong các nhà tù. Thế nhưng, những người cộng sản vẫn vững niềm tin, bắt liên lạc với cấp trên, chắp nối lại cơ sở cách mạng, phục hồi các tổ chức đảng và phát triển đảng viên để lãnh đạo phong trào. Ngày 17.8.1945, Đảng bộ huyện phát động toàn dân nhất tề đứng lên giành chính quyền, bắt tay vào xây dựng chế độ mới. Thực dân Pháp xâm lược nước ta một lần nữa. Hưởng ứng “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Hồ Chủ tịch, đảng bộ đã lãnh đạo quân và dân trong huyện đánh giặc giữ làng. Đỉnh cao là trận phối hợp với bộ đội chủ lực tiến công tiêu diệt quân Pháp tại cứ điểm Bồ Bồ đêm 19 rạng sáng ngày 20.7.1954, tạo nên trận “Điện Biên Phủ” trên chiến trường Quảng Nam.

Bảo tàng Điện Bàn là nơi lưu giữ nhiều hiện vật lịch sử có giá trị của mảnh đất anh hùng. Ảnh: CÔNG TÚ
Bảo tàng Điện Bàn là nơi lưu giữ nhiều hiện vật lịch sử có giá trị của mảnh đất anh hùng. Ảnh: CÔNG TÚ
Qua hai cuộc kháng chiến, huyện Điện Bàn có 19/20 xã, thị trấn, 5 tập thể và 60 cá nhân được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 2.176 mẹ được phong tặng và truy tặng Bà mẹ Việt Nam anh hùng (theo số liệu mới nhất). Toàn huyện có 18.920 liệt sĩ.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhân dân Điện Bàn dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện, tiếp tục lập nên những thành tích vẻ vang. Giai đoạn 1954 - 1960, bất chấp chính sách “tố cộng, diệt cộng” của kẻ thù, Đảng vẫn “bám rễ” trong dân để vừa xây dựng lực lượng cách mạng, vừa phát triển phong trào. Đến năm 1962, chiến công vang dội của các dũng sĩ Điện Ngọc đã làm cho kẻ thù run sợ trước ý chí và sức mạnh của cách mạng. Đây được coi như phát pháo lệnh để huyện phát triển nhanh, mạnh về lực lượng làm nên cao trào đồng khởi 1962 -1964 phá tan hệ thống ấp chiến lược và bộ máy tề ngụy ở các xã, giải phóng toàn bộ vùng nông thôn. Tháng 3.1965, quân Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng mở rộng cuộc chiến tranh xâm lược miền Nam. Kẻ thù dù hung bạo nhưng quân và dân Điện Bàn vẫn không sợ, hăng hái tham gia đánh Mỹ với một lời thề “Nhà tan, cửa nát cũng ừ, quyết tâm đánh Mỹ cực chừ/ sướng sau”. Sức mạnh chiến tranh nhân dân được phát huy mà đỉnh cao là cuộc tổng tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn quê hương vào ngày 29.3.1975.

Chung tay xây dựng

Sau Đại thắng mùa xuân 1975, đất nước hòa bình thống nhất, Đảng bộ huyện Điện Bàn lãnh đạo nhân dân lao động sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội và đạt được nhiều thành tựu to lớn trên các lĩnh vực. Theo ông Lê Thân - Bí thư Huyện ủy Điện Bàn, lúc bấy giờ chiến tranh hủy diệt 97/114 thôn, 8.000/11.000ha đất bị hoang hóa, hơn 38 nghìn người chết, hàng vạn người bị thương tật, tàn phế; hàng nghìn trẻ bị mồ côi và gần 10 vạn dân về lại quê hương với trăm bề khốn khó, thiếu ăn mặc, thiếu trường học, thiếu bệnh viện, thiếu cả công cụ sản xuất… Vậy mà chỉ 30 năm sau (năm 2005), Điện Bàn lập nên kỳ tích khi vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới. Từ một chi bộ với 3 đảng viên vào tháng 4.1930, tăng lên 958 đảng viên năm 1975 và đến nay Đảng bộ huyện có 81 chi, đảng bộ trực thuộc với hơn 5.700 đảng viên. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên ngày được nâng lên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong từng giai đoạn cách mạng.

Đại hội Đảng bộ thị xã Điện Bàn lần thứ XXII sắp tới sẽ thảo luận và quyết định phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương giai đoạn 2016-2020, chú trọng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của đảng bộ, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng đội ngũ cán bộ và đảng viên; xây dựng bộ máy chính quyền, mặt trận, đoàn thể trong sạch, vững mạnh. Đẩy mạnh phát triển kinh tế, tạo bước đột phá mới để tăng trưởng cao và vững chắc, thu hút nguồn lực đầu tư phát triển đồng bộ về hạ tầng đô thị, nông thôn”.
(Bí thư Huyện ủy Điện Bàn Lê Thân)

Những năm gần đây, Đảng bộ huyện Điện Bàn đã huy động tốt mọi nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng theo định hướng đô thị, nông thôn mới. Nhờ đó, nền kinh tế đạt mức tăng trưởng khá cao, giá trị sản xuất bình quân đạt 14,65%/năm. Từ vùng đất bị tàn phá tan hoang bởi chiến tranh, bây giờ Điện Bàn đã trở thành thị xã và đang trên đà phát triển. Ông Đặng Hữu Lên - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Điện Bàn cho biết, cuối năm 2014 giá trị sản xuất nông nghiệp chỉ còn 4,46%, công nghiệp - xây dựng cơ bản tăng lên 73,73% và dịch vụ chiếm 21,81%. Hạ tầng kinh tế - xã hội không ngừng được đầu tư. Nhiều khu dân cư đô thị, khu phố chợ, khu trung tâm các xã, hạ tầng nông thôn… hình thành. Đặc biệt có 2.074 gia đình chính sách được hỗ trợ xây dựng hoặc sửa chữa nhà ở; các chỉ số về hưởng thụ vật chất, tinh thần của người dân tăng đáng kể. Thu nhập bình quân đạt gần 39 triệu đồng/người/năm. Ở vùng Gò Nổi, các xã Điện Quang, Điện Trung và Điện Phong được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2014.

Ghi nhận những thành tích đó, Đảng và Nhà nước đã trao tặng cán bộ và nhân dân huyện Điện Bàn Huân chương Độc lập hạng Nhì. Ngày 11.3 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 889/NQ-UBTVQH13 về việc thành lập thành lập thị xã Điện Bàn và 7 phường trực thuộc. Ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND huyện cho biết, địa phương tiếp tục hoàn thiện vững chắc các tiêu chí của thị xã. Theo đó, hạ tầng giao thông huyết mạch được tiếp tục đầu tư để kết nối liên vùng, đẩy mạnh phát triển lan tỏa từ đông sang tây. Vùng ven biển chỉ bố trí một số khu du lịch cao cấp, còn lại giữ nguyên các làng chài để dành không gian công cộng. Địa phương huy động nguồn lực bằng khai thác quỹ đất, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cán bộ công chức… “Huyện xác định ngoài nguồn ngân sách, địa phương còn huy động các doanh nghiệp, các tổ chức và bà con đồng hương đầu tư vào. Dự kiến cuối năm nay, Điện Bàn tổ chức gặp mặt tri ân họ đã sát cánh cùng địa phương trên bước đường xây dựng và phát triển” - ông Thanh nói.

KHẢI KHIÊM

KHẢI KHIÊM