Toàn tâm đáp nghĩa
Thăng Bình - mảnh đất anh hùng hiện có 1.455 mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Trong số đó, có 123 mẹ còn sống và đều được các cơ quan, đơn vị trong và ngoài huyện nhận phụng dưỡng đến suốt đời. Hằng năm, huyện còn trích ngân sách khoảng 100 triệu đồng để giải quyết trợ cấp đột xuất cho những trường hợp gia đình chính sách có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn do gặp rủi ro, bệnh tật hiểm nghèo.
Dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ. Ảnh: V.QUANG |
Tiếp nối truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, những năm qua, công tác đền ơn đáp nghĩa ở Thăng Bình luôn được quan tâm, huy động hiệu quả nguồn lực xã hội hóa cho các hoạt động chăm sóc người có công.
Tấm lòng cao cả
Đến xã Bình Sa tìm hiểu công tác đền ơn đáp nghĩa, chúng tôi nghe nhiều người nhắc đến Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân - Trung tướng Châu Văn Mẫn, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng Công an nhân dân. Không chỉ vì những thành tích trong kháng chiến, người dân nhớ đến còn vì tấm lòng cao cả của ông - người con của quê hương Bình Sa. Chỉ trong mấy năm gần đây, từ số tiền của bản thân cộng với nguồn vốn huy động được từ đóng góp của các nhà hảo tâm, Trung tướng Châu Văn Mẫn đã hỗ trợ xây 12 nhà tình nghĩa cho các gia đình có công với cách mạng của xã gặp khó khăn trong cuộc sống. Cũng từ kêu gọi, huy động các nguồn lực, Trung tướng Châu Văn Mẫn đã giúp xã Bình Sa 250 triệu đồng xây bia tưởng niệm liệt sĩ ở các thôn Bình Trúc 2 và Tiên Đỏa, kịp hoàn thành nhân kỷ niệm 40 năm giải phóng xã Bình Sa.
Cách đây không lâu, Trung tướng Châu Văn Mẫn cũng đã về xã Bình Sa trao tặng Trường Tiểu học Trần Phú phòng máy vi tính với dàn máy gồm 25 chiếc, tổng trị giá 160 triệu đồng. Để có được phần quà đó, ngoài số tiền của mình, Trung tướng Châu Văn Mẫn đã vận động sự đóng góp từ các doanh nghiệp, bạn bè với hy vọng giúp các cháu học sinh của miền quê Bình Sa được tiếp cận với tin học, góp phần vào phát triển giáo dục ở địa phương. Trước đó, Trường Tiểu học Trần Phú được xây dựng khang trang, bề thế từ số tiền khoảng 3 tỷ đồng cũng do Trung tướng Châu Văn Mẫn quyên góp, vận động hỗ trợ. Những việc làm của ông xuất phát từ tâm niệm “luôn gắng sức để giúp đỡ, vun đắp, xây dựng xã Bình Sa - vùng quê đã cống hiến quá nhiều máu và nước mắt trong công cuộc đấu tranh giải phóng quê hương Thăng Bình”.
Năm 2014, huyện Thăng Bình chi trả trợ cấp cho người có công với khoản kinh phí chi trả mỗi tháng 6,8 tỷ đồng. Mỗi năm huyện còn tổ chức điều dưỡng cho gần 1.700 lượt người có công, trong đó điều dưỡng tập trung gần 300 lượt người. |
Ông Nguyễn Tấn Bình - Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Thăng Bình cho biết, không riêng xã Bình Sa, ở tất cả 22 xã, thị trấn, người dân, chính quyền và các cấp ủy đều chung tay quan tâm, động viên, chăm sóc các gia đình chính sách, xem đó là nghĩa vụ cao cả.
Nghĩa vụ thiêng liêng
Chăm lo cho người có công, Thăng Bình luôn dành sự toàn tâm, không chỉ biểu hiện ở việc kịp thời chi trả chế độ chính sách mà còn ở các chương trình chăm sóc, hoạt động ý nghĩa hướng đến người có công. Đối với thương binh nặng, hiện nay cả 48 trường hợp ở huyện Thăng Bình đều được quan tâm tạo điều kiện ổn định về nơi ăn, chốn ở, bố trí đất sản xuất. Đa số thương binh nặng đã vượt khó vươn lên ổn định cuộc sống, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc. Tiêu biểu như tại xã Bình An, với mô hình kinh tế trồng trọt kết hợp chăn nuôi, nhiều gia đình thương binh, bệnh binh ở thôn An Dưỡng đã thu về khoảng 100 triệu đồng với mỗi lứa heo xuất bán và hàng chục triệu đồng từ trồng tiêu.
Trong thời gian qua, từ nguồn ngân sách nhà nước và huy động từ các cơ quan đơn vị, doanh nghiệp và nhân dân, Thăng Bình đã hỗ trợ xây mới và sửa chữa 2.782 nhà tình nghĩa với tổng kinh phí hàng chục tỷ đồng. Việc vận động Quỹ đền ơn đáp nghĩa hằng năm đều vượt kế hoạch đề ra. Phong trào này đã không ngừng phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” đã được lan tỏa trong mọi tầng lớp nhân dân. “Hằng năm toàn huyện vận động Quỹ đền ơn đáp nghĩa đạt xấp xỉ 400 triệu đồng. Cùng với đó, huyện phát động chương trình tặng sổ tiết kiệm cho gia đình chính sách, người có công với cách mạng có hoàn cảnh khó khăn, mỗi năm vận động được hơn 100 sổ tiết kiệm với trị giá 500 nghìn đồng/sổ. Những hành động này đều hướng tới nghĩa vụ thiêng liêng là quan tâm, chăm sóc người có công” - ông Trần Văn Thức, Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình nói.
VIỆT QUANG