Kỳ tích vùng đất "ngã ba sông"

TRẦN BÍCH LIÊN 27/03/2015 10:29

Sau ngày giải phóng, Đại Lộc dần hồi sinh và không ngừng vươn lên. Tiếp nối quá khứ hào hùng, mảnh đất “ngã ba sông” này bước vào chặng đường mới với nhiều thành tựu vững chắc.

Làng quê nông thôn mới Đại Lộc. Ảnh: BÍCH LIÊN
Làng quê nông thôn mới Đại Lộc. Ảnh: BÍCH LIÊN

Từ xuất phát điểm là một huyện thuần nông, Đại Lộc hiện là địa phương có nền công nghiệp phát triển với giá trị sản xuất công nghiệp đứng thứ 3 toàn tỉnh (sau Điện Bàn, Núi Thành). Không chỉ ghi dấu ấn về thành tựu công nghiệp, từ sau giải phóng tới nay, Đại Lộc vẫn luôn là huyện có nền sản xuất nông nghiệp thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu tỉnh. Bức tranh nông nghiệp nơi vùng đất “ngã ba sông” tiếp tục thêm những gom màu sáng khi cuối năm 2014, Đại Lộc lọt vào top 85 huyện có nền nông nghiệp dẫn đầu cả nước… Đó chỉ là những phác thảo sơ lược về một Đại Lộc hôm nay, để thấy rằng so với 40 năm của ngày hôm qua, Đại Lộc không ngừng trưởng thành.

“Cách mạng” trong nông nghiệp

Năm 1975, kết thúc chiến tranh, cả huyện lúc bấy giờ có 128 thôn thì có tới 116 thôn bị tàn phá nặng nề, nhiều thôn xóm không còn màu xanh của sự sống. Ruộng vườn, làng mạc tiêu điều, hoang hóa, bom mìn sót lại đầy rẫy. Đất và người Đại Lộc đã mất 40 năm để hồi sinh, và huyện nghèo trung du này có được diện mạo khởi sắc như ngày hôm nay không phải là một sớm một chiều mà là hành trình của 40 năm. Trên đất này, những chiến dịch “Tháo gỡ bom mìn”, “Tiến công đồng cỏ”, “Toàn dân làm thủy lợi”, đẩy mạnh thâm canh tăng vụ… với mục tiêu cả huyện dốc sức khôi phục sản xuất nông nghiệp mà trọng tâm là sản xuất lương thực để sớm tự giải quyết nhu cầu lương thực tại chỗ là bài toán hóc búa mà Đảng bộ và nhân dân huyện đặt ra.

Nghị quyết 06 của Huyện ủy Đại Lộc (khóa XIV) năm 1989 với chủ trương: giao quyền sử dụng đất lâu dài cho dân, tổ chức đấu thầu đất sản xuất vòng 2; tiến hành xóa bỏ hợp tác xã bao cấp, xây dựng hợp tác xã kiểu mới với hình thức tranh cử chủ nhiệm… đã thể hiện tư duy chiến lược và tạo ra những bước đột phá về nông nghiệp, nông thôn. Ngành nông nghiệp huyện không ngừng trưởng thành với “cuộc cách mạng” đẩy mạnh sản xuất lúa 3 vụ/năm (đông xuân - xuân hè - hè thu). Cùng với đó là nỗ lực đẩy mạnh thủy lợi hóa, đẩy mạnh thâm canh, ứng dụng giống lúa mới IR 17494 (13/2) đã khiến Đại Lộc từng có những mùa vàng bội thu. Ví như cánh đồng cao sản Đại Phước với năng suất lúa 21,6 tấn/ha giai đoạn 1982 - 1997, từng là “điểm sáng” trong nông nghiệp khiến cả nước học tập và làm theo. Rồi điện đã về từ các nhà máy thủy điện Hố Bà Thai (Đại Quang 3), An Định (Đại Đồng), đem ánh sáng văn minh về nhiều vùng quê. Rồi trên đất sông mẹ Vu Gia, công trình hồ chứa nước Khe Tân, một công trình đại thủy nông thứ hai của tỉnh ra đời, giải quyết khô hạn cả vùng B… Nhiều cuộc “cách mạng” nông nghiệp được tiếp tục, toàn huyện đã chuyển toàn bộ diện tích lúa 3 vụ/năm sang 2 vụ/năm, song diện tích vẫn không giảm (bình quân 60 tạ/ha) nhằm khắc phục nhược điểm của sản xuất lúa 3 vụ trước đó.

Nền nông nghiệp huyện Đại Lộc khẳng định được diện mạo riêng với sự ra đời của 27 cánh đồng mẫu lớn, cánh đồng chuyên canh sản xuất lúa giống có diện tích 1.200ha tại nhiều địa phương. Không chỉ chiếm ưu thế phát triển cây lúa thương phẩm, Đại Lộc còn có ưu thế về phát triển cây rau, màu. Vùng chuyên canh rau xã Đại An được quy hoạch 120ha, trong đó có 47ha quy hoạch sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; vùng chuyên canh cây màu ở Đại Nghĩa, Đại Quang, vùng chuyên canh cây chuối với diện tích hàng nghìn héc ta ở Đại Hiệp, Đại Hòa… là điển hình. Một huyện trung du nghèo đang chuyển mình từ chỗ sản xuất nông nghiệp theo hướng tự cung, tự cấp dần trở thành vùng trọng điểm của tỉnh về sản xuất cây lúa, cây màu, không chỉ cung cấp tại chỗ mà còn dư thừa cung cấp cho thị trường theo hướng hàng hóa, những nỗ lực đó không phải địa phương nào cũng có được, cũng làm được.

Đột phá công nghiệp

Công nghiệp Đại Lộc cũng có những dáng nét riêng. Theo Bí thư Huyện ủy Đại Lộc - ông Mai Đình Lự, đó là một nền công nghiệp đi lên từ thực lực, từ sự nỗ lực trực tiếp kêu gọi, xúc tiến đầu tư của địa phương, dựa trên cơ sở, chính sách đầu tư của tỉnh. Để thu hút đầu tư, huyện đã không ngừng xây dựng cơ chế đội ngũ cán bộ làm việc hết trách nhiệm, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vào đầu tư. Tận dụng ưu thế của tuyến quốc lộ 14B, huyện quy hoạch phát triển nhiều cụm công nghiệp dọc tuyến quốc lộ, tạo thuận tiện cho lưu thông, thương mại. Bên cạnh đó, khâu giải tỏa, giải phóng mặt bằng sạch được huyện xúc tiến nhanh, sớm bố trí để doanh nghiệp vào. Hiện, giá trị sản xuất công nghiệp toàn huyện đạt hơn 60% cơ cấu kinh tế. Đặc trưng của công nghiệp Đại Lộc còn thể hiện ở ưu thế về những dòng sản phẩm công nghiệp chủ lực có thương hiệu, tên tuổi trên thị trường như sản phẩm kim phục vụ ngành dệt của Công ty TNHH Groz-beckert, sản phẩm gạch men của Công ty CP Prime Đại Lộc… Từ vị trí một huyện thuần nông, Đại Lộc đã gia nhập nhóm các địa phương của Quảng Nam có giá trị sản xuất công nghiệp hằng năm trên 2.000 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế đang trên đà chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng của các ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - xây dựng cơ bản - dịch vụ. Mục tiêu năm 2015 huyện hướng tới là phấn đấu tăng trưởng ngành công nghiệp do huyện quản lý là 3.582 tỷ đồng. Giá trị sản xuất bình quân đầu người đạt 27,7 triệu đồng, tăng gấp 5 lần so với giai đoạn 1997 - 2002…

Nhìn chung, Đại Lộc cũng như bao địa phương của Quảng Nam thoát ra khỏi chiến tranh, đi lên từ hai bàn tay trắng. Song, đã có thời điểm, cả nước từng học tập và làm theo Đại Lộc, đó là minh chứng cho những nỗ lực và bản lĩnh của con người Đại Lộc. Trên bước đường công nghiệp hóa - hiện đại hóa, mục tiêu đưa Đại Lộc trở thành huyện nông thôn mới sẽ có lắm gập ghềnh, khó khăn, song với quyết tâm và sự nỗ lực không ngừng, chặng đường đó sẽ không còn xa.

Ông Mai Đình Lự - Bí thư Huyện ủy Đại Lộc.
Ông Mai Đình Lự - Bí thư Huyện ủy Đại Lộc.

Tạo động lực, chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Ông Mai Đình Lự - Bí thư Huyện ủy Đại Lộc cho biết, giai đoạn 2015 - 2020, địa phương tiếp tục đẩy mạnh phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - thương mại - dịch vụ - du lịch, coi đây là động lực của tăng trưởng và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động. Công nghiệp sẽ được chú trọng phát triển theo hai hướng: công nghiệp tập trung tại các cụm, khu công nghiệp và công nghiệp phân tán ở các địa phương có điều kiện. Giai đoạn này, huyện sẽ phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh đầu tư xây dựng cụm công nghiệp (CCN) Đại Quang thành khu công nghiệp với quy mô 100 - 150ha, CCN Đại Tân thành khu công nghiệp với quy mô tối thiểu là 300ha. Phát triển chuỗi công nghiệp dọc tuyến quốc lộ 14B, CCN Đông Phú, Tích Phú - Đại Hiệp (100ha), tạo khu vực phát triển mạnh về công nghiệp phía bắc của tỉnh. Công nghiệp phân tán cũng tập trung phát triển trên 2 lĩnh vực. Trước hết là triển khai các dự án tại các điểm công nghiệp, xem xét định vị quy hoạch một số điểm công nghiệp quy mô phù hợp ở các xã không bố trí CCN (Đại Lãnh, Đại Hưng, Đại Chánh và Đại Thạnh…) để thu hút dự án vừa và nhỏ (may mặc, giày da). Ngoài ra, xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển làng nghề gắn với vùng nguyên liệu và các tour tuyến du lịch. Cùng với đó, tăng cường xúc tiến, kêu gọi đầu tư phát triển du lịch.

Huyện cũng đã xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025. Theo đó, Đại Lộc tập trung xây dựng hệ thống đô thị thành vùng động lực phát triển, tương xứng với tiềm năng và vị thế của một không gian giao lưu kinh tế với các vùng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam và TP.Đà Nẵng, điểm nhấn là đô thị Ái Nghĩa. Mục tiêu trọng tâm giai đoạn này là xây dựng Đại Lộc trở thành huyện nông thôn mới, thị trấn Ái Nghĩa đạt đô thị loại IV vào năm 2020…

TRẦN BÍCH LIÊN

TRẦN BÍCH LIÊN