"Mưa vàng" hóa lũ dữ

(MINH THÔNG) 28/03/2015 14:52

* Ước tính thiệt hại xấp xỉ 82 tỷ đồng

* Đã có nạn nhân thiệt mạng trong mưa lũ

(QNO) – "Cơn mưa vàng" xuất hiện cách đây vài ngày bỗng chốc hóa thành lũ dữ, gây thiệt hại nặng cho người dân ngay đầu mùa nắng nóng. Đây là trận lũ bất thường nhất trong hàng chục năm qua, khiến nông dân nhiều nơi trong tỉnh trở tay không kịp.

Người trồng dưa mất trắng

Bãi biền thôn Mỹ Thuận, xã Đại Nghĩa (Đại Lộc) xám đục màu bùn non. Những dàn dưa leo trơ ngọn, chìm trong biển nước. Dưa hấu nổi lổn nhổn trên dòng nước bạc, cả chục hecta trồng dưa bị ung thối toàn bộ. Bên kia sông, dưa được người dân chở về chất đống, nằm ngổn ngang để dành… nuôi gia súc.

Nhiều diện tích dưa hấu bị ngập trong lũ, hư hại nặng
Nhiều diện tích dưa hấu bị ngập trong lũ, hư hại nặng

Bốn mươi năm, ông Phan Văn Pháo mới thấy trời lụt kỳ lạ như thế này. Lụt tháng 2 (âm lịch), ngay trước khi xuất bán dưa chỉ chưa đầy một tuần, cả trăm triệu đồng tiền giống, tiền công chăm bón trôi ra sông ra biển. Người đàn ông ấy đã thức trắng mấy đêm nay, băng qua sông giữa trời mưa chỉ để vớt vát được mấy sào đất màu trồng cây thuốc lá. Còn dưa hấu thì chỉ có cách đem về cho gia súc. “Vụ trồng dưa ni là vụ canh tác lớn nhất trong năm. Tiền cọc chủ hàng đã đưa rồi, còn mấy ngày nữa là xuất bán mà không kịp trở tay. Mất trắng!”, ông Pháo thở dài.

Đến cuối ngày 28.3, thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết, con số thiệt hại do đợt mưa lũ bất thường này ước tính lên đến gần 82 tỷ đồng.

Báo cáo nhanh từ Phòng NN-PTNT các huyện Duy Xuyên, Phú Ninh, Tiên Phước, Hiệp Đức, Quế Sơn, Đại Lộc, Điện Bàn và Nông Sơn cho thấy, tổng diện tích lúa bị hư hỏng hoàn toàn lên đến 130ha, hơn 2.700ha lúa bị ngập nước, ngã đổ, 1.500ha hoa màu bị thiệt hại. Hiện tại, mực nước trên các sông đã đạt đỉnh và đang xuống dần dưới mức báo động 1. Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp nhiễu động đới gió Đông trên cao khiến mưa lớn xuất hiện gây ra lũ. Có thời điểm, lượng mưa xấp xỉ 400 – 500mm như Hiệp Đức (593mm), Nông Sơn (480mm), Tiên Phước (473mm)…

Đã trải qua hàng chục mùa lũ, mực nước hiện tại cũng chỉ chưa đến mức báo động 1, nhưng sự xuất hiện bất thường của cơn lũ hiện tại đã khiến hàng chục hộ dân thôn Mỹ Thuận trở tay không kịp. Đến giờ, họ vẫn chưa hết bàng hoàng trước những gì đang diễn ra. Không thể tin được giữa tháng 2 lại có lũ. Cay đắng hơn, hàng chục hecta trồng dưa hấu, dưa hồng và các loại rau màu xuống giống từ tháng 11 đang chuẩn bị tới ngày thu hoạch. Nước mắt và con người quá nhỏ nhoi trước dòng lũ, trước hàng trăm triệu đồng vốn liếng đổ vào ruộng dưa. Ông Nguyễn Văn Mẹo, người dân thôn Mỹ Thuận cho biết: “Một kí dưa hấu thời điểm hiện tại đã có giá 4.500đ – 5000đ. Thương lái đặt cọc tiền hết rồi, giờ dưa thối úng, ai chịu mua cho tụi tui nữa. Đem cho bò ăn, bò còn không ăn nổi. Tiền trang trải nợ nần, tiền giống, tiền cọc của thương lái, biết lấy cái gì đắp vô đây”.

Mỗi hecta trồng dưa bị ngập, người dân thiệt hại hơn 100 triệu đồng.
Mỗi hecta trồng dưa bị ngập, người dân thiệt hại hơn 100 triệu đồng.

Sáng ngày 28.3, nước đã rút, nhưng vẫn còn rất nhiều diện tích đất trồng dưa, hoa màu ngập trong nước. Bùn non lấp kín những quả dưa hấu chín căng mọng. Ông Mẹo, ông Pháo và hàng chục người nữa lội bì bõm giữa nước lũ để chất dưa lên thuyền chở về như một cách để lấp bớt những lo toan hiển hiện trước mắt. Chẳng ai tha thiết gì đến cánh đồng dưa đang nổi lổn nhổn khắp mặt nước. Mỹ Thuận là một trong những địa bàn bị thiệt hại nặng nhất trong đợt lũ bất thường này. Chỉ tính riêng diện tích hoa màu dọc sông Vu Gia qua địa bàn các xã Đại Nghĩa, Đại Đồng, Đại Quang, đã có hơn 60 ha đất màu của người dân bị ngập lụt. Nước lụt nhấn chìm nhiều diện tích lúa đang độ lớn. Ông Hồ Ngọc Mẫn, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Đại Lộc cho hay: “Mưa lớn với lượng mưa trên 200mm liên tục những ngày qua, cộng với lượng nước từ thượng nguồn đổ về đã gây thiệt hại không nhỏ cho nông dân Đại Lộc. Mới chỉ mấy ngày trước, người dân còn chưa kịp mừng đón “cơn mưa vàng” sau thời gian dài nắng nóng, thì lũ đột ngột đổ về. Thiệt hại nặng nhất là các hộ trồng dưa hấu, vì dưa hấu ngâm trong nước lụt vài ngày, coi như bỏ”.

Nhiều địa phương bị thiệt hại nặng

Sáng 28.3, trao đổi với PV Báo Quảng Nam, bà Võ Thị Thúy Nguyệt - Chủ tịch UBND xã Đại Cường (Đại Lộc) xác nhận thi thể một cháu bé 10 tuổi bị trượt chân chết đuối trong lũ vừa được tìm thấy.

Trước đó, chiều 27.3, khi nước lũ đột ngột đổ về, người dân tại thôn 8, xã Đại Cường ra bãi dưa tại thôn để thu hoạch dưa. Lúc này, cháu Nguyễn Hoài An (10 tuổi, thôn Ô Gia Bắc, xã Đại Cường) đi theo người thân ra đồng chơi rồi trượt chân té ngã xuống nước ở khu vực bờ kè  thôn 8 và bị nước cuốn trôi. Đến sáng nay, người dân đã tìm thấy thi thể của cháu An.

Chưa có báo cáo sơ bộ về tình hình thiệt hại do đợt mưa lũ bất thường này gây ra, những khảo sát cho thấy hầu hết các huyện trên địa bàn tỉnh đều bị thiệt hại nặng. Nước lũ ngập phần lớn diện tích lúa dọc quốc lộ 1A. Tại các xã Tam An, Tam Phước (Phú Ninh), Điện Quang, Điện Trung (Điện Bàn), Quế Lâm, Quế Phước (Nông Sơn)… Tại Nông Sơn, hơn 70% diện tích cây lúa và hoa màu của bà con các xã trên địa bàn huyện bị ngập sâu trong nước. Cầu Khe Rinh bị ngập hơn 2m bị chia cắt hoàn toàn các xã Quế Phước, Quế Ninh cùng hệ thống đường giao thông ĐT610 và 611.Nhiều đoạn kè dọc sông Thu Bồn, đoạn qua địa phận xã Quế Trung bị sạt lở nặng. Mưa lớn cũng đã làm một phần nhà cửa của ông Hoàng Công Tám  (xóm 3, thôn Trung Hạ, xã Quế Trung) bị lũ cuốn trôi. Ông Nguyễn Văn Hòa – Phó chủ tịch UBND huyện Nông Sơn cho biết: “Trong chiều 27.3, mưa lớn gây ngập lụt nhiều diện tích lúa, hoa màu. Nhiều hộ dân sống gần sông bị đe dọa sạt lở. Các tuyến đường đi Đại Bình, Quế Lâm bị sạt lở gần 180mđất đá, bồi lấp một số tuyến kênh. Thiệt hại ban đầu ước tính gần 5 tỷ đồng”.

Chỉ tính riêng thôn Mỹ Thuận (xã Đại Nghĩa, Đại Lộc) đã có hàng chục hộ dân trồng dưa bị thiệt hại nặng.
Chỉ tính riêng thôn Mỹ Thuận (xã Đại Nghĩa, Đại Lộc) đã có hàng chục hộ dân trồng dưa bị thiệt hại nặng.
Ông Nguyễn Văn Mẹo (người dân thôn Mỹ Thuận) bần thần trước ruộng dưa bị nước lũ nhấn chìm.
Ông Nguyễn Văn Mẹo (người dân thôn Mỹ Thuận) bần thần trước ruộng dưa bị nước lũ nhấn chìm.

Tại bãi đất trồng hoa màu dọc quốc lộ 1 địa phận xã Bình Phục, hàng trăm người dân hối hả hút nước cứu rau màu. Nông dân cũng đổ xô ra đồng, vừa tìm cách cứu ruộng, vừa vớt vát nông sản trước nguy cơ nước có thể gây ngập kéo dài. 

Theo người dân, đây là hiện tượng thời tiết bất thường nhất trong hàng chục năm qua. Theo quy luật, chỉ có lũ tiểu mãn xuất hiện vào khoảng cuối tháng 5. Vẫn chưa thống kê được con số thiệt hại do lũ dữ.

PHƯƠNG GIANG

Ông Nguyễn Hồng Danh – Phó chủ tịch UBND xã Phước Ninh (Nông Sơn) cho biết:

“Hiện nay nước trên các sông, suối trên đia bàn xã đã rút, những trên địa bàn xã thì có khoảng hơn 160 ha cây lúa, bắp, rau đậu các loại của bà con nông dân chắc chắn bị hư hỏng, bà con nhân dân hết sức lo lắng cho vụ đông xuân năm nay”-

Ông Trần Thiện Thắng - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Nông Son cho biết: “Ngay sau ngừng mưa và nước rút, huyện đã  phối hợp với chính quyền các địa phương tiến hành kiểm tra tình hình thiệt, và làm việc với các hộ dân bị sạt lỡ, bị ảnh hưởng trực tiếp do mưa lũ, gây ra để có phương án khắc phục sau khi nước lũ rút. Trước mắt huyện và các xã tổ chức thống kê ngay diện tích cây lúa và hoa màu hư hại hơn 70%, đồng thời chỉ đạo các địa phương tiếp tục thông số diện tích hư hỏng dưới 70% báo cáo huyện để xây dựng phương án khắc phục. Bên cạnh dó, huyện cũng đã chỉ đạo các ban ngành liên quan tổ chức kiểm tra các điểm sạt lỡ treen các tuyến giao thông trên địa bàn, tổ chức gắn ngay các biển báo đối với các điểm sạt lỡ ở các tuyến đường giao thông để đảm bảo an toàn cho người qua lại khi tham gia giao thông”. (MINH THÔNG)

* Mưa lớn trên địa bàn huyện Duy Xuyên những ngày qua  cũng đã gây ngập úng hàng trăm héc-ta dưa hấu, bắp, đậu trên vùng đất bãi bồi ven sông. Đó là các thôn Lệ Bắc( Duy Châu); Vạn Buổng (Duy Trinh); Cầu Chìm (Duy Trung, thị trấn Nam Phước); 1.100ha lúa đông xuân trà 1 ở thị trấn Nam Phước, Duy Thành, Duy Phước, Duy Vinh đang trổ bông bị mưa gây hại, ảnh hưởng đến năng suất.

Bên cạnh đó, nhiều loại sâu bệnh đang phát sinh gây hại lúa, như  bọ xít đen gây hại rải rác cây lúa đông xuân của thôn Phú Bông (Duy Trinh); thôn Lang Châu Nam (Duy Phước), mật độ từ 5 đến 20 com/m2. Bệnh đốm nâu, gạch nâu xuất hiện rộ tại những ruộng nghèo dinh dưỡng, trong đó bị nặng là các giống lúa HT1, OM4900. Rầy lưng trắng, rầy nâu gây hại 3,5ha ở 2 xã Duy Trung và Duy Nghĩa, mật độ 750 -1.000com/m2. Bệnh khô vằn gây hại trên 30ha, tỷ lệ hại nơi cao nhất lên đến 10%.  Đặc biệt bệnh đạo ôn đang tiếp tục phát triển mạnh tại nhiều địa phương (HOÀNG THƠ)

(MINH THÔNG)