Ngăn chặn bạo lực học đường

THẢO DÂN 27/03/2015 10:08

Có thể nói, chưa bao giờ vấn đề bạo lực học đường được toàn xã hội quan tâm như hiện nay, nhất là khi tình trạng này liên tục xảy ra gần đây. Vụ một nữ sinh lớp 7 ở Trà Vinh bị đánh hội đồng khiến dư luận bàng hoàng chưa lắng xuống thì cách đây ít ngày, một nữ sinh lớp 6 bị nhóm nữ sinh lớp 8 đánh hội đồng phải nhập viện lại một lần nữa khiến dư luận chấn động. Nhiều người đặt câu hỏi: tại sao đạo đức học đường ngày càng xuống cấp? Có người cho rằng nhà trường, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm chưa làm tròn trách nhiệm, chưa quan tâm sâu sát học sinh. Cũng có người bảo do gia đình chưa quan tâm giáo dục đạo đức cho con em, bởi “dạy con phải dạy từ thuở con thơ”. Tất nhiên, việc giáo dục một con người, nói có vẻ lý thuyết nhưng lại rất thực tế là cần sự phối hợp đồng bộ, có trách nhiệm của cả gia đình, nhà trường, xã hội. Chưa hết, cần phải làm thế nào đó để giúp các em bị bạn đánh thoát khỏi cảnh “sống trong sợ hãi”; đồng thời cũng cần điều trị tâm lý, giáo dục đạo đức cho các em có hành vi bạo lực với bạn bè thay vì đuổi học. Nói cách khác, vấn đề lúc này không phải là đùn đẩy trách nhiệm thuộc về ai mà là tìm cách để ngăn ngừa tình trạng này, dù muộn.

Cách đây 2 ngày, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị số 42-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015 -2030 trong đó có nêu, giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ luôn được Đảng, Nhà nước, gia đình, nhà trường và toàn xã hội quan tâm. Tuy nhiên, việc này vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém, nhất là trong bối cảnh đất nước có nhiều thay đổi. Ban Bí thư yêu cầu, giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ là nhiệm vụ chiến lược, lâu dài, quan trọng, đòi hỏi phải có sự quan tâm, đầu tư thích đáng. Đầu tư cho giáo dục, trong đó có giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ là đầu tư cho tương lai của đất nước.

Trước tình trạng bạo lực học đường xảy ra nhiều nơi và liên tục, tình trạng học sinh phổ thông đánh nhau có diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong dư luận xã hội và ảnh hưởng đến hoạt động giáo dục trong nhà trường, Bộ GD-ĐT cũng có công văn yêu cầu các trường tăng cường biện pháp đảm bảo an ninh trật tự trường học. Theo đó, Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường tăng cường công tác quản lý học sinh, tổ chức tuyên truyền giáo dục pháp luật, các buổi sinh hoạt chuyên đề nhằm nâng cao nhận thức, ý thức của học sinh trong việc “nói không với hành vi bạo lực và tệ nạn xã hội.” Trường phát huy vai trò của học sinh trong việc ngăn chặn, tố giác tội phạm, tệ nạn xã hội và hành vi bạo lực xảy ra đối với bản thân, bạn bè để có biện pháp xử lý kịp thời.

Theo Bộ GD-ĐT, các trường cần thực hiện có hiệu quả công tác tư vấn tâm lý cho học sinh, chú trọng công tác giáo dục đối với học sinh có hoàn cảnh đặc biệt. Trách nhiệm của các lãnh đạo trường, bí thư Đoàn, tổng phụ trách Đội, giáo viên chủ nhiệm… đối với việc quản lý, giáo dục học sinh cũng phải được tăng cường hơn nữa.

THẢO DÂN

THẢO DÂN